Lan tỏa các mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người có đạo
Với hơn 20 dân tộc anh em cùng chung sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 40% dân số toàn huyện, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào DTTS, người có đạo trên tất cả các lĩnh vực đã được các cấp ủy đảng và chính quyền huyện Di Linh (Lâm Đồng) quan tâm thực hiện.
Huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng có dân số khoảng 161.212 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 41,5%. Huyện có 4 tôn giáo chính gồm Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao đài với 94.005 tín đồ, trong đó tín đồ là người đồng bào DTTS chiếm 39,92%. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Di Linh cho biết: Trong những năm qua, Ban Dân vận đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy, Mặt trận, các đoàn thể huyện; khối dân vận các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế và nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị mình; từ đó lựa chọn nội dung xây dựng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị.
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm và tăng cường chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở thực hiện tốt công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS, người có đạo gắn với xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Qua 5 năm triển khai xây dựng và nhân rộng, đến nay, trên địa bàn huyện Di Linh đã có nhiều mô hình “Dân vận khéo” ở tất cả các lĩnh vực, cùng những cái tên và con số cụ thể chứng minh ý nghĩa, hiệu quả đạt được của mô hình. Về lĩnh vực kinh tế, tiêu biểu có mô hình chuyển đổi cà phê già cỗi sang trồng sầu riêng, bơ, mắc ca, trồng dâu, nuôi tằm, trồng lagim của bà con Nhân dân các xã Đinh Trang Thượng, Tân Thượng, Gia Hiệp, Tân Châu, Đinh Trang Hòa; Mô hình Chuyển đổi đất trồng lúa một vụ hiệu quả thấp sang trồng bắp có năng suất cao của bà con thôn KaoKuil, xã Đinh Lạc; Mô hình Đổi công của đoàn viên, thanh niên các xã Đinh Trang Thượng, Tân Lâm; Mô hình trồng Lúa ST 25 tại các xã Gung ré, Bảo Thuận, thị trấn Di Linh... Qua việc xây dựng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, tình hình sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Di Linh ngày càng ổn định. Nhiều hộ dân đã bỏ tâm lý trồng chờ, ỷ lại, tích cực phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Về văn hoá - xã hội, toàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đóng góp kinh phí, hỗ trợ ngày công lao động làm cổng rào, sân bê tông cho các hộ dân là người đồng bào DTTS. Tiêu biểu như Mô hình hội viên Cựu chiến binh người DTTS làm hàng rào, đổ bê tông sân nhà ở tại các xã Bảo Thuận, Sơn Điền, Gia Bắc, Tân Thượng, Tân Châu, Tân Lâm, Đinh Trang Thượng; mô hình Nhân dân các tôn giáo tham gia dọn dẹp vệ sinh, khơi thông cống rãnh, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp tại các thôn, tổ dân phố của thị trấn Di Linh, các xã Tân Lâm, Đinh Lạc, Tân Nghĩa, Bảo Thuận, Gung Ré... Bên cạnh đó là các mô hình vận động Nhân dân không tổ chức linh đình trong việc cưới, việc tang, sinh nhật; từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán không còn phù hợp; các mô hình nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã Liên Đầm, xã Bảo Thuận; mô hình xây dựng, nhân rộng các “Khu dân cư tiêu biểu”, “Khu dân cư kiểu mẫu” của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện thực hiện trên địa bàn các thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện.
Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành cũng tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện. Tiếp tục duy trì, xây dựng các câu lạc bộ cồng chiêng tại các xã Tân Nghĩa, Đinh Lạc, Bảo Thuận, Tân Lâm, Gung Ré, thị trấn Di Linh,...
Đối với quốc phòng, an ninh trong vùng đồng bào DTTS, các mô hình về Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục được xây dựng và nhân rộng gắn với Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó, đồng bào DTTS tích cực hưởng ứng bằng việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát huy vai trò của già làng, người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, người tiêu biểu. An ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS cơ bản ổn định, không xảy ra điểm nóng. Các hoạt động của đồng bào theo các tôn giáo diễn ra bình thường, tuân thủ theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, Ban Chỉ đạo 503 huyện Di Linh đã tham mưu xây dựng kế hoạch tổ chức công tác dân vận tập trung trong vùng đồng bào DTTS với nhiều nội dung công việc cụ thể, sát với tình hình tại địa phương thông qua các công trình như: làm đường, xây dựng hội trường thôn, làm sân xi măng, cổng, hàng rào... Từ đó đã dần thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Nhung, bên cạnh việc xây dựng các điển hình, mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, khối dân vận các xã, thị trấn, khối chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong huyện cũng tiếp tục củng cố, kiện toàn khối dân vận của mình. Đồng thời, tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đoàn viên, hội viên song song với công tác kiện toàn tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên; đặc biệt đoàn viên, hội viên là đồng bào DTTS. Từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác dân vận. Cán bộ làm công tác dân vận ngày càng được củng cố về số lượng và chất lượng, khơi dậy được tiềm năng, nguồn lực to lớn trong Nhân dân. Thông qua đó góp phần phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể vững mạnh.