Đặc sản địa phương

Bánh đầu chó - Đặc sản của đồng bào Thổ ở miền Tây xứ Nghệ

Phan Giang-Gia Ân 29/02/2024 16:21

Cũng gần giống với bánh sừng trâu trong mâm cỗ của đồng bào dân tộc Thái miền tây Nghệ An. Bánh đầu chó là loại bánh không thể thiếu trong mâm cỗ của các gia đình đồng bào dân tộc Thổ những dịp lễ, tết. Bánh đầu chó mang ý nghĩa gắn kết, gần gũi trong gia đình và cộng đồng.

anh-1(1).jpg
Những nguyên liệu làm bánh đầu chó gồm gạo nếp, lạt giang và lá gói

Quy trình gói bánh đầu chó rất đơn giản, không cầu kỳ, tốn kém... dễ làm, hầu như ai cũng có thể tự tay gói cho mình và gia đình những chiếc bánh dân giã này, nhất là các bà, các chị phụ nữ Thổ vốn khéo tay, chịu thương chịu khó.

Để gói bánh, cần chuẩn bị trước một lượng gạo nếp tuỳ theo nhu cầu mỗi gia đình, lạt giang và lá gói, nhất thiết phải là lá cây chổi đót một trong những nguyên liệu dùng để gói bánh đầu chó, hiện nay rất hiếm, nên nhiều người dân hay làm bánh đầu chó đã phải đưa cây về nhà trồng. Là cây họ lau, chúng thường mọc trong rừng, nơi gần bờ khe bờ suối, triền núi ở vùng Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp.

anh-2.jpg
Cây chối đói, nguyên liệu để làm bánh đầu chó

Gạo nếp vo kỹ, bỏ thêm muối, còn lá cây chổi đót phải chọn những lá còn tươi, đẹp, không rách, không sâu, rửa thật sạch, để ráo, xếp thành lớp. Mỗi chiếc bánh đầu chó chỉ dùng hai lá để gói. Lá được xếp thành hình phễu, xúc gạo nếp đã vo đổ vào, việc cho gạo vào nhiều hay ít cũng phải được lường trước sao cho hợp lý, nếu cho gạo vào nhiều quá thì khi nấu hạt gạo nở ra bị chèn ép bánh sẽ nứt lá hoặc không chín được, cho ít quá thì bánh nhăn nheo không đẹp mắt.

Sau đó dùng tay nén chặt rồi khéo léo cuộn lá có đầu giống hình đầu con chó và lấy lạt giang dẻo buộc chặt. Đặc biệt, bánh chỉ sử dụng rặt nếp không có nhân như bánh chưng, bánh tét.

anh-3.jpg
Nghệ nhân Trương Thị Giáp - người có thâm niên hơn nửa thế kỷ gói bánh đầu chó

Việc cuốn chiếc lá sao cho giống hình đầu con chó là một việc thoạt nhìn rất đơn giản nhưng chỉ là đối với những người lớn giàu kinh nghiệm, đã "quen tay". Nghệ nhân Trương Thị Giáp- người có thâm niên hơn nửa thế kỷ gói bánh đầu chó ở xóm Mo xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp chia sẻ “lúc lên 10 tuổi, bà thường cùng mẹ, cùng bà tập gói bánh, đến nay cũng đã mấy chục năm bà gói loại bánh này rồi. Khi gói bánh đầu chó cảm giác không khí gia đình thật ấm áp, quây quần”.

Sau khi gói xong, xếp vào nồi, đổ ngập nước và nấu kỹ trong khoảng 2-3 giờ. Bánh chín, vớt ra để ráo và bảo quản nơi thoáng mát. Để càng nguội thì bánh ăn càng ngon và thơm. Trong các dịp đặc biệt (lễ tết, cưới hỏi), bánh được dọn ra ăn kèm với thịt, dưa chua.

Người Thái có tục gói bánh sừng trâu với biểu tượng cho sự mạnh khỏe thịnh vượng thì dân tộc Thổ lấy con chó biểu tượng cho sự trung thành, gần gũi… Không chỉ đơn thuần là một món ăn, bánh đầu chó là hướng đến sự yêu thương, gắn kết, đùm bọc lẫn nhau. Chính vì thế, bánh đầu chó là vật phẩm không thể thiếu của Người Thổ trong việc chuẩn bị quà gặp mặt, đám hỏi, đám cưới của nhà trai, nhà gái...

anh-5.jpg
Nhiều học sinh đã tìm đên nghệ nhân Trương Thị Giáp để tìm hiểu về loại bánh đặc biệt-bánh đầu chó của đồng bào Thổ

Ngoài chức năng là phẩm vật trong mâm cỗ cúng gia tiên, cùng với bánh chưng, bánh dày, bánh sừng trâu... thì bánh đầu chó còn là món quà mừng tuổi cho lũ trẻ.
Sẽ là may mắn cho bất cứ ai đến các xóm của đồng bào Thổ trong bữa cơm đãi khách được chủ nhà trang trọng mời đĩa bánh đầu chó... Không là sơn hào hải vị, nhưng từ trong sâu xa tâm thức dân gian qua chiếc bánh dân giã này, cũng cảm nhận hết giá trị chân tình của chủ nhà qua món quà quê bình dị-bánh đầu chó...

Phan Giang-Gia Ân