Văn hóa

Giữ gìn mỹ quan, thanh tịnh chốn linh thiêng

Nguyễn Đạt 28/02/2024 - 17:02

Mỗi độ tết đến xuân về, dòng người hành hương về các điểm di tích lịch sử - văn hóa để dâng hương, vãn cảnh lại tăng đột biến. Chính vì vậy, để đảm bảo mỹ quan cho di tích, sự trang nghiêm, thanh tịnh chốn linh thiêng, công tác vệ sinh môi trường luôn được các ban quản lý di tích, các địa phương chú trọng.

Thanh Hóa là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Vào dịp đầu năm, các di tích luôn thu hút một lượng lớn du khách tìm về dâng hương, tham quan. Bởi vậy, để giữ gìn mỹ quan khu di tích, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp, hấp dẫn du khách thì công tác đảm bảo vệ sinh môi trường luôn được các ban quản lý di tích chú trọng thực hiện.

245d3102509t77003l0.jpg
Nhờ làm tốt công tác vệ sinh môi trường nên cảnh quan tại chùa Vồm, phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) luôn sạch đẹp.

Tại hầu hết các khu, điểm di tích, đặc biệt là các di tích trọng điểm của tỉnh như Khu di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), đền Nưa - Am Tiên (Triệu Sơn), đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn), chùa Vồm (TP Thanh Hóa)... đều trang bị cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác vệ sinh môi trường, có hệ thống thu gom và xử lý rác thải đảm bảo, thân thiện với môi trường. Các ban quản lý di tích cũng quan tâm đến việc bố trí, sắp xếp khu vực để xe, có biển hướng dẫn từng khu vực phục vụ, bố trí các điểm hóa vàng mã hợp lý. Đồng thời, phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh để Nhân dân có ý thức giữ gìn vệ sinh chung khi đi lễ chùa...

Tại chùa Vồm, phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa), dịp đầu xuân mỗi ngày thu hút hàng trăm du khách đến dâng hương, vãn cảnh. Bởi vậy, để đảm bảo cảnh quan môi trường luôn sạch, đẹp, ban quản lý di tích đã đầu tư bố trí hàng chục thùng rác, phân công đội vệ sinh môi trường luân phiên trực quét dọn, đảm bảo công tác vệ sinh môi trường.

Cùng với đó, hệ thống bảng, biểu tuyên truyền về các quy định thực hiện bảo vệ môi trường đều được bố trí, lắp đặt tại các không gian rộng, thoáng, dễ nhìn để du khách đến tham quan dễ đọc và chấp hành đầy đủ. Ngoài ra, việc trồng cây xanh, tạo không gian xanh, hài hòa với thiên nhiên cũng được chú trọng thực hiện... Từ đó, góp phần mang đến không gian trong lành, thanh tịnh, hấp dẫn du khách đến chiêm bái, tham quan.

Hòa vào dòng người tới dâng hương tại chùa Vồm, anh Lê Hoài Nam, xã Thiệu Vân (TP Thanh Hóa), cho biết: Năm nay, chùa Vồm được trùng tu, tôn tạo một số hạng mục, khuôn viên sạch đẹp, phong quang hơn, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Mặc dù lượng du khách đông nhưng các hoạt động lễ bái tại chùa đều diễn ra trong trật tự, vệ sinh môi trường được bảo đảm. Ban quản lý chùa cũng thường xuyên nhắc nhở, tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các quy định khi đi lễ chùa. Bởi vậy, đa phần họ đều có ý thức hơn, thực hiện nghiêm chỉnh việc bỏ rác đúng nơi quy định, không chen lấn xô đẩy nhau khi dâng hương...

Những ngày đầu xuân năm mới, dòng người hành hương về đền Sòng (thị xã Bỉm Sơn) rất đông. Ông Tống Văn Cương, Trưởng tiểu Ban quản lý Đền Sòng cho biết: Ban quản lý di tích đã thực hiện chu đáo các điều kiện phục vụ du khách tới tham quan như bố trí điểm trông, đỗ xe rộng rãi, thuận tiện, thực hiện tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ cảnh quan luôn sạch, đẹp, trang nghiêm. Hệ thống dịch vụ phục vụ bán các đồ lễ xung quanh di tích cũng được sắp xếp trật tự, quy củ hơn, bởi vậy du khách đến đây cũng cảm thấy an tâm và thoải mái.

Bà Mai Thị Bình (Thạch Thành) đến dâng hương tại đền Sòng, cho hay: "Đến với đền Sòng năm nay, tôi thấy khu di tích có nhiều đổi mới, khuôn viên xung quanh đền được mở rộng, đường đi lối lại được phong quang, sạch sẽ, không có cảnh lộn xộn, mất trật tự. Các khu vực hàng quán được bố trí, sắp xếp rất khoa học, thuận tiện cho người đi lễ. Đây thực sự là điểm đến rất thích hợp với những người đi du xuân, vãn cảnh đầu năm".

Có thể thấy rằng, du xuân về miền tâm linh những ngày đầu xuân đã là một nhu cầu không thể thiếu của người dân đất Việt. Đầu năm cũng chính là thời điểm “vàng” của du lịch tâm linh. Bởi vậy, để tạo sức hấp dẫn và “níu chân” du khách quay trở lại, thì một trong những yếu tố quan trọng mà các cấp, ngành, địa phương và ban quản lý các khu, điểm du lịch trong tỉnh đã và đang quan tâm thực hiện đó là đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan xanh mát, trong lành.

Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, mỗi người dân khi đến dâng hương tại các khu, điểm di tích cũng cần nâng cao hơn nữa ý thức trong việc thực hiện nghiêm các quy định khi đi lễ chùa. Các hộ kinh doanh quanh khu vực di tích chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường để cảnh quan di tích luôn sạch đẹp.

Nguyễn Đạt