Rija Nagar - Lễ hội đầu năm của người Chăm
Rija Nagar là di sản lễ hội được diễn ra đầu tiên vào tháng Giêng theo lịch Chăm (vào khoảng tháng 4 dương lịch), có sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng. Lễ hội Rija Nagar được cả cộng đồng người Chăm Bàni và Chăm Bàlamôn tổ chức. Đây là nét độc đáo trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm.
Người Chăm theo tín ngưỡng thờ đa thần, trong một năm, người Chăm tổ chức nhiều lễ hội khác nhau. Những người có công lao to lớn đối với làng, khi mất, họ được dân gian phong thần (Yang) và lập đền thờ để thờ cúng. Qua đó, cầu mong thần linh ban cho những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Mỗi làng Chăm đều có đền thờ những vị tiền hiền có công mở mang, khai khẩn đất đai, tạo dựng làng, tổ chức sản xuất và ổn định đời sống người dân. Họ được thờ phụng trong đền làng như tục thờ thần hoàng của người Việt. Điều này thấy rõ qua các đền thờ mang tên các vị thần như Po Nai, Po Riyak, Po Klaong Kasait, Po Patao Bin Thuer và Po Ina Nagar ở các làng Chăm. Đền thờ làng là nơi diễn ra Lễ hội Rija Nagar, quy tụ người dân, chức sắc và các nghệ nhân dân gian tham gia lễ hội khiến cho không khí ngày hội thêm vui tươi, nhộn nhịp.
Rija Nagar mở đầu cho hàng loạt lễ hội trong năm của người Chăm. Lễ được tổ chức nhằm cầu xin mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng được sống ấm no hạnh phúc, cũng như tẩy uế những cái xấu xa của năm cũ để đón lấy những điều may mắn trong năm mới... Lễ hội diễn ra trong một nhà lễ (kajang), chủ lễ là ông Ka-ing và thầy vỗ Maduen, ngoài ra còn có nghệ nhân đánh trống Ginang, thổi kèn Saranai. Nói đến nội dung Lễ hội Rija Nagar, người Chăm có câu “ngày vào cúng gà - ngày ra cúng dê” hay “ngày vào cúng thần mới - ngày ra cúng thần cũ”. Ngày đầu của Rija Nagar là lễ cúng thần mới. Lễ vật cúng là bàn tổ gồm một thôn trầu, rượu, trứng cùng các món cúng như xôi, chuối, gà. Khi tiếng trống ngân lên, tiếng kèn Saranai réo rắt là lúc buổi lễ bắt đầu với điệu múa khoan thai của ông Ka-ing. Khi đó, thầy vỗ Maduen với chiếc trống Baranâng trên tay vừa vỗ vừa hát những bài thánh ca nói lên công trạng của các vị thần, đồng thời mời các ngài về dự lễ.
Đầu năm khi nghe tiếng sấm rền vang ở phía đông, phía tây là báo hiệu một năm mới người Chăm sắp đến. Người Chăm bắt đầu tổ chức lễ hội đầu năm Rija Nưgar để tống khứ những điều xấu xa, xui xẻo, để năm mới đón nhận những điều tốt lành cho dân làng và đón nước, cầu mưa, chuẩn bị mở đầu cho việc khai trương, cầy cấy.
Lễ vật dâng cúng bao gồm bàn tổ, xôi, chuối, gà, dê và các món ăn truyền thống. Lễ hội Rija Nagar là nét đẹp văn hóa độc đáo của người Chăm, thể hiện niềm tin vào thế giới tâm linh và mong ước về một cuộc sống sung túc, an khang.
Từ tiếng sấm đầu năm đó, người Chăm bắt đầu cắm mốc thời gian cho năm mới, cho lịch pháp. Đó cũng là ngày hội mở đầu năm – mồng một tháng giêng lịch Chăm. Kể từ mồng một cho đến hết thượng tuần trăng tháng giêng là thời gian mở hội lễ Rija Nưgar. Khắp nơi làng Chăm đều tổ chức lễ hội Rija Nưgar. Đối với làng Chăm Ahiêr thường tổ chức lễ hội Rija Nưgar vào ngày thứ tư, thứ năm và Chăm Awal thì ngày thứ năm, thứ sáu trong tuần và bắt đầu bằng các ngày lẻ (1, 3, 5, 7) trong tháng giêng.
Nhà lễ (Kajang) dùng làm không gian múa lễ được rào kín 3 mặt ở phía Tây, Nam, Bắc bằng tấm liếp đan tre, chỉ mở một lối ra vào ở phía Đông, mái nhà được lợp tranh tạo bóng mát. Ở trần nhà lễ Rija Nưgar, trong ngày cúng thứ nhất treo một tấm vải trắng hình chữ nhật (1,5m x 1m) gọi là “Lâm tinh” - tượng trưng cho vũ trụ. Bên dưới đối diện với tấm vải là vật lễ “Mưron” - cũng là một tấm vải trắng được cột hai cây gỗ. Và ba cây cột ở đầu nhà lễ đều bao vải trắng. Cách trang trí nhà tương tự như trong không gian thánh đường Hồi giáo - Bàni. Do vậy, ngày đầu cúng lễ Rija Nưgar là cúng cho “thần mới” (yang brou) như các vị thần Alla, mohamach…; đến ngày hôm sau cúng “thần cũ” (yang bimon - yang aklak) như thần Po Inư Nưgar, Po klaung…
Lễ vật dâng cúng, ngoài gà, dê còn có 5 mâm cơm, canh, bánh trái (chuối, bánh ngọt), trầu cau, rượu trứng… Ngoài ra trên bàn lễ còn có vật lễ quan trọng là lửa - nước. Lễ vật cũng được người Chăm chia làm hai phần âm và dương mà họ thường gọi nôm na theo tên lễ vật chính là “ngày vào buổi chiều - cúng con gà (thuộc âm) và ngày ra buổi sáng - kết thúc lễ là cúng con dê (thuộc dương)”.
Người chủ lễ trong buổi lễ Rija Nagar là ông Maduen, có nhiệm vụ thực hiện việc thỉnh mời thần linh, vỗ trống Paranưng hát các bài thánh ca kể về tiểu sử và công đức của các vị thần linh. Song hành với ông Maduen là ông Ka-ing có vai trò như một vũ công múa dâng lễ. Mỗi vị thần linh có tước vị, tính cách, trang phục khác nhau. Do đó, khi múa ông Ka-ing cũng hoá trang, nhập vai và mang theo những đạo cụ khác nhau để diễn tả về các đặc điểm, phong thái của các vị thần linh. Đánh nhạc cho ông Ka-ing múa là một ban nhạc lễ, gồm có hai nhạc công đánh trống Ginang, Basanưng, một nhạc công thổi kèn Saranai. Khi ông Ka-ing hoá thân vào thần linh nào thì ban nhạc tấu lên những bản nhạc dành riêng cho từng vị thần linh đó. Trong lúc hành lễ tùy theo thời gian, tâm trạng, tính cách, công lao của các vị thần mà Mưduôn (thầy vỗ trống), hoặc Kadhar (thầy kéo đàn Rabap) xướng lên nhiều hay ít. Theo nguyên bản, mỗi ca khúc rất dài, có từ 60-100 câu thơ. Tất cả những lời ca này được các nghệ nhân thuộc lòng và được ghi lại thành văn bản chữ Chăm còn lưu truyền trong dân gian hiện nay.
Lúc thầMaduen hát thì thầy Ka in cầm roi ngựa múa nhảy theo nhịp trống và tiếng reo hò của người dự lễ. Thầy Ka in (thầy bóng) ngây ngất trong điệu múa và nhập đồng. Đến lúc thăng hoa thầy Kain (thầy bóng) cầm roi ngựa múa, nhảy phi vào đạp tắt đống lửa đang rực cháy trước rạp lễ trong tiếng hò reo của mọi người. Năm nào thầy bóng lên đồng dập tắt đống lửa thì năm đó dân tin rằng mưa thuận gió hoà. Vì lửa tượng trưng cho nắng nóng, khô hạn. Dập tắt đống lửa trong lễ hội Rija Nưgar là tiễn đưa được cái khô hạn, nắng nóng ra đi và đem lại khí trời mát mẻ, mưa thuận gió hoà cho dân làng cày cấy.
Trong lễ hội Rija Nagar, đồng bào Chăm đều mặc trang phục truyền thống. Đàn ông mang chăn trắng, đeo dây thắt lưng dệt từ tấm thổ cẩm với nhiều màu sắc, hoa văn, áo quạ, đầu quấn khăn trắng. Phụ nữ mặc váy, áo dài qua đầu gối, đầu quấn khăn, tạo nên sự duyên dáng của phụ nữ Chăm.
Rija Nagar cũng như các lễ Rija khác chứa đựng và bảo lưu nhiều giá trị văn hóa trong đó có nghệ thuật diễn xướng dân gian, âm nhạc và múa. Tất cả các điệu nhạc trống Ginăng, một số làn điệu dân ca và các động tác múa truyền thống dân tộc Chăm hầu như đều có xuất xứ từ các lễ Rija và được bảo tồn rộng rãi trong đời sống người Chăm cho đến ngày nay. Ngoài ra, qua lễ Rija Nagar các giá trị cộng đồng được phát huy tính tích cực như tinh thần trách nhiệm, tương thân tương ái, tình đoàn kết xóm giềng, đoàn kết giữa các cộng đồng làng và tôn giáo khác nhau…