Từ lâu, lễ hội đầu xuân đã được xem là nét văn hóa truyền thống đáng quý của dân tộc Việt Nam. Cũng như các địa phương, ở Lục Yên (Yên Bái), việc tổ chức các lễ hội không chỉ đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống của dân tộc.
Khi tiếng trống rộn rã thúc giục cũng là lúc những bước chân nhanh về hội, quần áo mới thắm tươi muôn màu tưởng như một dòng sông hoa đổ về các địa điểm tâm linh. Trong không gian của lễ hội mùa xuân mơ mà thực, ta bắt gặp các cụ già phơ phơ mái đầu, chống gậy trúc lên chùa, tay lần tràng hạt, miệng niệm "Nam mô” thành kính. Những người trung niên đội lễ lên đền, lòng thầm ước một năm mưa thuận gió hòa, nhân khang vật thịnh. Từng tốp các cô thôn nữ xúng xính áo váy, khăn thêu, thoắt ẩn thoắt hiện, chen chân trong dòng người nườm nượp kéo về hội lễ, với tiếng cười khúc khích, trẻ trung như mùa xuân tràn đầy sức sống. Lễ hội mùa xuân in dấu trong ta suốt cả một đời.
Đã thành thông lệ, cứ 3 năm, Lễ hội cầu an, cầu mùa ở đình Khai Trung tưng bừng mở ra với đầy đủ phần lễ và phần hội. Phần lễ được thực hiện rất tỉ mỉ với 4 thầy cúng làm việc liên tục trong hơn 1 ngày. Mỗi thầy có một nhiệm vụ riêng: thầy bản vương, thầy khai thiên lập địa, thầy cầu phúc - cầu lộc - cầu tài và một thầy có nhiệm vụ mời các thần linh về chứng giám, phù hộ cho lễ hội. Phần hội là những trò chơi dân gian như ném còn, đánh quay, bịt mắt bắt vịt…
Lễ hội cầu mùa năm nay còn có một niềm vui đặc biệt khi đình Khai Trung được UBND tỉnh Yên Bái cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Để tiếp tục phát huy giá trị di tích, ông Hoàng Văn Câu - Chủ tịch UBND xã Khai Trung cho hay: "Hiện nay, cơ sở vật chất đình còn thiếu thốn, khó khăn, chúng tôi sẽ huy động các nguồn lực mà chủ yếu là xã hội hóa, kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp để tôn tạo di tích đình Khai Trung…”.
Lục Yên được mệnh danh là đất Ngọc, gồm chứa trong đó 20 di tích lịch sử - văn hóa, chưa kể các danh lam thắng cảnh gắn liền với lễ hội cổ truyền. Mỗi dịp đầu xuân, Lục Yên có hàng chục lễ hội, ngày hội, chưa kể các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dân tộc, hoạt động văn nghệ, thể thao… với quy mô khác nhau. Lễ hội mùa xuân náo nức, tưng bừng kéo dài từ tháng Giêng cho tới tháng Ba âm lịch.
Lễ hội đền Suối Tiên dù được khôi phục muộn hơn, nhưng với sự linh thiêng của nơi này đã nhanh chóng thu hút rất đông du khách tham quan, chiêm bái và công quả đóng góp xây dựng. Do vậy, đền Suối Tiên đã nhanh chóng được tu bổ, xây dựng tạo nên vẻ uy nghiêm, trang trọng như hôm nay.
Cũng như các lễ hội khác diễn ra trong năm, lễ hội đền Suối Tiên diễn ra với phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi thức mang tính tâm linh cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Phần hội là các trò chơi dân gian giúp mỗi người đi hội có được tinh thần sảng khoái để bắt đầu công việc một năm mới. Anh Hoàng Trọng Bình - một du khách đi trẩy hội xuân chia sẻ: "Tôi đi tất cả các lễ hội của Lục Yên và đến đâu tôi cũng thấy được nét đẹp dân tộc qua trang phục, qua phong tục, qua các trò chơi dân gian…”
Lễ hội mùa xuân ở Lục Yên có quy mô rộng cả một vùng và liên vùng hoặc có quy mô trong một làng, một bản, một dòng tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức và giao lưu văn hóa, nhu cầu giải trí và ngưỡng vọng tâm linh, giải tỏa những tình cảm dồn nén. Đây chính là dịp để con người thăng hoa trong tâm thức, được hòa đồng vào không gian thiêng, đảm bảo sự cân bằng về tâm lý, tình cảm giúp họ có thêm tinh thần hăng say, hứng khởi trong lao động, sản xuất.
Lễ hội mùa xuân còn thể hiện tinh thần dân chủ, bình đẳng trong mối quan hệ giữa con người với con người. Mọi người có quyền bàn bạc, đóng góp, tự giác tham gia lễ hội, vui chơi, ca hát không phân biệt giàu nghèo, tinh thần dân chủ ấy được phát huy với những giá trị tốt đẹp trong mỗi người dân và cả cộng đồng.
Để lễ hội mùa xuân đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân, gìn giữ, phát huy vốn văn hóa cổ truyền tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Lục Yên, cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể các cấp và ban quản lý di tích lễ hội ở các địa phương thời gian qua đã làm tốt trách nhiệm của mình trong việc quản lý và tổ chức lễ hội làm cho mọi người dân có ý thức làm chủ, tự giác chấp hành tốt việc bảo vệ và đóng góp công sức, vật chất, phát huy hiệu quả di tích, lễ hội gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt làm tốt việc giới thiệu, quảng bá về lễ hội giúp cho mọi người thêm hiểu về ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa, nét đặc sắc của di tích, danh thắng, nhân lên niềm tự hào và ý thức gìn giữ và đóng góp công sức làm đẹp cho di sản văn hóa của đất nước và quê hương.
Lễ hội mùa xuân đã và đang làm cho đời sống tinh thần của người dân đất Ngọc ngày thêm hương sắc. Tổ chức, quản lý và phát huy tốt lễ hội đã làm sống lại lịch sử hào hùng của dân tộc, tôn vinh những giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông, đó cũng chính là góp phần xây dựng đất nước, quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc.