Nặng lòng với tiếng đàn Ta lư
Chị Hồ Thị Tâm, ở thôn A Xóc Cha Lỳ, xã Hướng Lập, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã chơi đàn Ta lư hơn 30 năm nay. Chị tự mình chế tác đàn Ta lư và sáng tác những giai điệu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mình. Là người nặng lòng với việc gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc, chị Tâm ước mong được trao truyền vốn kiến thức của mình để thế hệ trẻ tiếp nối, phát huy...
Tiếng đàn là nguồn vui
Từ nhỏ, cũng như bao chàng trai, cô gái Pa Kô, Vân Kiều khác, chị Tâm thường được nghe ba mẹ, anh chị chơi đàn Ta lư. Âm thanh từ chiếc đàn nhỏ nhắn vừa đủ bỏ trong chiếc gùi khi lên rẫy, mang bên mình khi làm nương đã mê hoặc chị tự lúc nào không hay. Chị kể lại: “Đàn Ta lư đa số do nam giới đánh nên khi biết mình thích, nhiều người ngạc nhiên, thậm chí còn can ngăn, cho rằng phụ nữ khó đánh được loại đàn này. Mình lại không thuận tay trái nên khi bấm phím phải tập rất lâu, nhiều hôm tay sưng, đau nhức vậy nhưng mình không bỏ cuộc, cứ kiên trì học cho được. Ban đêm, có khi mình mượn đàn rồi mày mò ra bờ suối đánh một mình cho yên tĩnh...”.
Tuổi thanh xuân của chị Tâm gắn bó với tiếng đàn Ta lư. Niềm vui và nỗi buồn trong cuộc sống đều được chị gửi gắm vào trong từng ca từ và giai điệu của chiếc đàn này. Ngoài việc chơi các làn điệu truyền thống của dân tộc mình, chị còn có khả năng sáng tác những giai điệu về cuộc sống, tình yêu quê hương, đất nước. Trong mắt bạn bè, dân bản, chị là người đặc biệt, bởi hiếm có người phụ nữ nào lại mê đàn Ta lư giống chị. Năm 1991, chị Tâm nên duyên chồng vợ với chàng trai Hồ Văn Mát. Anh Mát cũng là một người yêu văn nghệ.
“Tôi thương vợ vì hoàn cảnh cô ấy mồ côi, gia đình khó khăn, khi quen nhau Tâm luôn mặc cảm vì điều đó. Đến nay, dẫu chưa có điều kiện mua cho vợ một cây đàn Ta lư thật đẹp nhưng biết Tâm thích đánh đàn, thích gặp gỡ bạn bè những dịp lễ, Tết…, tôi luôn động viên cô ấy tham gia. Mỗi lúc vợ vui hay buồn, chỉ cần ngân một khúc đàn, điệu nhạc là tôi có thể hiểu được nỗi lòng cô ấy”, anh Mát chia sẻ.
Nghe những lời nói của chồng, chị Tâm cầm cây đàn Ta lư tự chế, ngân nga những giai điệu tình tứ như nói hộ lòng mình: “Cảm ơn người mà em thương/Cảm ơn cánh tay anh như cánh rừng già/Che chở em/Dù chân anh lội qua mười con suối/Trái tim vẫn ấm về em…”. Dù cuộc sống vật chất còn nhiều vất vả nhưng đời sống tinh thần của vợ chồng chị Tâm lại tràn đầy hạnh phúc. Cùng chung niềm đam mê nên vào những lúc thảnh thơi, anh chị luôn cùng nhau cất lên những giai điệu vui tươi.
Để rừng xanh vẫn vang tiếng Ta lư
Đàn Ta lư là nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Tiếng đàn ấy đã đi vào thơ ca, nhạc họa, là tiếng lòng của người Vân Kiều, Pa Kô hiền lành, chân chất. Thế nên, tâm nguyện của chị Tâm là muốn lớp trẻ học hỏi, yêu thích tiếng đàn này, từ đó sẽ gắn bó với cây đàn Ta lư trong lao động sản xuất và các dịp lễ hội của bản làng. Hôm tôi đến nhà chị cũng là lúc đoàn công tác của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh đến thăm và nghe chị đàn.
Cầm trên tay chiếc đàn đã cũ, chị Tâm xúc động: “Chiếc đàn này do mình tự tay làm. Mình gọt gỗ, lấy dây phanh xe đạp làm dây đàn. Phụ nữ nên tay yếu lắm, cắt gọt mấy ngày mà hình dáng đàn vẫn chưa đẹp như của người ta. Nhưng với mình, chỉ cần đàn ngân lên giai điệu là thấy vui lắm rồi. Bản làng mà không có tiếng đàn, tiếng sáo thì vắng vẻ lắm. Nhìn cũ kỹ thế thôi chứ nhờ nó mà mình sáng tác được hơn trăm ca khúc rồi đó…”.
Chị Tâm không biết chữ, chưa từng cầm trên tay một bản nhạc nào, thế nhưng nhìn chị chỉnh đàn, đánh đàn và hòa mình vào khúc nhạc, ai nấy đều có cảm tưởng mình đang xem một nghệ sĩ thực thụ biểu diễn. Nhiều cán bộ xã Hướng Lập nói với tôi, vùng này giờ tìm người chơi được đàn Ta lư đã hiếm, phụ nữ chơi đàn và sáng tác nhạc như chị Tâm lại càng hiếm hơn. Còn anh Mát thì chia sẻ thêm rằng anh chị còn hát được những ca khúc đối đáp bằng hai thứ tiếng Việt - Lào.
Con gái chị Tâm có giọng hát rất hay, lại được mẹ dạy những điệu Tà Oải, Xà Nớt, đệm Ta lư và hát những ca khúc bằng tiếng dân tộc mình từ nhỏ nên yêu thích âm nhạc truyền thống của dân tộc mình. Nhiều hôm lên rẫy, hai mẹ con vừa làm việc, vừa cùng nhau ngân nga những câu đối đáp khiến bao mệt mỏi dường như tan biến. Chị đã nuôi dưỡng tâm hồn thiếu nữ của con bằng tiếng đàn Ta lư như thế…
Khi được hỏi về tâm nguyện của mình, chị Tâm chỉ mong có nhiều dịp hơn nữa để trình diễn và đệm đàn Ta lư cho các bạn trẻ. Chị luôn trăn trở một điều, liệu lớp trẻ sau này có mặn mà với tiếng đàn Ta lư và giữ gìn nó hay không? Vẫn biết lớp trẻ bây giờ không còn hứng thú nhiều với các khúc ca truyền thống, thế nhưng nếu biết đánh đàn Ta lư thì vẫn có thể đệm hát cho những ca khúc hiện đại, tiết tấu sôi động.
Dẫu hoàn cảnh kinh tế không mấy dư dả, nhưng những lúc nông nhàn, chị Tâm vẫn luôn tìm cách truyền tình yêu với loại nhạc cụ dân tộc mình cho thế hệ trẻ. Người dân bản A Xóc Cha Lỳ đã quen với hình ảnh người phụ nữ nhỏ nhắn trên tay cầm đàn Ta lư, vui vầy cùng con cháu mỗi khi rảnh rỗi.
Em Hồ Thị Hiệp là cháu gọi chị Tâm bằng dì ruột, vui vẻ nói: “Em ngưỡng mộ dì Tâm lắm, từ khi thấy dì cần mẫn đẽo gỗ làm đàn cho đến khi trực tiếp thấy dì chơi đàn, sáng tác. Mỗi dịp lễ, Tết, chỉ cần đến nhà dì Tâm thì không khí sẽ rất vui vì nhà lúc nào cũng rộn tiếng đàn hát. Em ước mong dì tìm được những người cùng sở thích, dạy cho nhiều bạn trẻ chơi đàn, để bản làng em vẫn luôn vang tiếng Ta lư…”.