Xã hội

Giữ nghề đan lát thủ công của người Mường ở Hoà Bình

Lâm Du 27/02/2024 - 13:31

Sản phẩm đan lát thủ công thủ công truyền thống của người Mường, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình, được làm rất tinh xảo, mang tính thẩm mỹ và có độ bền cao, lại thân thiện với môi trường nên nghề đan lát thủ công rất cần được gìn giữ và phát triển.

Tinh xảo trong từng sản phẩm

Người Mường sinh sống địa bàn miền núi, nơi có những cánh rừng rậm bạt ngàn cây cối. Chính môi trường sống như vậy đã mang lại cho họ những bản sắc văn hóa riêng, những ngành nghề riêng và những đặc điểm riêng trong lao động sản xuất cũng như sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Cuộc sống của họ mang tính chất tự cung tự cấp, thiếu thứ gì là họ làm ra thứ đó để phục vụ cho nhu cầu của mình, trong đó có nghề đan lát mây tre.

1bm.jpg
Thợ đan lát thủ công người Mường.

Lúc đầu, kỹ thuật đan của họ còn rất đơn giản, nhưng theo thời gian, khi tay nghề đã vững, họ đã sáng tạo ra những kiểu đan phức tạp hơn, cầu kỳ hơn để sản phẩm tạo ra có phần sinh động và thẩm mỹ hơn. Kỹ thuật đan của người Mường cũng giống như bao tộc người khác, thường họ chỉ dùng kỹ thuật đan đơn giản, không cầu kỳ phức tạp, như đan nong mốt, nong đôi và đan chéo.

Đan lát trở thành một nghề khá phổ biến của người Mường nhưng chỉ là nghề thủ công mang tính thời vụ, chủ yếu làm vào lúc nông nhàn, tranh thủ lúc rỗi rãi trong ngày, chưa đạt tới trình độ chuyên môn hóa. Những sản phẩm của nghề đan lát thủ công chỉ đáp ứng cho sản xuất và sinh hoạt hằng ngày nhằm đảm bảo tính tự cấp tự túc trong phạm vi gia đình, làng bản, địa phương.

Xưa kia, để có đồ dùng trong gia đình, người Mường đã tận dụng những cây tre, cây nứa, cây vầu, mây... để làm ra các vật dụng có tính thiết thực trong đời sống hằng ngày. Nghề đan lát của người Mường ở Hòa Bình rất đa dạng, từ những vật dụng sinh hoạt, trang trí, đến phương tiện sản xuất: rương, đồ đựng xôi, bánh kẹo hoa quả, chiếu, nong, nia, rổ… Những sản phẩm này có thể dùng hàng chục năm không bị hỏng. Nếu những món đồ dùng này khá đơn giản, hầu như ai cũng có thể làm được thì người Mường có nhiều món đồ cần phải có tay nghề rất cao, phải đan hàng chục năm mới đạt được.

Đạt đến trình độ tinh xảo nhất chính là đan chiếc mâm hè, mâm này chỉ dùng để cúng, một kỹ thuật đan vừa bắt và đè năm và sáu cho lòng trong, khi đan xong cả mặt trên mặt dưới đều đẹp như nhau. Vành mâm thì đan bằng mây. Nếu chỉ bắt năm thì được mặt trên, nếu chỉ bắt sáu thì được mặt dưới. Kỹ thuật này đến nay hầu như thất truyền. Hiện, chỉ còn ít mâm hè của các thầy mo và vài sưu tập còn lưu giữ lại.

Ngoài ra, còn nhiều món đồ đến nay không còn thông dụng nữa nhưng vẫn được các nghệ nhân lưu truyền lại. Ngày xưa, trong gia đình đồ đựng quan trọng nhất là cái bồ (trò ổ) đựng quần áo, bà và mẹ sẽ truyền lại cho cô con gái khi đi lấy chồng. Đó là những bồ đan hai lớp rất bền và đẹp, trông như chiếc va li.

Các sản phẩm đan lát của người Mường là kết tinh của quá trình lao động sáng tạo và cuộc sống gần gũi với thiên nhiên của người Mường. Các sản phẩm đan, lát của người Mường được tạo ra dựa trên các tiêu chí đơn giản, tiện dụng và bền chắc. Do vậy cho đến nay, nhiều gia đình người Mường ở vùng cao vẫn còn giữ được những vật dụng bằng tre đan có tuổi đời vài chục năm.

Nghề đan lát thủ công có rất nhiều kĩ thuật đan từ đơn giản đến phức tạp mỗi kĩ thuật đều có sự độc đáo và sức hút riêng.

Quyết tâm giữ nghề

Trước kia, rất dễ để chúng ta thấy những vật dụng sinh hoạt của người Mường, chúng có nét độc đáo và tinh xảo rất bắt mắt. Nhưng giờ đây, nghề đan lát đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Nhiều người không còn mặn mà với nó bởi các sản phẩm như nhựa, inox được bày bán tràn lan lại gọn nhẹ, tiện lợi hơn nên nhu cầu về các sản phẩm từ tre, nứa giảm xuống.

2lm.jpg
Giữ nghề và dạy nghề cho thế hệ trẻ.

Nghề đan lát bỗng chốc trở thành việc làm thời vụ. Trong gia đình người Mường, đan lát là công việc của đàn ông. Tuy nguyên liệu để tạo ra những sản phẩm đều có sẵn trong tự nhiên, nhưng để chọn như thế nào mà tạo ra sản phẩm đan, lát đẹp, bền thì không phải là chuyện dễ dàng. Ông Thạch Xóm Vừn, xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ cho biết: Các cụ ngày xưa hay đan lát nên truyền lại cho tôi. Bây giờ tôi già rồi, tôi muốn truyền lại cho các cháu thế hệ trẻ, không để nghề này mai một đi. Đồng thời giữ gìn bản sắc của dân tộc.

Để gìn giữ và phát huy các sản phẩm từ nghề đan lát truyền thống của người dân cần sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan để tìm ra hướng đi khai thác giá trị sản phẩm, gắn kết với du lịch, đưa nghề truyền thống trở thành mặt hàng có giá trị bền vững. Đồng thời, giúp đỡ các làng nghề hình thành kênh tiêu thụ dưới hình thức đặt hàng, thu mua, bao tiêu sản phẩm; xây dựng mạng lưới đại lý, các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm làng nghề cũng như tổ chức giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề tại các khu, điểm du lịch.

Nghề đan lát không những tạo ra sản phẩm vật chất mà còn tạo nên sắc thái văn hóa riêng biệt của người dân tộc nơi đây. Việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung mà còn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, miền núi, nơi tạo ra những nét đặc trưng riêng có của đồng bào các dân tộc.

Hiện nay khi xã hội phát triển, những sản phẩm thủ công ít được sử dụng và sản xuất nhưng với người dân tộc Mường họ vẫn gìn giữ, phát huy nét đẹp đan lát đồ thủ công để nối tiếp nét đẹp từ xa xưa đến nay.

Để gìn giữ và phát huy các sản phẩm từ nghề đan lát truyền thống của người dân, cần sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan để tìm ra hướng đi khai thác giá trị sản phẩm, gắn kết với du lịch, đưa nghề truyền thống trở thành mặt hàng có giá trị bền vững. Đồng thời, giúp đỡ các làng nghề hình thành kênh tiêu thụ dưới hình thức đặt hàng, thu mua, bao tiêu sản phẩm; xây dựng mạng lưới đại lý, các nhà phân phối tiêu thụ sản phẩm làng nghề cũng như tổ chức giới thiệu và bán sản phẩm làng nghề tại các khu, điểm du lịch.

Việc bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung mà còn gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, miền núi, nơi tạo ra những nét đặc trưng riêng có của đồng bào các dân tộc.

Lâm Du