Đời sống xã hội

Những thầy thuốc trên núi cao

T.Thành 27/02/2024 - 08:35

Ở những bản làng vùng sâu vùng xa, biên giới, có rất nhiều “thầy thuốc cắm bản” đã và đang hết lòng vì sức khỏe của đồng bào. Và cũng nhờ họ mà “Lời thề Hypocrat” vẫn luôn vang vọng trên núi cao.

Vừa chữa bệnh, vừa tuyên truyền

Trong tất cả những xã của huyện Quế Phong (Nghệ An), thì có lẽ Tri Lễ là xã nghèo, nếu không muốn nói là nghèo nhất. Núi cao vực thẳm, sơn lam chướng khí bủa vây đã từng khiến cho đồng bào ở đây không chỉ nghèo ăn, nghèo chữ mà còn nghèo luôn cả những dịch vụ về chăm sóc sức khỏe con người. Nhưng rất may là ở vùng đất biên viễn vẫn này còn có những thầy thuốc hết lòng với cộng đồng.

Sau hơn hai mươi năm làm công tác khám chữa bệnh cho đồng bào, Y sỹ Thò Bá Hơ, cán bộ Trạm Y tế xã Tri Lễ đúc rút ra rằng, cái khó nhất của những người “thầy thuốc cắm bản” đó là làm sao vận động được bà con tin và đến với mình. Bởi ở Tri Lễ, từ thuở sơ khai, người Mông ở đây đã có rất nhiều nghi lễ, phong tục truyền thống ảnh hưởng sâu sắc tới tín ngưỡng được truyền từ đời này qua đời khác. Trong đời sống tâm linh của họ, những thế lực siêu hình luôn có chỗ ngự trị. Đối với những sự vật, hiện tượng thiên nhiên mà khả năng của con người không lí giải được hoặc không có câu trả lời thỏa đáng, họ đều coi là thánh thần, ma quỷ.

anh-bai-nhung-thay-thuoc-tren-nui-cao-1.jpg
Y sỹ Thò Bá Hơ đang khám chữa bệnh cho đồng bào

Mỗi khi người thân có bệnh, đồng bào thường vời thầy mo, thầy cúng đến nhà để bắt “ma” chứ ít khi tìm đến khám chữa bệnh tại những cơ sở của nhà nước. Thế cho nên, ngoài công việc chuyên môn, những người thầy thuốc như ông Hơ phải kiêm luôn công tác tuyên truyền, vận động đồng bào thôi tin vào những niềm tin mê mụ. “Cuộc chiến” chống mê tín dị đoan đó đã và đang diễn ra hàng ngày hàng giờ không chỉ ở Tri Lễ mà còn trên nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa.

“Ngoài mong muốn ngoài việc được trang bị đầy đủ trang thiết bị máy móc, thuốc men để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, tôi chỉ trăn trở là làm thế nào để tuyên truyền, vận động dần xóa bỏ được những niềm tin u mê, mông muội của đồng bào. Bởi, từ những niềm tin mê mụ đó, đã xảy ra không ít những bi kịch đau lòng”, ông Hơ tâm sự.

Ông Hơ kể, có lần nghe tin một bà ở dưới bản Pịch Niềng mắc bệnh nặng, gia đình mời hết thầy cúng này đến thầy mo khác mà bệnh không thuyên giảm, ông và đồng nghiệp tay đồ lỉnh kỉnh, trèo đèo lội suối mất cả ngày trời. Vừa đến nơi, cô con gái bà cụ nhất định không cho ông vào thăm khám. Lý do cố ấy đưa ra là chỉ vì “mẹ tao bị con ma nó nhập vào rồi, phải nhờ thầy mo bắt đi thôi. Mấy viên thuốc của mày, con ma nó không sợ. Thôi, mày về đi!”. Dù ông và đồng nghiệp ra sức vận động thế nào, con cháu của bà cụ cũng quyết không cho bước qua bậu cửa…

Nhưng, câu chuyện làm ông Hơ đau và nhớ nhất, đó là câu chuyện về anh Thò Xồng Kh ở Pòm Đôn. Khi đó anh Kh đi đám cưới người bạn ở bản bên về được vài ngày thì lăn đùng ra đau bụng, đau dữ dội như có ai cào cấu ruột gan. Người nhà mời thầy mo về cúng, cúng ba ngày, ba đêm mà cái bụng anh vẫn ngày một to lên. Đến khi gà, lợn trong chuồng nhà anh Kh lần lượt bị giết thịt hết để làm lễ thì thầy phán rằng: Anh Kh bị “ma” nhập. Để “đuổi ma”, thầy vừa cúng vừa cầm cây gậy to như bắp tay vụt vào người khiến anh Kh suýt chết.

Phải mất rất nhiều công sức, ông Hơ cùng cán bộ xã mới vận động được người nhà đưa anh Kh tới bệnh viện. Khi đó, họ mới biết căn nguyền nguồn gốc căn bệnh chướng bụng của anh là do bị ung thư gan giai đoạn cuối. Về nhà khoảng chừng hơn 2 tháng sau thì anh Kh mất. Nhưng sau đó, những lời đồn thổi về chuyện anh bị “ma gà chui vào bụng ăn hết nội tạng” rồi bắt đi vẫn còn được dân bản rỉ tai nhau đến tận bây giờ.

anh-bai-nhung-thay-thuoc-tren-nui-cao-2.jpg
Giờ mỗi khi bị đau ốm, người dân ở Tri Lễ sẽ đến Trạm y tế hay bệnh viện thay vì mời thầy mo, thầy cúng

Trước đó cũng có một trường hợp đã từng bị đồn đoán “ma chui vào bụng”, đó là anh Sồng Chứ M ở Yên Sơn. Anh này sau khi đi ăn cỗ ở bản bên về thì tự nhiên nôn thốc nôn tháo mấy ngày liền. Người nhà tưởng anh bị ma gà làm hại, đang định mời thầy mo về “đuổi”, may nhờ ông Hơ lặn lội xuống kịp thời khám rồi đưa lên bệnh viện huyện điều trị. Bởi gia đình nhà anh M nghèo, chưa chạy vạy, vay mượn được ở đâu, nên mọi chi phí ông Hơ đều phải bỏ ra. Sau khi xuất viện, anh M mới bán trâu rồi cùng người thân đem tiền xuống tận nhà ông “thầy thuốc nghèo gianh tre nứa lá”, họ vừa khóc vừa xin được tạ ơn “độ mạng”…

Trách nhiệm với cộng đồng

Giống như Tri Lễ, Quế Phong (Nghệ An), huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên cũng nổi tiếng bởi sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Từ thời xa xưa, đồng bào ở đây đã có thói quen sống tựa vào rừng. Đói thì lên núi cuốc nương trồng ngô, lúa, không may gặp thiên tai, mùa màng thất bát thì vào rừng kiếm củ sắn, củ mài hoặc xuống suối bắt con ốc, con cua con cá, ốm thì gọi thầy mo, thầy cúng.

Thế nên một thời ở những bản làng vùng cao trong huyện, ngoài già làng ra thì thầy cúng, thầy mo là được sùng bái nhất. Nhiều gia đình có người thân bị bệnh, họ liền mời thầy cúng, thầy mo về làm lễ “bắt ma” chứ nhất định không chịu đưa đi bệnh viện. Việc lễ bái có khi diễn ra cả tuần, cả tháng, cho đến lúc vật nuôi, lương thực trong nhà ra đi hết mà người bệnh vẫn không khỏi thì cả gia đình cũng đành thuận theo ý thầy: “Giàng gọi nó theo, thầy cũng không chống lại được”.

anh-bai-nhung-thay-thuoc-tren-nui-cao-3.jpg
Bác sỹ Lò Thị Thanh Hợp: “Dù khó khăn, nhưng tôi cố gắng bám núi, bám rừng, bám bản để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào một cách tốt nhất”

Niềm tin tín ngưỡng đó nó đã “sâu rễ bền gốc” trong tiềm thức của đồng bào, từ đời này qua đời khác. Phải mãi tới khi Nhà nước có chính sách đưa thầy thuốc, thầy giáo về “cắm bản” thì những quan niệm đó mới dần thay đổi. Thầy giáo thì về tận nhà vận động trẻ em đi học. Thầy thuốc đến nhà năn nỉ được đặt cái ống nghe vào lưng khám bệnh, cho thuốc... Dần dà đồng bào cũng tin lời và làm theo cán bộ.

Là người con dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở vùng đất biên viễn này nên bác sĩ trẻ Lò Thị Thanh Hợp (quê ở xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ), Trưởng khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ - một trong 10 “Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu” năm 2021 - quá thấu hiểu những thiệt thòi của người dân cũng như khó khăn, vất vả mà người dân ở đây phải đối mặt. Vì thế, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Y dược Thái Bình, chị quyết định quay trở về địa phương công tác theo Dự án 585 – “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” của Bộ Y tế.

Chị Hợp bảo, khó khăn của các y, bác sỹ vùng cao thì có rất nhiều, như cơ sở vật chất còn thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn... Đặc biệt, do trình độ dân trí thấp cùng những rào cản về ngôn ngữ, cũng khiến những thầy thuốc như chị phải cố gắng nhiều hơn trong công tác tuyên truyền, giúp người dân nắm được những kiến thức cơ bản về phòng chống bệnh tật, cũng như các kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho gia đình.

“Từ nhỏ đến giờ, tôi vẫn luôn bị ám ảnh bởi hình ảnh của những đứa trẻ thiếu quần áo ấm khi đông về, những người phụ nữ Mông còn nhiều e dè khi được vận động đến cơ sở y tế sinh nở... Tất cả những điều đó là động lực để chị phấn đấu trong công tác chuyên môn”, chị Hợp tâm sự.

Ở miền núi, nhất là những xã bản vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại luôn là nỗi ám ảnh của tất cả mọi người. Nhất là vào những ngày mưa, đường lầy lội, bùn đất sình lầy ngập quá nửa bánh xe, trơn trượt. Một bên là vực sâu hun hút, một bên dốc đứng đèo cao, nếu chẳng may trượt chân là rơi xuống vực thẳm... Nhưng những khó khăn ấy không ngăn được bước chân của cô bác sỹ trẻ đến với đồng bào.

Có lần hơn 2 giờ đêm, chị Hợp nhận được thông báo về một trường hợp khó sinh trên địa bàn bản Mốc 4, xã Nậm Tin cách Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) 20km đường rừng. Gia đình bệnh nhân muốn đưa xuống trạm y tế nhưng trời khuya, đường lầy lội, người dân đều đã đi ngủ nên cầu cứu nhân viên y tế đến tận nhà đón.

Bất chấp ngoài trời mưa rét, chị Hợp cùng với đồng nghiệp nhanh chóng lên xe cứu thương để đi đón bệnh nhân. Trước khi đi, mọi người đều lường trước tình huống sẽ phải đỡ đẻ giữa đường, nên chuẩn bị sẵn các thiết bị y tế cần thiết.

Do trời mưa nên đường vào bản trơn trượt, cộng thêm đêm tối khiến việc di chuyển của đoàn càng khó khăn. Xuống đến bản đã là 3h sáng. Chị Hợp cùng nhân viên y tế phải đi bộ vào bản đón bệnh nhân. Suốt chặng đường trở về Trung tâm y tế, các bác sĩ đã phải cấp cứu để “cố giữ” cho bệnh nhân sinh nở tại trạm an toàn, đảm bảo vô khuẩn. May mắn, sản phụ sau đó đã “mẹ tròn con vuông”.

Chị Hợp bảo, trong suốt những năm công tác, những tình huống thăm khám bệnh bất ngờ, giữa đêm khuya như vậy không phải là hiếm. Chỉ cần nhận được tin có bệnh nhân phải cấp cứu tại các bản xa mà ở tuyến dưới không xử lý được, là chị lại khoác lên mình chiếc áo blouse trắng cùng hành trang mang theo để đến với người bệnh.

img_7605.jpg
Có rất nhiều thầy thuốc vẫn ngày ngày bám núi, bám rừng, bám bản, cố gắng để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào một cách tốt nhất

Thậm chí, nhiều thôn bản chưa có đường ô tô, đường đất bị chia cắt bởi đồi núi cao, khe suối sâu, người bệnh lại không thể ngồi được xe máy nên người nhà và y, bác sĩ như chị Hợp phải thay nhau khiêng bệnh nhân ra trạm y tế bằng cáng tự chế.

“Dù khó khăn, nhưng tôi và các anh chị em ở Trung tâm Y tế huyện Nậm Pồ luôn động viên nhau bám núi, bám rừng, bám bản, cố gắng để chăm sóc sức khỏe cho đồng bào một cách tốt nhất”, chị Hợp tâm sự...

Cứ thế, tháng này qua năm khác, những người “thầy thuốc cắm bản” như Y sỹ Thò Bá Hơ, Bác sỹ Lò Thị Thanh Hợp nói riêng và hàng ngàn, hàng vạn những thầy thuốc vùng cao khác nói chung vẫn âm thầm lặng lẽ, tận tâm tận lực với nghề. Và cũng nhờ họ mà “Lời thề Hypocrat” vẫn luôn vang vọng giữa đại ngàn.

T.Thành