Nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa cho đồng bào
Là huyện miền núi có trên 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nên huyện Đakrông (Quảng Trị) có những nét đặc trưng riêng về văn hóa. Chính vì vậy, huyện đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện công tác bảo tồn, duy trì, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” nhằm góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân, khơi dậy ý thức đoàn kết cộng đồng trong từng khu dân cư.
Đề án về việc đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa huyện Đakrông giai đoạn 2022-2025 là một trong những giải pháp huyện triển khai thực hiện góp phần bảo tồn, duy trì, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc ở địa phương. Để triển khai thực hiện tốt đề án, UBND huyện đã ban hành kế hoạch; chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền về nội dung, nhiệm vụ của đề án.
Chỉ đạo triển khai thực hiện công tác xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; công tác bảo tồn, phát huy truyền thống văn hóa vật thể và phi vật thể; xây dựng các thiết chế văn hoá, thể thao cơ sở... lồng ghép triển khai qua các hội thi, hội diễn, hội nghị, các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao (TDTT); phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”...
Tại cấp xã, 13/13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép thông qua các hội nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các ngày kỷ niệm truyền thống của các hội đoàn thể, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc, kịp thời chuyển tải đến người dân về các nhiệm vụ, mục tiêu của đề án.
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, bước đầu đề án đạt được những kết quả khả quan. Hiện nay, 76/78 thôn có quyết định công nhận hương ước.
Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tiếp tục được quan tâm xây dựng. Số người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên ở huyện ngày càng tăng; 100% xã, thị trấn đã quy hoạch đất dành cho các công trình TDTT; các giải thi đấu TDTT từ cơ sở đến huyện luôn thu hút được sự quan tâm, cổ vũ, hưởng ứng của người dân. Huyện phối hợp với Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh thu thập thông tin lập hồ sơ khoa học 5 di tích lịch sử, văn hóa đã được đặc cách xếp hạng cấp tỉnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Lễ hội Ariêu Ping của người Tà Ôi (Pa Kô) là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, thành lập 17 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng DTTS và miền núi, phục vụ các hoạt động văn nghệ quần chúng trong các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của các địa phương.
Một số loại hình văn hóa phi vật thể như: văn hóa cồng chiêng, các loại hình dân ca, dân nhạc, dân vũ... của đồng bào DTTS được các nghệ nhân sưu tầm và lưu truyền. Trong năm 2023, huyện đã hỗ trợ chính sách cho 6 nghệ nhân ưu tú người DTTS lưu truyền, phổ biến các hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống tại cộng đồng với tổng số tiền 68 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho 15 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng kinh phí trên 287 triệu đồng. Hỗ trợ trang thiết bị thiết chế văn hóa, thể thao tại 36 thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi với tổng kinh phí trên 1,3 tỉ đồng.
Tổng kinh phí thực hiện đề án đến tháng 12/2023 hơn 28,6 tỉ đồng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng cấp xã, thôn được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa theo hướng chuẩn hóa dần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Có 11.073 hộ/11.816 hộ đăng ký gia đình văn hóa; có 10.324 hộ được công nhận gia đình văn hóa, đạt 87,3% tăng 1,2% so với năm 2022. Huyện xét duyệt và khen thưởng 6 khu dân cư tiêu biểu 5 năm liên tục đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa theo Nghị định 122/2018/NĐCP của Chính phủ; đề nghị UBND tỉnh công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa cho 72/78 khu dân cư.
Trong thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu và nghệ nhân đồng bào DTTS. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục bằng nhiều hình thức nhằm giới thiệu quảng bá hình ảnh các loại hình, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống tiêu biểu; các nghệ nhân đồng bào DTTS và các hoạt động lưu truyền văn hóa truyền thống.
Xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc sắc của đồng bào DTTS. Xây dựng cơ chế chính sách thu hút học sinh, sinh viên là con em các DTTS học chính quy tại các trường văn hóa, nghệ thuật về công tác tại địa phương.
Có chính sách động viên, khen thưởng hợp lý cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nghệ thuật của đồng bào DTTS. Chú trọng công tác bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức phụ trách lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là công chức văn hóa, xã hội cấp xã, chủ nhiệm các câu lạc bộ văn hóa, đội trưởng các đội văn nghệ quần chúng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đồng bào DTTS tại các địa phương.
Tăng cường tập huấn, nâng cao năng lực thực hành, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho các nghệ nhân. Ứng dụng khoa học công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống của các DTTS Vân Kiều, Pa Kô.