Văn hóa

Phát huy giá trị của lễ hội

Diệp Trà 25/02/2024 - 20:43

Với hơn 1.500 lễ hội truyền thống với quy mô tổ chức khác nhau, Hà Nội có thế mạnh về lễ hội. Thời gian qua, các cấp, ngành của Thủ đô đã đẩy mạnh việc khai thác giá trị các lễ hội gắn với phát triển du lịch.

Tái hiện lịch sử

Các lễ hội tại Hà Nội phần lớn đều khai màn mở hội vào mỗi độ Xuân đến. Như lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa); lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn), lễ hội Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh), lễ hội chùa Hương (huyện Mỹ Đức), lễ hội đền Sái (huyện Đông Anh), lễ hội Đền Và (thị xã Sơn Tây)... Từ mùng 5, mùng 6 tháng Giêng, các địa phương đều tưng bừng trống dong cờ mở, dập dìu đón khách thập phương.

tien-dung-120230517092919.jpg
Thủ đô Hà Nội là nơi lưu giữ nhiều lễ hội của dân tộc.

Quy mô các lễ hội khá lớn, nhiều nghi thức truyền thống ý nghĩa, kèm theo các trò chơi dân gian thú vị. Như tại Đông Anh, từ xa xưa cho đến nay, lễ hội Cổ Loa trải qua hàng nghìn năm tuổi vẫn giữ nguyên được truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt, vẫn có sự tham gia độc đáo của “bát xã”, có lễ rước kiệu, lễ bái linh thiêng, có cả trò đấu vật, bắn nỏ, thổi cơm thi, đu tiên, hát trù, hát tuồng… Hay lễ hội Gò Đống Đa có lịch sử hơn 200 năm tuổi, nhưng vẫn giữ nguyên được nghi thức và tinh thần xưa cũ. Ngoài nghi thức rước kiệu, đến giờ vẫn vẹn nguyên nghi thức dâng 6 tuần rượu, vẫn còn màn múa lân, múa rồng, đội nghi thức, cờ lọng rực rỡ sắc màu… Ở lễ hội chùa Thầy, nghi lễ tắm tượng, cúng an vị, những phần trình diễn múa rối nước tại Thủy Đình, trò bịt mắt đập niêu… vẫn duy trì.

Không chỉ giữ được hồn cốt, thần thái của từng lễ hội, các nhà quản lý văn hóa Thủ đô cũng luôn tìm cách giữ gìn giá trị và truyền dạy văn hóa trong lễ hội, sửa đổi những bất cập, hủ tục chưa đẹp.

Minh chứng cho điều này, Thủ đô mùa lễ hội 2024 này đã có nhiều mới mẻ trong công tác tổ chức để các không gian văn hóa ấy được diễn ra trong bầu không khí an toàn, văn minh. Ban Tổ chức lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sắp xếp bãi đỗ xe riêng không thu phí, không cho phép các hàng quán bán hàng để bảo đảm an toàn, văn minh, vệ sinh môi trường.

Lễ hội Tản Viên Sơn diễn ra vào rằm tháng Giêng hàng năm, cụ thể tổ chức chính lễ vào 14 tháng Giêng. Theo đánh giá, địa phương đã chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để hoạt động lễ hội được diễn ra trang trọng, thuận lợi, thành công, hiệu quả, an toàn; tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân địa phương cũng như du khách thập phương đến với lễ hội.

Đặc biệt là lễ hội chùa Hương - một lễ hội lớn nhất và dài nhất của Việt Nam, năm nay, Ban tổ chức đã tập trung đổi mới nhiều trong công tác tổ chức. Không chỉ chỉnh trang cảnh quan, không gian, lắp đặt pa nô, việc bán vé cũng được chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình điện tử. Địa phương còn thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch chùa Hương vận chuyển thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách…

Văn minh, an toàn

Xuyên suốt mùa lễ hội năm nay, bên cạnh phần lễ trang nghiêm, là phần hội đi kèm, các hoạt động phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú như: các giải thể thao; trưng bày, triển lãm, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của tỉnh; tổ chức trò chơi dân gian; biểu diễn nghệ thuật… qua đó, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước; ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc, địa phương.

chua-dau-120240219205100.jpg
Lễ hội năm nay được đánh giá cao về mọi mặt, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa.

Đáng nói hơn cả là đón mùa lễ hội năm nay, ngành văn hóa Thủ đô còn ban hành Bộ Tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống. Cụ thể, Hà Nội đặt mục tiêu trong năm 2024, 70% các lễ hội bảo đảm các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa gắn với xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Để có một mùa lễ hội an toàn, văn minh, các địa phương đã xây dựng phương án bảo đảm lễ hội diễn ra đúng với truyền thống, tạo không khí vui tươi, an toàn cho du khách. Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, bảo đảm trật tự an toàn xã hội mùa lễ hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Các địa phương cùng ký cam kết thực hiện “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống” do Bộ VHTT&DL ban hành. Đồng thời kiểm soát và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý giá cả thị trường, xử lý tốt các hành vi lợi dụng lễ hội để trục lợi; xây dựng và đảm bảo môi trường văn hóa, văn minh trong các hoạt động lễ hội...

Theo đánh giá, nhìn chung, các lễ hội đều được tổ chức đảm bảo các tiêu chí an toàn, văn minh, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, tạo được ấn tượng đẹp với người dân và du khách, thiết thực quảng bá hình ảnh Thủ đô…

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tại các lễ hội, giá trị văn hóa, ý nghĩa chỉ có thể đạt được khi việc tổ chức đảm bảo yêu cầu vừa trang trọng, thiêng liêng, bảo tồn và phát huy được những giá trị nhân văn, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, loại bỏ những nghi lễ phản cảm, bạo lực, mê tín dị đoan không phù hợp với đời sống hiện đại... Việc nhiều lễ hội được tổ chức và giữ được giá trị nguyên bản còn đáp ứng tốt nhu cầu tìm về nguồn cội, tìm về giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng. Từ đó tạo giá trị lan tỏa. Khi tham gia các hoạt động lễ hội, mỗi cá nhân đều được tương tác với những giá trị văn hóa truyền thống mà ở đó luôn có những thông điệp về chân thiện mỹ của cha ông ta gửi gắm qua thời gian.

Xuân chưa cạn ngày, lễ hội vẫn đang dập dìu bước chân mọi người. Xuân qua bao đời vẫn đẹp, dịu dàng và thanh khiết, để mùa lễ hội vui tươi, hãy giữ những cảm xúc và tâm thế thật đẹp để hòa mình vào lễ hội bằng những miền xúc cảm đong đầy.

Diệp Trà