Ứng dụng thiết bị không người lái vào sản xuất nông nghiệp
Những năm qua, nhiều địa phương ở nước ta đã thử nghiệm đưa thiết bị không người lái vào sản xuất nông nghiệp chủ yếu sử dụng trong công tác phun thuốc bảo vệ thực vật. Việc ứng dụng thiết bị không người lái vào sản xuất nông nghiệp bước đầu được đánh giá mang lại nhiều ưu việt, giúp tiết kiệm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm nước, thời gian và bảo vệ sức khỏe con người, môi trường.
Máy bay không người lái HLD-18 được Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc (HIRA) nghiên cứu chế tạo. (Ảnh Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao Hòa Lạc) |
Ngày 19/8, tại Hà Nội, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với CropLife Việt Nam tổ chức hội thảo: Chia sẻ thông tin, quy định về quản lý và sử dụng UAV/DRONE (thiết bị bay không người lái) của một số nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương và góp ý cho dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị không người lái.
Nhiều cơ hội cho thiết bị không người lái
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Ðạt cho biết, 10 năm qua, ngày càng có nhiều nước sử dụng thiết bị không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp. Thiết bị không người lái mang lại nhiều lợi ích cho sản xuất nông nghiệp, giúp theo dõi sức khỏe cây trồng và phun thuốc bảo vệ thực vật chính xác hơn; giảm công lao động và nhiên liệu, tăng hiệu quả phun đầu vào; giảm lượng nước cần sử dụng; giảm mức độ phơi nhiễm của người vận hành phun; thiết bị có thiết kế nhỏ gọn, dễ sử dụng, tính tự động cao, vận hành đơn giản, máy có hệ thống phun tự động chính xác và đồng đều, tự bay theo kế hoạch được thiết lập sẵn, ghi nhớ điểm phun và tự động nhận biết lượng thuốc trong bình khi gần hết.
Theo các đại biểu, trước những thách thức về thiếu hụt lao động, tốc độ già hóa lao động, nhu cầu sử dụng lương thực tăng cao, quá trình tích tụ ruộng đất đòi hỏi giảm bớt canh tác thâm canh và phải ứng dụng những phương pháp canh tác nông nghiệp hiệu quả hơn thì việc ứng dụng thiết bị không người lái trong sản xuất nông nghiệp sẽ là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho nhu cầu canh tác của nông dân và nhu cầu bức thiết của ngành nông nghiệp.
Việt Nam đang ở giai đoạn tiếp thu công nghệ và có nhiều tiềm năng sử dụng rộng rãi thiết bị này. Hiện nay, công nghệ không người lái ngày một hoàn thiện, hiện đại, tinh vi, giúp người dùng cảm thấy tự tin và sử dụng dễ dàng hơn, công nghệ không người lái ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, giúp người sử dụng dễ tiếp cận với chi phí hợp lý hơn.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, một ưu điểm nữa của thiết bị không người lái là thiết bị này sử dụng công nghệ phun áp lực, cắt nhỏ hạt thuốc thành kích thước siêu nhỏ dạng sương mù, sau khi kết hợp với các luồng gió đối lưu từ cánh quạt sẽ giúp thuốc tản đều và bám, thấm nhanh vào cây trồng ở cả mặt trên và dưới của lá, cũng như tán, thân cây, giảm được hiện tượng thuốc bị rơi rớt xuống ngấm vào đất và nước. Khi xảy ra dịch bệnh trên diện rộng, việc sử dụng thiết bị không người lái để phun thuốc sẽ giúp dập dịch nhanh, tiết kiệm được thời gian quản lý dịch hại, tăng hiệu suất lao động.
Theo nghiên cứu từ nhiều công ty đa quốc gia, từ năm 2016, việc nghiên cứu mức độ khả thi về kỹ thuật cho thiết bị không người lái đã được đánh giá và xác nhận trên 103 sản phẩm thuốc phòng trừ bệnh than vàng trên lúa, cỏ lúa mì; rầy nâu trên lúa; sâu đục thân trên lúa; sâu ăn lá trên lúa; cỏ lúa; bệnh bạc lá trên khoai tây; sâu keo mùa thu trên ngô…
Trong hầu hết các trường hợp đều cho thấy mức độ khả thi cao về kỹ thuật khi phun thuốc bằng thiết bị không người lái trên một số loại cây trồng như khoai tây, lúa mì, cây có múi và một số cây trồng khác đều không có phản ứng tiêu cực nào của cây trồng được tìm thấy trong các khảo nghiệm nêu trên mà còn đối với các cây trồng lân cận. Với tính ưu việt này, trong 5 năm tới, ngành nông nghiệp được dự báo sẽ là ngành có mức độ ứng dụng thiết bị không người lái lớn thứ hai trên toàn cầu.
Chỉ riêng tại Trung Quốc, số lượng sử dụng thiết bị không người lái trong nông nghiệp ước tính đã tăng gấp hai lần trong giai đoạn 2016-2017, với khoảng 13 nghìn thiết bị bay. Ðến năm 2016, con số này tăng lên 160 nghìn máy.
Sớm hoàn thiện khung pháp lý
Mặc dù thiết bị không người lái đã được áp dụng ở Việt Nam trong nhiều năm qua nhưng đến nay nước ta vẫn chưa xây dựng được tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị không người lái. Việc ban hành tiêu chuẩn cơ sở là hết sức cần thiết, cấp bách.
Bà Mei Choo Ho, Giám đốc Pháp lý về Bảo vệ thực vật khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CropLife châu Á) cho biết, giai đoạn từ năm 2021-2022, Việt Nam đang tích cực xây dựng cơ sở pháp lý cho ứng dụng thiết bị không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật. Ðể có thể ứng dụng rộng rãi thiết bị không người lái vào sản xuất nông nghiệp trước hết phải xây dựng, hướng dẫn khung pháp lý phù hợp.
Ðối với đơn vị cung cấp thiết bị, phải nắm rõ, tuân thủ luật cũng như những quy định về hàng không dân dụng của địa phương, các đặc điểm của thiết bị bay. Người vận hành thiết bị trong suốt quá trình phun phải tuân theo quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các đơn vị sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phải tham khảo các quy định hiện có về phun thuốc bảo vệ thực vật trên thiết bị không người lái.
Theo CropLife Việt Nam, để có thể quản lý công nghệ không người lái và sử dụng thiết bị này một cách an toàn trong sản xuất nông nghiệp, cơ quan chức năng cần cân nhắc các rủi ro khác nhau liên quan đến ứng dụng này từ người vận hành, các biến thể môi trường, đặc điểm kỹ thuật của mỗi công nghệ không người lái và công thức thuốc bảo vệ thực vật. Dựa trên các rủi ro đó, xây dựng một bộ quy chuẩn vận hành chuẩn (SOP) cho người vận hành thiết bị, các đơn vị chế tạo cũng như các đơn vị sản xuất thuốc bảo vệ thực vật. Từ đó cấp phép sử dụng công nghệ này trong hoạt động phun thuốc bảo vệ thực vật.
Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Ðạt cho biết, thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp các hiệp hội, các đơn vị cung ứng thiết bị bay không người lái, công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật và các tổ chức đủ điều kiện thực hiện khảo nghiệm chính quy, tập trung nghiên cứu đánh giá để hoàn thiện quy trình kỹ thuật sử dụng thiết bị không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật.
Thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục tập trung nghiên cứu đánh giá việc sử dụng thiết bị không người lái đối với từng loại thiết bị cho từng loại thuốc, đối tượng cây trồng cũng như trên từng đối tượng sinh vật gây hại nhằm có quy trình phòng trừ thống nhất một cách hiệu quả, an toàn, có cơ sở khoa học và phù hợp các quy định pháp luật để thống nhất hướng dẫn cho các địa phương. Trên cơ sở đó, tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm ban hành các văn bản để quản lý cũng như bộ tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị không người lái.