Đời sống xã hội

Nét đẹp rằm tháng Giêng

Gia Ân-Mai Giang 25/02/2024 - 17:20

Sau Tết Nguyên Đán, thì dịp rằm tháng Giêng cũng được xem là cái Tết sum họp đầm ấm nhất của các dòng họ, vì con cháu dù đi xa cũng cố gắng trở về với nguồn cội, với quê hương. Phong tục về quê cúng rằm tháng Giêng đã trở thành nét văn hóa truyền thống tốt đẹp gắn kết với đời sống của người dân.

Từ những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, thực hiện chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, gần 300 hộ dân làng Đông Phái, xã Diễn Hoa, Diễn Châu (Nghệ An) đã di dân lên vùng đất Phủ Quỳ để khai hoang đất sản xuất.

1.jpg
Các dòng họ và các đền chùa ở Diễn Châu đều tổ chức lễ cúng rằm tháng Giêng.

Tuy đã không còn làng nhưng hàng chục năm nay, cứ đến dịp Tết Nguyên tiêu rằm tháng Giêng, người làng Đông Phái xưa, trên khắp mọi miền đất nước lại tụ họp, tổ chức hội làng tại nghĩa trang - Nơi các bậc tiên tổ, tiền nhân của 12 dòng họ toạ lạc.

Người làng điểm qua có đủ trong Nam ngoài Bắc đều không quản ngại xa xôi trở về quê cha đất tổ. Không gian đặc quánh mùi hương trầm cũng là lúc mọi người cùng nhau ôn lại truyền thống một thời của làng.

Ông Nguyễn Ngọc Ngại – Trưởng ban liên lạc làng Đông Phái chia sẻ: “Tuy Đông Phái đã không còn tên trong bản đồ địa giới hành chính, nhưng trong tâm khảm người làng, thì quê hương bản quán không bao giờ bị xóa nhòa. Mồ mả các cụ vẫn đang an nghỉ tại đây nên bà con vẫn nặng nợ với ông bà tổ tiên. Nghĩa trang chùa Nhãn được nâng cấp, xây dựng đã trở thành nơi hội tụ của bà con trên mọi miền đất nước. Lễ hội chùa Nhãn được tổ chức hàng năm vào rằm tháng Giêng như là dịp để bà con xa quê giao lưu, gặp gỡ, gắn kết và giữ gìn bản sắc của làng”.

3(1).jpg
Lễ dâng hương tại nhà thờ dòng họ và bàn thờ gia đình, đó cũng là cách thể hiện lòng hiếu kính với tiên tổ, mẹ cha.

Quê hương, dòng tộc là chốn tình cảm thiêng liêng không thể không về trong những dịp lễ Tết, đặc biệt là ngày giỗ tổ rằm tháng Giêng, như thể đó là chuyến đi trở lại cội nguồn.

Mặc dù gia đình chị Ngô Thị Hồng ở xã Diễn Kỷ, Diễn Châu, đã chuyển sinh sống tại TP Hồ Chí Minh, nhưng năm nào cũng vậy, cứ dịp rằm tháng Giêng là vợ chồng con cái lại trở về nơi chôn rau cắt rốn. Chị cho biết: “Có thể Tết không về quê được, nhưng nhất thiết phải về quê trong dịp rằm tháng Giêng, để dâng hương tại nhà thờ dòng họ và bàn thờ gia đình, đó cũng là cách thể hiện lòng hiếu kính với tiên tổ, mẹ cha”.

Ông Ngô Sỹ Công – Trưởng tộc họ Ngô Diễn Kỷ cho biết: Ngày này, những bậc cao niên trong họ thường kể lại cho thế hệ sau nghe về công trạng, sự nghiệp và cuộc đời của ông Tổ để con cháu hiểu biết, ghi nhớ và tự hào về dòng họ của mình. Chúng tôi làm lễ cúng tổ tiên để cầu mong con cháu khoẻ mạnh, học hành, lao động tiến bộ, anh em họ hàng đoàn kết, cuộc sống ấm no.

4.jpg
Với đạo lý “uống nước nhờ nguồn” đó, mỗi người Diễn Châu dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu cũng luôn ủng hộ cả về vật chất, lẫn tinh thần để dòng họ mình ngày càng mở mang, giàu mạnh

Rằm tháng Giêng năm nay, niềm vui như nhân đôi đối với dòng họ Nguyễn Hữu ở xã Diễn Lâm được đón nhận danh hiệu dòng họ văn hoá cấp huyện. Dòng họ được thành lập cách đây gần 200 năm, trải qua 9 đời.

Với truyền thống yêu nước, nhiều thế hệ con cháu trong dòng họ đã tích cực tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ngày nay con cháu dòng họ ra sức thi đua học tập, lao động, hiện tỷ lệ hộ khá giàu trong dòng họ chiếm 70%, không còn hộ nghèo. Số gia đình văn hóa chiếm tới 95%, dòng họ không có người vi phạm pháp luật. Nhà thờ họ được xây dựng khang trang, đảm bảo nơi thờ cúng trang nghiêm.

Cũng như nhiều dòng họ khác ở khắp các miền đất nước, dòng họ Nguyễn Hữu vẫn còn giữ nguyên nét truyền thống các nghi lễ cúng rằm tháng Giêng và đây được xem như một trong những nghi thức quan trọng nhất trong năm của dòng họ. Ông Nguyễn Hữu Thành- một thành viên của dòng họ chia sẻ: Năm nay con cháu về rất đông cùng với tham gia lễ giỗ Tổ thì cùng chung niềm vui, niềm tự hào đón nhận danh hiệu dòng họ văn hoá. Tôi cũng như con cháu dòng họ, vào ngày này, đều về nhà thờ họ để thắp hương, bày cỗ, dâng lên ông bà thủy tổ. Đây cũng là dịp để cầu yên đầu năm, mong cho quốc thái dân an, gia đình, dòng họ bình yên, no ấm.

Với nhiều hoạt động ý nghĩa, mang đậm giá trị văn hóa truyền thống ngày rằm tháng Giêng, đã thể hiện cái tâm, xem Tổ tiên, cội nguồn như là cái gốc hướng về trong cuộc đời mỗi con người. Với đạo lý “uống nước nhờ nguồn” đó, mỗi người Diễn Châu dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu cũng luôn ủng hộ cả về vật chất, lẫn tinh thần để dòng họ mình ngày càng mở mang, giàu mạnh. Vì thế mà cả trên 900 dòng họ ở Diễn Châu đều có nơi thờ tự đàng hoàng, có các hoạt động tín ngưỡng văn hoá phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

5.jpg
Trải qua nhiều biến cố, thăng của lịch sử, những sự đổi thay trong cuộc sống, nhưng phong tục về quê dịp rằm tháng Giêng vẫn được con cháu của các dòng họ ở Diễn Châu lưu giữ

Ngoài việc xây dựng trong gia đình, dòng họ thì nhiều người con quê hương Diễn Châu đã có những việc làm rất ý nghĩa như đầu tư xây dựng nhiều công trình như bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu du lịch.... với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, đã góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm thay đổi diện mạo, đưa quê hương Diễn Châu ngày càng giàu đẹp.

Ông Đào Hồng Thanh- Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Diễn Châu cho biết: “Mặc dù trải qua nhiều biến cố, thăng của lịch sử, những sự đổi thay trong cuộc sống, nhưng phong tục về quê dịp rằm tháng Giêng vẫn được con cháu của các dòng họ ở Diễn Châu lưu giữ. Đó là cách lớp lớp cháu con bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với tổ tiên, nguồn cội của mình để từ đó nỗ lực phấn đấu trong lao động và học tập”.

Gia Ân-Mai Giang