Đời sống xã hội

Phước Thiện chuyển mình, ngư dân bội thu trong năm mới

Lê Văn Chương 25/02/2024 - 16:11

Phước Thiện nhiều năm trước vẫn gắn với khung cảnh làng chài ngổn ngang, bờ biển nham nhở vì phải đối mặt với nạn triều cường xâm thực. Nhưng từ Tết Nguyên đán năm 2024, cả làng chài với 244 tàu cá bừng bừng khí thế đón một mùa Xuân vui tươi, ngư dân rộn ràng ra khơi bám biển, sau những ngày bội thu giáp Tết.

22784524amt5-a2.jpg
Thôn Phước Thiện được đầu tư xây dựng bờ kè, tạo ra cảnh quan đẹp trong ngày Xuân. Ảnh: Văn Chương

Thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn giống như một vùng lõm nằm ở địa bàn Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Trên bản đồ google map, từ thôn Phước Thiện kéo tới Gành Yến, thôn Thanh Thủy có hình dáng cong cong như một lòng chảo lớn. Với đặc điểm của bờ biển như vậy, nên nhiều năm qua, người dân ở địa phương này luôn nơm nớp nỗi lo chạy đua với triều cường ngày càng ăn sâu vào đất liền, kéo trôi nhà ra biển. Nhưng năm nay, tỉnh Quảng Ngãi đã thi công gấp rút và hoàn thành công trình bờ kè, thôn Phước Thiện lập tức chuyển mình, giống như một khu phố biển.

Trên bờ kè bê tông được tỉnh Quảng Ngãi đầu tư 720 tỷ đồng có hạng mục đường nội bộ bao quanh bờ Đông, ngư dân Đặng Văn Vinh và các ngư dân đi bạn hối hả xuống tàu đánh cá để chuẩn bị mở biển vào mùng 6 Tết. Anh Vinh cho biết: “Không ai ngờ Phước Thiện khi có bờ kè lại trở nên đẹp đến như vậy”. Các ngư dân đi cùng với anh Vinh cho biết, trước kia đã phải mua đất ở phía sau làng, nằm trên triền đồi vì nghĩ tới tương lai biển sẽ tiếp tục ăn sâu vào đất liền, nhưng bây giờ làng chài đã được kiên cố và ngư dân chỉ còn lo chuyện ra khơi bám biển, vừa đánh bắt phát triển kinh tế, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Câu chuyện đánh bắt đầu năm mới được các ngư dân chia sẻ hết sức thú vị, đó là thôn Phước Thiện nằm tại khu vực có bờ biển đầy rạn san hô phong phú. Gành Yến nổi tiếng cả nước vì rừng san hô lấp lánh như hoa biển và pha đủ màu sắc, nhưng nếu lặn xuống dọc bờ biển thôn Phước Thiện thì nơi đâu cũng có san hô đẹp. Có rừng san hô, cá sẽ quần tụ về sinh sản. Từ thôn Phước Thiện kéo ra tới đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), năm nào cá ngừ cũng quần tụ về, vì vậy, ngư dân quanh năm có cuộc sống no đủ.

Ngư dân Nguyễn Tuấn kể lại, tháng Chạp vừa rồi, khi chỉ còn 15 ngày nữa là Tết, cả làng chài bừng bừng khí thế bội thu. Cá ngừ kéo về từng đàn, thỉnh thoảng xuất hiện, nhấp nhô trên mặt biển. Ngư dân trúng lộc nhiều nhất là làm nghề lưới vây ngày. Hàng ngàn ngư dân đã đổ ra biển giống như đi hội. Luồng cá quần tụ về đông nhất là khu vực phía Đông đảo Lý Sơn, thông tin trên đã được các ngư dân chia sẻ qua máy Icom, vì vậy, khoảng 50 tàu đánh cá của thôn Phước Thiện đã bao quanh đảo Lý Sơn và nhiều tàu đã đánh bắt đạt sản lượng 2-3 tấn/ngày.

Tôi từng vài lần theo tàu cá làm nghề lưới vây đi đánh bắt ở ngư trường xung quanh đảo Lý Sơn, nên khi nghe anh Tuấn chia sẻ, tôi lập tức hỏi tin tức về những ngư dân chuyên làm nghề lưới vây ở vùng biển Lý Sơn, anh Tuấn cho biết: “Tàu nào cũng trúng hết, cứ ngày kiếm vài chục triệu đồng, sau khi trừ đi mọi phí tổn thì nửa tháng đánh bắt, mỗi ngư dân đi bạn cũng kiếm được từ 20-30 triệu đồng”.

Kinh nghiệm viết về nhịp sống làng chài, đó là cứ hỏi ngư dân đi bạn “mỗi năm kiếm được bao nhiêu tiền” thì sẽ quy ra được tình hình thu nhập của chủ tàu. Vì nhiều chủ tàu không muốn đề cập tới “thu nhập khủng”, nhưng cứ hỏi bạn chài thì khắc biết rõ. Các ngư dân đi bạn ở Phước Thiện cho biết, năm nay trúng đậm nhất là tàu cá của ông Nguyễn Tròn, tổng kết một năm, chiếc tàu này thu về được hơn 4 tỷ đồng. Ngư dân làm nghề đánh bắt vùng lộng thường không tốn nhiều chi phí như ngư dân đi khơi, vì vậy, với mức thu nhập này thì ngư dân đi bạn kiếm được khoảng 200 triệu đồng.

Trong quá khứ, nhiều người biết đến cái tên Phước Thiện gắn với nghĩa cử hào hiệp của bà con làng chài. Do chưa có bờ kè, chưa có nơi neo đậu tàu cá ổn định, nên cứ mỗi khi nghe tin bão là cả làng chài rùng rùng đưa tàu cá sang cửa biển Sa Cần để tránh trú bão. Trong những chuyến đi đó, thỉnh thoảng lại có tàu chết máy, có tàu bị trôi, BĐBP và ngư dân lại huy động cả làng chài đi tìm.

Ngư dân Phước Thiện đánh lưới vây trên biển. Ảnh: Văn Chương

Trong gió Xuân, tiếng máy tàu cá rời bến neo đậu ở thôn Phước Thiện cứ mỗi ngày một xa dần. Hết chiếc này tới chiếc khác nối đuôi nhau xuất bến, hướng ra vùng biển Lý Sơn. Ngư dân Võ Văn Hải cho biết, bữa nay ra khơi thì không giấu tọa độ gì nữa, cứ 10 chiếc đánh bắt ở vùng Lý Sơn, 10 chiếc chạy vô vùng biển giữa cửa biển Mỹ Á và Sa Huỳnh, cứ 2 vùng này liên hệ với nhau, nếu bên nào có cá thì chạy khoảng 40 hải lý sang để đánh bắt.

Tinh thần đoàn kết, chia sẻ thông tin luồng cá của bà con ngư dân thôn Phước Thiện xuất phát từ điều kiện sống ở bãi ngang, ngư dân nào cũng luôn liên kết với nhau, khó khăn, thuận lợi đều san sẻ, nhờ đó có những làng chài theo thời gian lâm vào khó khăn, nhưng ngư dân ở thôn Phước Thiện thì ngày càng phát triển. Trước đây, phần lớn tàu cá của ngư dân thôn Phước Thiện là tàu mê nan, gắn máy 10-33 mã lực. Còn hiện nay, tàu cá phát triển lên tàu vỏ gỗ, gắn máy có công suất 90-350 mã lực.

Men theo bờ biển thôn Phước Thiện đi về phía Nam khoảng 4km là thôn Thanh Thủy, một địa phương cũng nằm trên địa bàn bãi ngang, hằng năm đối mặt với nạn triều cường gây sạt lở. Hiện nay, tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư bờ kè, vì vậy, làng chài nơi đây có điều kiện phát triển. Mùa Xuân ở làng chài thêm rộn rã vì bà con tổ chức các hoạt động lễ hội, đua ghe, hát múa bả trạo, sắc bùa. Ngư dân Võ Văn Thành sinh sống tại địa phương cho biết, nhờ Đảng và Nhà nước đầu tư công trình bờ kè, mà làng chài đã thay đổi hoàn toàn, nhiều ngư dân chuyên làm ăn ở phương xa đã trở về đầu tư nâng cấp nhà, tàu đánh cá.

“Trường Sa ơi mai tàu rời bến/ Ta lại về phố thị thân thương...”, tiếng nhạc vang ra từ một khu nhà trại trên bờ biển thôn Phước Thiện, những ngư dân trẻ tập trung về tham gia văn nghệ trước khi tạm biệt làng chài ra khơi bám biển. Tôi cảm thấy lòng mình bâng khuâng, khi tiếng hát đó tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân xuôi ngược trên biển, vừa vươn khơi đánh bắt hải sản, vừa tham gia gìn giữ biển, đảo quê hương.

Lê Văn Chương