Một ngày đầu xuân 2024, chúng tôi ngược ngàn đến với dãy Giăng Màn để được chứng kiến đồng bào người Mày (dân tộc Chứt) bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) tổ chức lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc. Lễ cúng thường được tổ chức vào dịp đầu xuân mới. Đây chính là lễ hội "đặc trưng" về văn hóa, tâm linh của người Mày được giữ gìn, duy trì cho đến hôm nay.
Từ sáng sớm, đồng bào ở bản K-Ai đã kéo đến tập trung ở một bãi đất trống cạnh con suối và cánh đồng lúa nước gần bản. Các gia đình khi đến địa điểm này đều mang theo lễ vật, như: Gạo, lúa nếp, lợn, gà, cá suối, măng rừng, rượu cần, rượu trắng… Từng tốp người được chia ra để thực hiện các công việc, như: Lập bàn thờ, nhóm lửa chế biến món ăn trong lễ cúng, chặt lá chuối rừng về làm chỗ ngồi cho sạch sẽ...
Chủ lễ, thầy cúng Hồ Dương (SN 1962) cho biết, lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc đầu năm 2024 này được dân bản K-Ai tổ chức lớn hơn hẳn mọi năm nhờ có sự hỗ trợ về kinh phí từ Phòng Dân tộc huyện Minh Hóa. Chủ lễ Hồ Dương phấn khởi cho hay: Theo quan niệm, tín ngưỡng của dân bản, xung quanh khu vực núi Giăng Màn có rất nhiều vị thần linh đang ngự trị, cai quản giang sơn, như: Thần rừng, thần suối, thần bếp, thần nhà… Tuy nhiên, vị thần linh thiêng, đứng đầu và cai quản tất cả các vị thần, muôn loài ở khu vực núi Giăng Màn có tên gọi là Cu lôông Cờ tôốc. Do đó, lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc của người Mày nơi đây luôn được tổ chức rất trang nghiêm, tôn kính.
Không chỉ đối với người Mày, những người Khùa (dân tộc Bru-Vân Kiều) sinh sống quanh dãy Giăng Màn (tại hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa) cũng xem vị thần Cu lôông Cờ tôốc là vị thần linh thiêng, đứng đầu và cai quản tất cả các vị thần, muôn loài ở khu vực này. Dù có sự khác nhau trong ngôn ngữ giao tiếp, nhưng theo quan niệm của người Mày, người Khùa thì từ "Cu lôông" đều có nghĩa là nơi đỉnh núi cao nhất, nhọn nhất, sạch sẽ nhất; còn từ "Cờ tôốc" mang ý nghĩa là ở phía dưới thấp, nơi mặt đất nằm cạnh khe suối và là nơi rất sạch sẽ. Thần Cu lôông Cờ tôốc chính là vị thần cai quản ở cả 3 tầng ngự trị trong thế giới tâm linh của người Mày và Khùa: Trên cao, ở giữa và phía dưới...
Trưởng bản Ka-Ai Hồ Hùng cho biết thêm: "Việc cúng thần Cu lôông Cờ tôốc còn có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, không có dịch bệnh; đồng bào ai nấy cũng đều có sức khỏe, nhà nhà luôn an yên, may mắn; công việc làm ăn trên rừng suôn sẻ, thú dữ không phá hoại mùa màng và tấn công con người; đi rừng không giẫm trúng bẫy, rắn rết; cây trồng, vật nuôi luôn phát triển tốt tươi, thuận lợi. Lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc còn là dịp để người Mày trong cùng dòng họ và người dân ở cùng cụm bản tăng cường thắt chặt sự đoàn kết, gắn bó trong cuộc sống; giáo dục cho các thế hệ cùng hướng về nguồn cội; yêu quý bản làng, giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp; chung tay cùng các cấp chính quyền xây dựng làng bản ấm no, phát triển, bảo vệ sự bình yên nơi biên cương...".
Trong các lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc của người Mày thường có 4 hũ rượu cần, một con gà, một ít rượu trắng, bánh đíp (loại bánh nếp không nhân, được gói bằng lá dong rừng, có hình thù một đầu nhọn và một đầu vuông), trầm hương và một ít tiền mặt. Những người dân đến tham gia lễ cúng nếu có điều kiện thì góp thêm cơm, canh, rượu, bia... Lễ cúng được diễn ra khoảng 8 giờ sáng. Vì theo quan niệm của người Mày, Khùa thì buổi sáng là lúc mặt trời lên, mọi vật sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi.
Sau phần lễ thường có thêm phần hội để tạo điều kiện cho mọi người có thêm thời gian giao lưu. Điều đặc biệt ở trong lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc là nếu nhà nào có phụ nữ sinh con chưa quá 3 tháng thì cả nhà đó không được đến khu vực diễn ra lễ cúng, vì sợ thần linh tức giận sẽ gây ra điều xui xẻo trong năm.
Các hộ dân khi đến tham gia lễ cúng thì có thể ở lại để ăn uống, chuyện trò thoải mái đến hết ngày, nhưng cấm kỵ không được mang về bất cứ một thứ đồ ăn, thức uống nào cả. Nhờ được cấp trên hỗ trợ về kinh phí, lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc đầu năm nay đã có thêm 2 con lợn, 6 con gà, 6 con cá chép, 6 hũ rượu cần và bia, rượu trắng, nếp, bánh chưng...
"Từ nhiều năm qua, lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc ở xã Dân Hóa thường được diễn ra tại các bản thuộc những cụm bản, như: ÔỐc và K-Vi, K-Ai, Bãi Dinh và Cha Lo, Ba Loóc...", ông Đinh Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Dân Hóa cho hay.
Ông Cao Ngọc Điền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa cho biết, dọc theo núi Giăng Màn ngang qua địa bàn các xã Trọng Hóa, Dân Hóa, từ nhiều đời qua, hai tộc người Khùa và Mày cùng sinh sống đan xen với nhau nên có sự giao thoa về văn hóa, tâm linh khá mạnh mẽ, bền chặt. Nổi bật, lễ cúng thần Cu lôông Cờ tôốc ở vùng đất này chính là một trong những minh chứng rất "đặc trưng" cho sự giao thoa về văn hóa, tâm linh, được giữ gìn, duy trì cho tới tận hôm nay.
"Gần đây, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025 phân bổ cho các cơ quan, đơn vị, huyện Minh Hóa đang xây dựng kế hoạch phục dựng và bảo tồn một số lễ hội nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại các vùng có đồng bào DTTS sinh sống ở huyện; tạo thêm những "điểm nhấn" để làm tiền đề xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, hiệu quả…", ông Cao Ngọc Điền, Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa cho biết thêm.