Trong dịp tết Gạ Ma O năm nay, từ ngày 11 tháng Giêng các thôn người Hà Nhì đã làm lễ căng dây cấm bản với quan niệm ngăn chặn những điều xấu xâm nhập vào thôn, giúp thôn bản bình yên trong năm mới. Ngày 13 tháng Giêng (ngày Thìn), tại một số thôn của người Hà Nhì như thôn Lao Chải, Tả Gì Thàng (xã Y Tý), bà con làm lễ cúng nguồn nước để tạ ơn Thần Nước, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau lễ cúng Thần Nước, các thôn đều tổ chức lễ cúng tạ ơn Thần Rừng tại khu rừng cấm, cầu mong rừng thiêng che chở cho bản làng yên ấm. Trong Tết Gạ Ma O của người Hà Nhì, ngày vui nhất là ngày Tết Thiếu nhi (Dứ Dò Dò). Mỗi gia đình sẽ làm lễ cúng tại nhà và chuẩn bị một mâm lễ vật tham gia lễ cúng chung của thôn. Mỗi mâm lễ vật của các gia đình đều gồm 8 -10 món ăn được chế biến từ các nông sản bà con sản xuất được. Riêng mâm lễ của trưởng bản sẽ có 12 món ăn. Các mâm lễ vật được tập trung tại nhà trưởng bản để làm lễ cúng chung của thôn. Trưởng bản và phó bản làm lễ tạ ơn thần linh, cầu thần linh phù hộ cho năm mới mọi người trong thôn mạnh khỏe, trẻ em không bệnh tật, học hành tiến bộ, cuộc sống các gia đình thêm ấm no, hạnh phúc. Sau lễ cúng, mọi người cùng liên hoan vui vẻ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc gia đình và những dự định trong năm mới. Đại diện các gia đình chúc nhau những lời chúc tốt đẹp trong ngày Tết Thiếu nhi. Mâm cỗ liên hoan trong ngày Tết Gạ Ma O của phụ nữ người Hà Nhì. Các phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình Lào Cai được bà con thôn San Hồ, xã Trịnh Tường mời chung vui trong ngày Tết Thiếu nhi đầu năm mới. Trong dịp Tết Gạ Ma O, đặc biệt là Tết Thiếu nhi, các gia đình người Hà Nhì đều duy trì phong tục nhuộm trứng nhiều màu làm quà cho trẻ em mong con, cháu gặp nhiều may mắn. Niềm vui của các em nhỏ người Hà Nhì trong ngày Tết Thiếu nhi.
Trong Tết Gạ Ma O, đồng bào Hà Nhì tổ chức nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như nhảy que, nhảy dây, đi cà kheo,...tạo nên bầu không khí vui tươi, phấn khởi. Tết Gạ Ma O đầu năm mới của người Hà Nhì góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, thôn, bản thêm đoàn kết, thể hiện truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" và tính cộng đồng bền chặt của đồng bào Hà Nhì trên vùng cao huyện Bát Xát.
Trần Tuấn Ngọc