Văn hóa

Chợ tình Tân Sơn - Đến hẹn lại về

Bài, ảnh: Thế Đại 24/02/2024 - 16:01

Khi hoa đào, hoa mận nở khắp sườn đồi, rung rinh cánh nõn đón mưa xuân, đàn ong tranh nhau tìm mật, đùa giỡn trên những nương cải trổ hoa vàng cũng là lúc phiên chợ tình Thác Lười ở xã vùng cao Tân Sơn (Lục Ngạn - Bắc Giang) trở lại. Những bóng áo chàm xen lẫn áo xanh của đồng bào Tày, Nùng nô nức xuống núi mang theo câu hát Sloong hao, Sli, Lượn chất chứa bao nhớ nhung, báo hiệu mùa hội mới lại về.

Cứ đến tháng Giêng, hàng vạn người dân các xã vùng cao Lục Ngạn như: Tân Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Sa Lý, Phong Minh, Phong Vân và Quan Sơn, Hữu Kiên... huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) lại chọn những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất rủ nhau đến chợ Tân Sơn dự hội hát Sloong hao. Từ người già đến em bé đều háo hức về hội góp vui. Bà Hoàng Thị Nhắm ở bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn nói: “Cứ đến mùa xuân là lòng mình lại thấy rạo rực, mong chờ, bởi phiên chợ tình Thác Lười đến gần. Mình đã hẹn gặp bạn cũ đến đây. Qua câu hát đối, mình sẽ kể cho bạn nghe những điều đã gặp trong năm qua và những dự định làm ăn, ước vọng trong năm mới”.

398-202402240754541.jpg
Cùng nhau đến chợ tình Tân Sơn.

Trên các sườn đồi, gốc vải, bờ suối đều bắt gặp trai gái và cả những người lớn tuổi tụ thành từng nhóm, từng đôi cùng hát đối, tỏ tình, giao duyên qua những điệu Sloong hao, Sli, Lượn mộc mạc. Ban đầu họ hát với theo từng tốp để làm quen, sau hát riêng thành từng cặp. Nội dung lời hát giao duyên của những đôi trai gái thông thường đều bộc lộ tình yêu trong sáng, khát vọng muốn được xây đắp tình yêu cùng với người bạn hát. Cứ như vậy họ hát cả ngày, đêm. Qua lời ca, tiếng hát đã có biết bao đôi trai gái nên duyên vợ chồng song cũng không ít người không đến được với nhau. Để rồi hẹn ước cứ mỗi dịp phiên chợ tình lại về để tâm sự cùng nhau qua tiếng hát.

Ông Vi Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Tân Sơn kể, chợ phiên Thác Lười (nay là chợ Tân Sơn) hình thành từ lâu, là nơi tụ họp, trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân quanh vùng. Chợ họp vào các ngày 2, 7, 12, 17 và 22, 27 âm lịch. Trong đó, phiên chợ họp ngày 12 tháng Giêng hằng năm là đặc biệt nhất. Bởi đây là phiên chợ xuân đầu năm mới, trở thành điểm hò hẹn của những chàng trai, cô gái vùng cao và cũng là điểm hẹn của những người bạn cũ. Lâu dần, người dân gọi là phiên chợ tình Thác Lười, mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc nơi đây.

“Đối với bà con trong vùng, đi chợ phiên 12 tháng Giêng cũng chính là đi hội. Họ đến đây không chỉ để mua hàng hóa, bán nông sản do mình làm ra mà còn để gặp bạn cũ, hát đối, giao duyên, giao lưu bên bàn trà hay những chén rượu men lá đầu xuân”, ông Hồng nói.

398-202402240754552.jpg
Hát Sloong hao trong ngày hội.

Theo Nghệ nhân hát Sloong hao Lăng Quốc Kỳ, dân tộc Nùng ở bản Bắc Hoa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hát dân ca dân tộc Nùng xã Tân Sơn, phiên chợ tình không chỉ dành cho các đôi nam nữ hát đối đáp tìm người yêu mà còn để những người yêu nhau nhưng không lấy được nhau ôn lại kỷ niệm xưa. Những người đã có gia đình có thể hát, ngồi tâm tình trò chuyện với người yêu cũ của mình.

“Họ mượn câu hát để hỏi thăm về cuộc sống, gia đình, động viên nhau vươn lên. Những lời trách hờn, kỷ niệm cũ và những tiếc nuối khi còn yêu nhau có thể bộc lộ qua những câu hát mà không bị ghen tuông, ngăn cấm. Họ tôn trọng nhau, tôn trọng những điều riêng tư của nhau, không vì người xưa mà phá hỏng hạnh phúc hiện tại, đó là giá trị nhân văn cao đẹp trong văn hóa của dân tộc Tày, Nùng còn lưu giữ đến ngày nay”, ông Kỳ chia sẻ.

Hát Sloong hao có nhiều loại: Sloong hao gặp gỡ, Sloong hao vào bản, vào nhà… Để nối tiếp truyền thống quê hương, ngoài duy trì các buổi tập hát, múa tại nhà văn hóa bản Bắc Hoa với các thành viên cùng CLB, ông Kỳ còn truyền thụ hát dân ca cho học sinh tại Trường Tiểu học và THCS xã Tân Sơn.

Gìn giữ văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch

Với tình yêu Sloong hao, người Nùng thường rủ nhau đi hát giao duyên trong những ngày xuân và đầu năm mới, có khi kéo dài đến tận tháng 2 âm lịch. Ngày nay, việc đi hát tự do từ bản này đến bản khác không còn nữa, thay vào đó huyện Lục Ngạn và xã Tân Sơn đã tổ chức thành hội hát Sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao Lục Ngạn tại xã Tân Sơn và Phong Vân.

398-202402240754553.jpg
Tiết mục văn nghệ tại hội hát Sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao huyện Lục Ngạn.

Năm nay, các hợp tác xã du lịch trên địa bàn chủ động kết nối với các công ty lữ hành, hợp tác xã du lịch trong và ngoài tỉnh xây dựng tour du lịch đưa khách tham quan bản cổ Bắc Hoa, chợ tình Tân Sơn, vườn hoa vùng cao, hồ Cấm Sơn… Dự kiến trong thời gian diễn ra hội hát Sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao, toàn huyện đón khoảng 100 nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm.

Ngày hội năm nay (từ 20-23/2, tức từ ngày 11-14 tháng Giêng) diễn ra nhiều hoạt động như: Giao lưu CLB hát dân ca các dân tộc qua hình thức hát đối đáp theo cặp hoặc theo nhóm với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, công cuộc đổi mới...; tái hiện không gian phiên chợ quê truyền thống; tổ chức thi đấu các môn thể thao, trò chơi dân gian; trưng bày, trình diễn ẩm thực; triển lãm và bán các sản phẩm chủ lực, OCOP của địa phương; tạo các điểm chụp ảnh đẹp để thu hút du khách.

Đồng chí Chu Văn Trọng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lục Ngạn thông tin, việc tổ chức hội hát Sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao nhằm tạo không gian văn hóa, du lịch trên địa bàn huyện kết nối với không gian Tuần Văn hóa - Du lịch của tỉnh; giới thiệu, quảng bá giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc và những tiềm năng nổi bật về du lịch của địa phương. Đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm, sự tham gia của các cấp, các ngành và nhân dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Gắn kết việc bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Lục Ngạn.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, những năm gần đây, nhất là từ năm 2022 đến nay, huyện Lục Ngạn đã thực hiện dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển inh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện đề án phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động như: Dạy hát dân ca tại bản Bắc Hoa và thôn Cầu Nhạc, xã Phong Vân…, hỗ trợ các CLB hát dân ca dân tộc hoạt động. Năm 2023, huyện đầu tư 3,8 tỷ đồng xây dựng nhà văn hóa tại bản Bắc Hoa. Công trình được thiết kế theo phong cách của dân tộc Nùng, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2023, trở thành nơi tổ chức các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt văn hóa, giao lưu phục vụ du khách.

Đồng thời huyện cũng đang thực hiện dự án bảo tồn các nếp nhà cổ tại bản Bắc Hoa nhằm kiến tạo cảnh quan của bản; nâng cấp hội hát Sloong hao xã Tân Sơn thành hội hát Sloong hao và phiên chợ xuân vùng cao Lục Ngạn nhằm bảo tồn nét đẹp truyền thống, phục vụ đời sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Mục tiêu là đưa chợ tình Thác Lười, bản cổ Bắc Hoa thành những điểm đến đặc sắc, hấp dẫn không chỉ dành cho bà con các dân tộc trong vùng mà còn thu hút du khách khắp nơi trong tour du lịch về với Lục Ngạn.

Bài, ảnh: Thế Đại