Hạt gạo làng ta và ước vọng cường thịnh
Sau những ngày “ăn chơi” mùa xuân, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân cả nước đã tập trung xuống đồng gieo cấy lúa vụ Đông Xuân. Không khí lao động hối hả, rộn ràng ở khắp các cánh đồng với mong muốn mùa màng bội thu.
“Mùa xuân người ra đồng”
Hòa mình vào tiết xuân của trời đất, những người nông dân cũng tranh thủ xuống đồng để không bỏ lỡ những ngày xuân nắng đẹp. Dù ăn Tết nhưng bà con nông dân không quên chăm chút từng luống mạ, thửa ruộng. Từng đôi bàn tay thoăn thoắt nhẹ nhàng bỏ những tấm ni lông che chắn, những bộ rễ mạ trắng xóa, sum suê… Nâng niu, chăm chút từng cành mạ, ai nấy đều dành thời gian quý giá để làm đất, cấy hái cho kip thời vụ. Ngay từ sáng ngày mồng ba Tết, bà con ở nhiều làng quê đã nô nức xuống đồng như mở hội.
Cánh đồng trải rộng mênh mông, mấy hôm trước im lìm, vắng lặng mà sớm nay rộn rã tiếng nói tiếng cười của bao người hối hả mang mùa xuân xuống ruộng. Từng dòng nước chảy cuồn cuộn từ máy bơm mang theo dòng nước bạc lan tỏa, trào dâng tràn lên khắp mặt ruộng. Những luống cày mấy tháng trời nằm chờ phơi ải đã khô nỏ, nay gặp làn nước ngọt nhanh chóng bở tơi, mềm xốp lênh loang màu mỡ.
Tháng giêng, trên khắp các cánh đồng, bà con đồng loạt đưa mạ xuống phủ xanh ruộng. Để động viên tinh thần sản xuất trên cả nước, ngày mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn), trong ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, động viên nông dân sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Hải Dương. Cùng đi với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Xuống đồng động viên nông dân sản xuất lúa vụ Đông Xuân tại xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm khu vực sản xuất mạ khay và cánh đồng gieo sạ bằng máy. Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp ngồi máy cấy để điều khiển cấy lúa trên cánh đồng. Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác thăm vùng sản xuất cà rốt tập trung phục vụ xuất khẩu; thăm Hợp tác xã Đức Chính, cơ sở sơ chế, đóng gói cà rốt và cắt băng chúc mừng xuất khẩu lô hàng cà rốt đầu Xuân Giáp Thìn tại xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng.
Không khí làm việc khẩn trương diễn ra đồng loạt nhiều nơi. Tại huyện Phú xuyên, Hà Nội, vụ xuân năm nay, huyện phấn đấu phấn đấu gieo cấy bằng máy 30% diện tích với 1.600ha các giống lúa như: Đài thơm dự hương, Hdt10, dt25…năng suất 6,0 - 6,5 tạ/ha. Toàn huyện phấn đấu cơ bản gieo cấy xong trong tháng 2/2024… Để tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, UBND huyện Phú Xuyên chỉ đạo các xã xây dựng phương án sản xuất vụ xuân gắn với các nhiệm vụ khác trong năm, để tạo thành chuỗi luân canh hợp lý, vụ trước tạo điều kiện thời vụ cho sản xuất ở vụ sau.
Với huyện Chương Mỹ, không khí sản xuất vụ Xuân cũng rất hối hả. Vụ Xuân năm nay toàn huyện dự kiến gieo cấy hơn 8.000ha lúa, diện tích lớn thứ 3 toàn TP. Tranh thủ nguồn nước thuận lợi, hàng trăm nông dân các xã: Quảng Bị, Thuỵ Hương, Đồng Lạc… đã tích cực xuống đồng sản xuất.
Các tỉnh thành khác như Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Bắc Giang, Yên Bái… bà con nông dân cũng tranh thủ làm đất, phủ xanh ruộng đồng trong thời gian ngắn.
Đưa hạt gạo làng ta gửi ra thế giới
Năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam đã chạm mốc kỷ lục khi xuất khẩu tới 8 triệu tấn và thu về 4,8 tỷ USD. Nhờ quyết tâm chuyển từ số lượng sang chất lượng, kết quả đạt được năm qua là bệ đỡ cho những nỗ lực của nông dân và doanh nghiệp Việt.
Một điểm nhấn khác quanh hạt gạo là câu chuyện xâm nhập thị trường châu Âu bằng chính thương hiệu gạo Việt. Từ năm 2019, khi gạo ST 25 của Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới, đó cũng là thời điểm cho ý tưởng xuất khẩu gạo dưới thương hiệu Việt Nam. Hơn nữa, gạo Việt Nam còn đạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023. Đáng chú ý, đây là lần thứ hai gạo ST25 đạt giải nhất tại cuộc thi này. Việc gạo Việt Nam được vinh danh gạo ngon nhất thế giới thêm một lần nữa khẳng định chất lượng cũng như uy tín của gạo Việt trên thị trường quốc tế.
Sản phẩm gạo trong năm 2023 đã trở thành "bữa trưa đặc biệt" tại Văn phòng Nội các Nhật Bản. Loại gạo này được giới thiệu là gạo thơm ngon nổi tiếng đến từ Việt Nam. Chinh phục thị trường khó tính như Nhật Bản, để đưa được gạo ST25 vào thị trường này, doanh nghiệp Việt phải vượt qua hơn 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe, cùng yêu cầu rất cao của người tiêu dùng nước này. Từ đó cho thấy, Việt Nam không chỉ xuất khẩu gạo nhiều mà còn xuất khẩu gạo ngon, đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao của thị trường khó tính về chất lượng như Nhật Bản.
Chưa dừng lại ở đó, năm 2023, Đề án "Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030" đã được Chính phủ phê duyệt, hướng tới mục tiêu gia tăng giá trị, phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao thu nhập của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
Để có kết quả, niềm vui viên mãn đó, không chỉ có vất vả, mồ hôi của người nông dân, mà còn là bao công sức, tâm huyết, trí tuệ… của lãnh đạo, nhân dân, các ngành, các cấp… Họ đã đổ mồ hôi, công sức trên bàn đàm phán, trong các cuộc làm việc, để mang về thành quả cho dân tộc.
Xuất khẩu gạo năm 2024 được nhiều chuyên gia, nhà quản lý dự báo tiếp tục thuận lợi, mặt bằng giá gạo xuất khẩu vẫn ở mức cao khi thị trường thế giới gia tăng nhập khẩu. Cùng với xuất khẩu gạo, cần xuất khẩu giá trị khác quanh hạt gạo như quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan: “Con đường lúa gạo không chỉ dừng ở hạt gạo. Tích hợp đa giá trị, chúng ta bán cả gói sản phẩm từ gạo, đó là đích đến của gạo Việt Nam. Hình ảnh hạt gạo không chỉ nằm ở độ dài, độ tròn, độ ngọt, độ thơm, mà còn ở việc cộng đồng những người làm ra và trao gửi hạt gạo đến tay người tiêu dùng. Hình ảnh đó dần sẽ trở thành thương hiệu Gạo Việt Nam”. Năm 2024, mong rằng, từ những nỗ lực chung, hạt gạo Việt sẽ đưa người nông dân cả nước đỡ đi vất vả, nhân lên niềm vui.