Điểm tựa của thôn
Với 37 năm tuổi Đảng, Cựu chiến binh, Chi hội trưởng Người cao tuổi Ma Ngọc Lương, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số của thôn Đồng Phạ, xã Kiến Thiết (Yên Sơn, Tuyên Quang) luôn phát huy vai trò là “điểm tựa” của thôn, của đồng bào nơi đây.
Giữ chữ tín
Trong không khí xuân với cái lạnh sắt se và cơn mưa phùn ẩm, chúng tôi tìm đến cửa hàng tạp hóa của ông Lương ngay ở gần chợ Kiến Thiết. Nay chưa phải ngày chợ phiên, thưa vắng người qua nên ông Lương có thời gian dành cho chúng tôi. Ông Ma Ngọc Lương mới trở về từ hội nghị tôn vinh biểu dương người có uy tín tiêu biểu toàn quốc do Ủy ban Dân tộc chủ trì tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11-2023 vừa qua. Hơn 10 năm được UBND tỉnh liên tục công nhận là người có uy tín; từng được biểu dương, khen thưởng cấp huyện, cấp tỉnh trong nhiều năm, nay ông Lương vinh dự là 1 trong 18 người có uy tín tiêu biểu của tỉnh được biểu dương toàn quốc.
“Được Đảng, Chính phủ, Nhà nước quan tâm, động viên, khích lệ, tôi thấy mình càng phải nỗ lực hơn nữa, giữ chữ “tín” như giữ gìn sinh mệnh thứ hai, một khi đã mất đi rồi dù có đánh đổi bao nhiêu tiền bạc và công sức cũng không thể lấy lại được” - ông Lương bày tỏ.
Ông Lương từng vào sinh ra tử trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Trong khi bao nhiêu đồng đội hy sinh anh dũng, ông lành lặn trở về chẳng một vết thương. Kiến Thiết của 50 năm về trước nghèo đến cùng cực, khổ đến cùng cực nhưng ở đó có đại gia đình của ông với bố mẹ và 12 người anh em ruột đợi ông trở về. Khi còn tại ngũ, ông Lương được cấp trên phân công đến công tác một số đơn vị nhưng ông là con cả trong gia đình, ông quyết định xuất ngũ bởi nhà là nơi để trở về dẫu nơi ấy còn bao gian khó.
Thế mà cũng 37 năm ông Lương làm cán bộ xã. Trong đó một thời gian dài liên tục, ông Lương được giao đảm nhiệm các chức danh chủ chốt của xã: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. “So với nhiều đồng đội, tôi được trở về quê mẹ và cống hiến là hạnh phúc không gì bằng. Nên tôi không được sống hoài, sống phí, phải tận tâm, tận lực vì đồng bào mình”.
Từ xưa đến nay, ông Lương vẫn được biết đến là một tấm gương làm kinh tế giỏi của địa phương với mô hình V-A-C-R. Đảng, Nhà nước chủ trương phát triển kinh tế như thế nào, trồng cây gì, nuôi con gì, ông đều tiên phong làm trước làm gương cho đảng viên, đồng bào làm theo. Đã có chủ trương để triển khai thực hiện được, thậm chí ông Lương còn phải tự bỏ tiền mặt, hỗ trợ giống miễn phí cho đồng bào.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Trương Quang Trung cho biết, giờ là đảng viên cao tuổi, cán bộ hưu trí nhưng ông Lương một mực giữ lối sống giản dị, chan hòa; phát huy sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”; tích cực nêu gương, phát huy vai trò uy tín tham gia hiệu quả vào công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, nhất là trong công tác “dân vận khéo”.
Nói ít, làm nhiều, nói là làm
“Ông ơi! Chúng cháu hòa giải từ sáng rồi mà tình hình vợ chồng họ vẫn căng thẳng lắm. Họ vẫn đòi ly hôn ông ạ! Ông sang ngay hỗ trợ chúng cháu với nhé”. Dứt cuộc điện thoại với thành viên Tổ hòa giải thôn, ông Lương chẳng kịp ăn cơm trưa, phi xe máy đến ngay “điểm nóng”.
Anh chị cũng gần 70 tuổi, chung sống với nhau cả mấy chục năm trời rồi. Ngày xưa, cuộc sống khổ sở thế, đói nghèo đeo bám chẳng rời bỏ nhau. Giờ cuộc sống đâu đến nỗi nào, chỉ vì lời nói chưa vừa lòng nhau mà vứt đi nghĩa chồng vợ mấy chục năm ròng thì có xứng đáng không? Ở cái tuổi gần đất, xa trời rồi, bà chăm ông, ông chăm bà là hạnh phúc chứ. Anh chị ly hôn người ta chê cười cho đấy.
Vốn nể trọng sự uy tín của ông Lương, nay ông đến tận nhà, khuyên bảo bằng tấm chân tình, xuất phát từ trái tim nên ngay lập tức xoa dịu ngay sự hằn học, ức chế giữa 2 vợ chồng già. Nhờ trọng lượng của tiếng nói, công tác hòa giải, cứu 1 gia đình bên bờ vực tan vỡ của ông Lương chỉ diễn ra trong 10 phút.
Đây chỉ là một câu chuyện rất rất nhỏ trong muôn vàn những câu chuyện muôn thuở của đời sống của đồng bào mà ông Lương thường xuyên phải đi tuyên truyền, vận động và hòa giải thành công. Bởi vậy, người ta vẫn cứ ví, người có uy tín là “điểm tựa” của mọi “điểm tựa”. Cứ nơi nào có “điểm nóng” thì lại có sự xuất hiện của “điểm tựa” quả không sai.
Đồng chí Hà Ngọc Ảnh, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn tự hào: Ông Lương là người điềm tĩnh, ít nói nhưng đã nói điều gì thì lại có sức nặng rất lớn. Cùng với sự uy tín, yêu mến của bà con dành cho ông nên chi bộ, thôn luôn luôn vận dụng, phát huy vai trò của ông trong tuyên truyền, vận động trong tổ chức, triển khai các nhiệm vụ chính trị, việc khó, việc mới.
Với 37 năm tuổi Đảng, ông Lương còn là đảng viên có tuổi Đảng cao nhất trong chi bộ. Phát huy trách nhiệm, ông Lương luôn đóng góp ý kiến sát thực, tích cực tự phê bình và phê bình; định hướng cho chi bộ nhiều giải pháp lãnh đạo hiệu quả. Thôn có 70 hộ, trên 300 nhân khẩu. Những năm qua, Chi bộ thôn đã lãnh đạo nhân dân tích cực phát triển kinh tế, thu nhập bình quân đạt 3 triệu đồng/người/năm. Đời sống nhân dân được nâng lên.
Trước Tết Nguyên đán, công trình “Mở mới đường vận suất thôn Đồng Phạ đến thôn Làng Ắp” theo Dự án 9 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng vừa hoàn thiện, bàn giao mặt bằng và thông tuyến. Công trình đường dài khoảng 2,5 km với nguồn vốn đầu tư trên 6 tỷ đồng, hiện đang tăng tốc tiến độ thi công và chuẩn bị đổ bê tông ngay sau Tết Nguyên đán. Để công trình được triển khai, từ năm 2022, nhân dân 3 thôn Đồng Phạ, Làng Ắp, Pác Nghiêng đã hiến 16.000 nghìn m2 đất sản xuất.
“Đóng góp vào thành quả đó, ông Lương cùng tập thể Chi bộ thôn đã nâng cao năng lực lãnh đạo, thực hiện hiệu quả công tác vận động nhân dân hiến đất bằng sự kiên trì, nhẫn nại” - Phó Chủ tịch UBND xã Lê Thế Hưng nhấn mạnh.
Ông Lương đến từng hộ thuyết phục, có những hộ ông phải cất công đi lại 3 - 4 lần. Ông vừa khéo léo giải thích để đồng bào hiểu, con đường là chủ trương “đúng ý Đảng, hợp lòng dân”, là “cú huých” trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Có hộ thì vợ đồng ý hiến đất, chồng thì chưa đồng ý; có hộ thì đòi đền bù; có hộ thì đồng ý hiến đất nhưng diện tích đất hiến phải hình vòng cung so với thiết kế của đường để không phải chặt cây lâu năm; lại có hộ ban đầu đồng ý nhưng sau lại thay đổi ý kiến... Với mỗi trường hợp, ông Lương đều lắng nghe dân nói, thể hiện thái độ tôn trọng dân, mềm mỏng, chân thành nên đều vận động thành công.
“Với tôi, để người cán bộ, đảng viên thật sự có uy tín, tín nhiệm và niềm tin bền chặt của nhân dân quan trọng nhất đó là tinh thần tự nguyện, tự giác, kiên quyết, kiên trì rèn luyện phấn đấu. Giữ chữ “tín” hơn giữ vàng vì khi mất tín là mất tất cả...”, ông Lương bộc bạch.