Đón rằm tháng Giêng an nhiên
Rằm tháng Giêng là một trong những ngày rằm được chờ đợi nhất trong năm. Bên cạnh lễ chùa cúng Phật, kính bái tổ tiên ông bà, người ta thường làm nhiều việc lành để cầu bình an cho năm mới. Từ khi du nhập vào nước ta, Tết Nguyên tiêu có tầm quan trọng về mặt tinh thần, tâm linh đối với người dân Việt Nam.
Hướng về chân thiện mỹ
Đã thành lệ, cứ đến Rằm tháng Giêng là người dân lại đến chùa cầu mong sự bình yên, an lành, sức khỏe, may mắn cho mình và mọi người trong gia đình. Dân gian có câu “Giỗ Tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”, hay trong Phật giáo có câu “Ăn chay niệm Phật cả năm, không bằng dự hội ngày rằm tháng Giêng”.
Rằm tháng Giêng còn gọi là Tết Nguyên tiêu, là ngày trăng tròn đầu tiên trong năm, lại trùng với lễ Thượng nguyên nên được xem là một trong những ngày rằm lớn trong năm, bao gồm: Rằm tháng 4 (Lễ Phật đản), rằm tháng 7 (Tết Trung nguyên, Lễ Vu lan), rằm tháng 10 (Lễ Hạ nguyên)… Rằm tháng Giêng, ngoài việc tổ chức các hoạt động văn hoá dân gian, ngâm thơ… thì trọng tâm vẫn là cúng bái gia tiên, thăm viếng chùa chiền, thể hiện văn hoá tín ngưỡng, cầu nguyện cho đất nước thanh bình, mọi người được hưởng một năm an lành, hạnh phúc.
Tùy theo tín ngưỡng và ngành nghề, có gia đình lễ bái chư Phật, có gia đình cúng thổ công, thần tài hoặc cúng âm hồn các đẳng... Nhưng không ai có thể quên bày mâm cỗ để cúng gia tiên, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ, cảm ơn trên đã phù hộ cho con cháu an lành, làm ăn khá giả.
Với mỗi người dân Việt Nam, việc đi lễ đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu. Cùng với đi lễ chùa, đền, đình… đầu năm, trong “tháng ăn chơi”, thì Tết Nguyên tiêu, ai ai cũng thành tâm kính lễ tại chùa, tại bàn thờ gia tiên. Việc này không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn, hướng con người tới giá trị của chân - thiện - mỹ.
Trong ngày rằm tháng Giêng, nhiều gia đình thường sẽ bày một mâm cúng để thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với Phật và ông bà tổ tiên, mong năm mới an lành. Tùy vào phong tục, tập quán của mỗi vùng miền mà sẽ có nhiều cách thể hiện mâm cỗ khác nhau, nhưng đều chung mục đích tỏ lòng thành kính của mình.
Gia đình theo đạo Phật sẽ cúng chay và ăn chay. Lễ vật dâng cúng thường dùng rau quả, trầu cau, chè xôi, các món đậu, canh xào… Với những vùng nông thôn, đồ lễ cũng chỉn chu, ngoài việc lễ chùa cầu an, thì việc sắm sửa đồ cúng gia tiên cũng được chuẩn bị chu đáo. Nhiều dòng họ tổ chức tế Tổ với quy mô lớn, tập trung đông đảo con cháu về dâng hương, dâng lễ bày tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà, tổ tiên. Đây cũng là dịp để các thế hệ trong dòng họ thể hiện tinh thần đoàn kết, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn và hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Ở nhiều nơi, nhiều người không theo đạo Phật thì ngày rằm cúng chè xôi và cúng mặn. Cỗ bàn mặn cũng gồm các món cơm canh tuy không thịnh soạn như ngày Tết Nguyên đán… Một nét văn hóa chung gặp nhau của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam của Lễ hội rằm tháng Giêng chính là dòng người từ già đến trẻ, đi lễ đầu xuân, lên chùa cầu an. Đây được xem là một phong tục đẹp, một nét sinh hoạt văn hoá của dân tộc Việt Nam.
Chưa thể thực hiện ngay một sớm một chiều
Việc đi lễ chùa, thờ cúng tổ tiên dịp rằm tháng Giêng là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu. Để nét văn hóa này trở thành bản sắc, mang đúng ý nghĩa, ngày 30-1-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024. Thực hiện công điện, nhiều đền, chùa đã nói “không” với dâng sao giải hạn, đốt vàng mã tràn lan, qua đó góp phần xây dựng nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường…
Công điện cũng nêu rõ việc hướng dẫn, vận động các tổ chức, cá nhân không đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn, gọi hồn, cúng vong, trục vong, cúng oan gia trái chủ, phản văn hóa, trục lợi tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; có các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở thờ tự, cơ sở tôn giáo.
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 11/CĐ-TTg về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn đề nghị các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không đốt vàng mã tràn lan, gây tốn kém, lãng phí, bảo đảm an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương đã sớm có văn bản đề nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng chỉ đạo tổ chức lễ hội an toàn, văn minh, đúng quy định, trong đó kiên quyết không tổ chức các lễ hội có hành vi phản cảm, các nghi lễ có tính bạo lực, mê tín dị đoan, không cấp phép tổ chức lễ hội có mục đích thương mại, trục lợi.
Thực hiện Công điện trên, các địa phương thuộc thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành… đã có văn bản yêu cầu các cơ sở thờ tự thực hiện nghiêm nội dung này. Thay vì cúng dâng sao giải hạn đầu năm, đốt hình nhân thế mạng, năm nay nhiều đền, chùa ở thành phố Hà Nội thay đổi bằng hình thức cầu an. Như tại chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhà chùa thông báo chỉ làm lễ cầu an, cầu tài lộc đầu năm. Nhiều người dân hỏi về hình thức cúng dâng sao giải hạn bằng hình nhân thế mạng thì đều nhận được câu trả lời là nhà chùa không thực hiện nghi thức này.
Tuy nhiên, bên cạnh những đền, chùa nói không với dâng sao giải hạn, thì tình trạng đốt vàng mã tràn lan, dâng sao giải hạn vẫn xảy ra hiện tượng trên tại một số cơ sở… Nhiều nhà nghiên cứu, thậm chí là các vị chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng đây là hành động mê tín, không đúng với giáo lý nhà Phật.
Với những cơ sở này, cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và không đốt vàng mã tràn lan, không làm biến tướng hành vi chuẩn mực trong ngày rằm tháng Giêng gây lãng phí tiền của và ô nhiễm môi trường. Bởi theo lý giải của nhiều người, đối với tập tục lâu đời là đốt vàng mã, việc đẩy lùi, loại bỏ không thể thực hiện trong một sớm một chiều. Cũng không thể sử dụng các biện pháp hành chính, cấm đoán cứng nhắc để yêu cầu người dân không được đốt vàng mã.