Hội Lim - Lễ hội đặc sắc của người Quan họ
Đến hẹn lại lên, những ngày đầu xuân lễ hội vùng Lim (Tiên Du, Bắc Ninh) lại mở để du khách dập dìu trảy hội. Về với hội Lim mọi người sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc, thưởng thức những làn điệu dân ca Quan họ đằm thắm, mượt mà để rồi thêm yêu văn hóa, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc.
Lễ hội vùng Lim năm 2024 diễn ra trong 2 ngày 21 và 22-2 (tức ngày 12, 13 tháng Giêng) tại 3 xã thuộc tổng Nội Duệ xưa, nay là thị trấn Lim, xã Nội Duệ và xã Liên Bão. Trong đó, trung tâm lễ hội là núi Hồng Vân (núi Lim).
Ngay từ những ngày sau Tết, các thành viên CLB Quan họ thôn Lũng Giang, thị trấn Lim (Tiên Du) đã háo hức nhận nhiệm vụ phục vụ lễ hội Lim theo sự phân công của Ban tổ chức. Nghệ nhân Quan họ Nguyễn Hữu Viêm, Chủ nhiệm CLB Quan họ thôn Lũng Giang cho biết: “CLB có 64 thành viên, sẽ biểu diễn Quan họ tại Trung tâm văn hóa đình Lim và trên thuyền rồng từ chiều ngày 12 tháng Giêng; hát canh đêm 12 tháng Giêng tại nhà chứa số 1, số 2 và hát tại gia đình các nghệ nhân: Đỗ Văn Chiến, Nguyễn Thị Nhung, Nguyễn Hữu Biển và Nguyễn Thị Đối. Sau mỗi năm, kỹ năng, vốn liếng của các thành viên CLB dồi dào hơn, chất giọng thêm “vang, rền, nền, nảy”, vì vậy sẽ thỏa lòng những người yêu, say Quan họ và du khách thập phương. Theo tôi được biết thì ngoài các điểm hát canh ở Lũng Giang, ở các làng trong khu vực cũng tổ chức hát canh như ở thôn Lũng Sơn có 2 điểm, thôn Duệ Đông có 3 điểm...”.
“Ba năm hai cái hội chùa/ Nào ai có lỡ bỏ bùa cho ai/ Già già, trẻ trẻ, gái trai/Đua nhau ăn mặc, hán hài đi xem/Hội Lim ai thấy chẳng thèm…”, vùng đất Bắc Ninh-Kinh Bắc được ví như xứ sở của lễ hội khi có hơn 500 lễ hội truyền thống. Hầu như làng, xã nào trên vùng đất tỉnh Bắc Ninh cũng có lễ hội. Lễ hội diễn ra khắp các mùa trong năm trong đó tập trung nhiều nhất vào mùa xuân. Hội Lim được coi là lễ hội tiêu biểu, hội đủ những sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của Bắc Ninh, trở thành niềm tự hào của người Quan họ. Nhiều tài liệu ghi lại rằng, lễ hội vùng Lim xưa là lễ hội tế thần, hát xướng của các làng xã, các xã vào dịp Rằm tháng Tám.
Người có công lớn trong việc cách tân lễ hội là tướng công Nguyễn Đình Diễn và Bồ đề ni-tục gọi là mụ Ả, đã chuyển từ lễ hội cầu phúc hàng Tổng vào Rằm tháng Tám sang hội chùa, hội chạ vào đầu xuân - 13 tháng Giêng. Trải bao thăng trầm lịch sử, lễ hội vùng Lim vẫn được quan tâm tổ chức để thỏa lòng du khách thập phương du xuân, trảy hội mỗi dịp đầu xuân.
Lễ hội vùng Lim xuân Giáp Thìn 2024 được tổ chức theo nghi thức truyền thống gồm phần lễ và phần hội. Từ ngày 12 tháng Giêng diễn ra nhiều hoạt động tế, lễ, dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Tướng công Nguyễn Đình Diễn trên đồi Lim. Trong ngày chính hội 13 tháng Giêng diễn ra các hoạt động rước sắc từ đình làng Lộ Bao sang đình làng Đình Cả và tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền chùa ở các làng thuộc xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim. Song song với phần lễ, phần hội diễn ra tại trung tâm đồi Lim, khu vực Hồ điều hòa Vân Tương và các khu vực với phong phú hoạt động, trò chơi dân gian truyền thống mang đậm bản sắc như: Đu tiên, cờ người, tổ tôm điếm, trình diễn thư pháp, hội thơ, đấu vật, bịt mắt bắt dê, đập niêu, múa rồng, múa lân cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực… Tối 12 tháng Giêng diễn ra chương trình nghệ thuật tại sân khấu chính trên đồi Lim và bắn pháo hoa. Nhưng ở hội Lim đặc sắc hơn cả là hát Quan họ. Về với hội Lim là về với cả không gian sinh hoạt văn hóa Quan họ đặc sắc, tiêu biểu nhất, kéo dài thâu đêm suốt sáng, từ hát đối đáp, hát canh, biểu diễn trên sân khấu, hát trên thuyền, hát ở cửa đình, chùa, tại các lán Quan họ, gia đình nghệ nhân…
Bà Nguyễn Thị Hào, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, Trưởng Ban Chỉ đạo lễ hội vùng Lim xuân Giáp Thìn năm 2024 cho biết: Lễ hội nhằm phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giới thiệu, quảng bá hình ảnh Tiên Du đến với du khách trong và ngoài nước; khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của quê hương Bắc Ninh-Kinh Bắc; thể hiện lòng thành kính, biết ơn những danh nhân lịch sử văn hóa và anh hùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước; tạo không khí thi đua sôi nổi trong nhân dân quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, bởi vậy, huyện rất chú trọng công tác chuẩn bị và tổ chức lễ hội. Huyện thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức lễ hội, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ các ngành, các cấp chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, xây dựng các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường… Ban tổ chức chú trọng công tác tuyên truyền nhân dân và du khách tham gia lễ hội thực hiện tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội theo Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL ngày 3-8-2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... để lễ hội diễn ra vui tươi, ý nghĩa, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.