Văn hóa

Lưu giữ làn điệu “ngọc quý” dân tộc Tày

Thùy Dương 22/02/2024 - 08:07

Lượn Cọi của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn có từ lâu đời và trở thành nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết. Đến nay, Lượn Cọi đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia và đang được huyện Pác Nặm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với hoạt động du lịch của địa phương.

Lớn lên từ lao động sản xuất

Là một nét văn hóa có từ lâu đời, mang đặc trưng riêng, các làn điệu Lượn Cọi được tạo ra hoàn toàn bằng giọng hát, khả năng ngân nga uyển chuyển, mượt mà. Đó cũng là thử thách mà mỗi người hát Lượn Cọi phải chinh phục để thành thục biểu diễn các làn điệu này. Lượn Cọi là thể loại dân ca được hình thành từ rất lâu đời, bắt nguồn từ cuộc sống lao động, được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ nối tiếp.

luon-co9.jpg
Truyền dạy Lượn Cọi cho thế hệ trẻ.

Lớn lên từ những làn điệu mềm mại, mượt mà của Lượn Cọi, những làn điệu du dương này đã ngấm vào thẳm sâu trong tâm hồn người con Bắc Kạn. Dưới sự chỉ dạy của các thế hệ nghệ nhân đi trước, thế hệ trẻ Pác Nặm hôm nay luôn ý thức về việc phải gìn giữ và bảo tồn đặc sắc văn hóa của dân tộc mình. Còn những người cao tuổi luôn tìm cách truyền dạy cho thế hệ trẻ trên địa bàn huyện theo phương thức truyền khẩu. Một số nghệ nhân tự mày mò, sưu tầm và sáng tác nhiều bài Lượn Cọi mới để phù hợp với nội dung, chủ đề hoặc trong các hội thi, hội diễn văn nghệ tại địa phương… Đa dạng hóa nội dung, hình thức truyền đạt, nên những làn điệu Lượn Cọi luôn có chỗ đứng, vị trí trong mọi tầng lớp nhân dân.

Nội dung của những giai điệu Lượn Cọi luôn ẩn chứa về lịch sử, hay tín ngưỡng, là bản sắc văn hóa của đồng bào Tày ở Bắc Kạn, “dìu” người hát, người nghe say sưa với những làn điệu trữ tình, sâu lắng. Giữa trập trùng đồi núi của Pác Nặm, những làn điệu Lượn Cọi ngân nga trong sự hòa giọng của các nghệ nhân ấp ủ bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Để thể hiện một bài Lượn Cọi, có thể “trình diễn” nhiều cách khác nhau. Có người vào phách nhẹ trước, có người vào phách mạnh trước. Nếu vào phách nhẹ trước thể hiện sự tinh tế, luyến láy hơn và ngược lại, cách hát vào phách mạnh trước lại giúp cho người hát khoe được giọng và hơi của mình. Khi đã vào cuộc hát thường diễn ra theo trình tự: Ban đầu hát những câu mang tính mở đầu, chào hỏi, có nội dung ca ngợi cảnh vật, mô tả cảnh bản làng thanh bình, ngưỡng mộ cánh đồng bát ngát, lúa ngô xanh tốt. Đồng thời, xin phép già bản, cảm ơn chủ nhà vì đã tiếp đãi, tạo điều kiện… sau đó cuộc hát mới chính thức bắt đầu.

“Ơi…la…ơi…là…ơi…la…

Tiếng lượn cọi quê em sinh ra từ núi rừng, sinh ra từ con suối, tiếng lượn cọi thiết tha ngân vang ngân xa mãi… Nỗi nhớ thương.

Là lời quê hương là lời tình yêu câu lượn cọi gửi vào lòng người đi xa, ơi la… ơi tiếng lượn cọi quê em ớ ơ… chắt chiu từ cuộc đời tiếng của ngàn đời ông bà trao cho, tiếng lượn cọi này vang mãi vang mãi với bản làng quê em”…

Những giai điệu của Lượn Cọi có thể hát trong nhiều nơi, bầy tỏ nhiều cung bậc tình cảm. Lượn Cọi dùng trong hội xuân, ngoài bìa rừng, ven suối, giữa hai người hay nhóm người. Có khi, Lượn Cọi được dùng trong nhà, thường ngồi quây quần bên bếp lửa những ngày mùa đông, tiết trời lạnh giá, có thể hai hay nhiều người cùng lượn, có người thổi sáo đệm. Tiếng nhạc, lời hát vang vọng trong đêm khuya tĩnh mịch khiến cho người nghe nao lòng, say đắm, bâng khuâng cảm xúc theo nhiều cung bậc khác nhau...

Ẩn chứa trong mỗi câu từ, làn điệu lượn cọi là lịch sử, là tín ngưỡng, là bản sắc văn hóa của đồng bào Tày ở Bắc Kạn, “dìu” người hát, người nghe say sưa với những làn điệu trữ tình, sâu lắng. Giữa trập trùng đồi núi của Pác Nặm, những làn điệu lượn cọi ngân nga trong sự hòa giọng của các nghệ nhân ấp ủ bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình cùng các bạn trẻ khao khát phát huy và đưa di sản của quê hương tới mọi miền tổ quốc.

Một phần không thể thiếu của Lượn Cọi là dùng chúc phúc uyên ương. Sự có mặt của Lượn Cọi trong dịp này để chúc mừng hạnh phúc cho cặp uyên ương, bằng nhiều hình thức, chủ đề khác nhau, chủ yếu để chúc gia chủ, họ hàng đôi bên mạnh khỏe, hoặc cảm ơn nhờ có được ngày lành tháng tốt nên mới có dịp đến chúc mừng… Với nhiều người, lượn giao duyên vẫn là chủ đề hấp dẫn nhất với lời thơ hay chứa đựng nhiều những lời hẹn ước, thề thốt tràn ngập niềm tin hy vọng của tuổi trẻ khao khát tình yêu. Đây là những lời lượn mang tính ngẫu hứng cao, đối đáp tự do theo lối ứng khẩu, tùy theo tình cảnh mà có những lời lẽ thích hợp. Cuộc lượn dài tới hàng trăm câu, các bên cứ thế đối đáp có khi thâu đêm suốt sáng mà vẫn không hết lời hát.

Bảo tồn điệu hát dân gian

Lượn Cọi không chỉ là phong tục, tập quán mang đậm bản sắc dân tộc, những câu hát lượn ngọt ngào, thắm đượm tình quê hương, nguồn cội còn mang tính giáo dục cao, là những bài học, lời răn dạy được truyền từ đời này qua đời khác, nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ người Tày tại đây lớn lên. Cho đến nay, các làn điệu Lượn cọi truyền thống vẫn đang được cộng đồng dân tộc Tày ở Pác Nặm lưu giữ và thực hành một cách tự nhiên, như một nhu cầu thiết yếu trong đời sống của họ.

2b6.jpg
Bà Hoàng Thị Mỵ ở thôn Khuổi Lè, xã Giáo Hiệu truyền dạy Lượn Cọi cho lớp trẻ ở thôn.

Bằng những giá trị to lớn, Lượn Cọi được đưa vào “Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Điều này thêm một lần nữa khẳng định Lượn Cọi là một bộ phận quan trọng trong kho tàng văn học nghệ thuật dân gian, là nét đẹp văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Tày nói chung, của đồng bào dân tộc Tày ở Pác Nặm nói riêng.

Trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lượn Cọi không chỉ là niềm vinh dự, tự hào mà còn là trách nhiệm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản với chính quyền, nhân dân Pác Nậm. Lượn Cọi đã trở thành một nét tự hào, là lời mời chào hiếu khách đầy trân quý, mang hơi thở riêng của núi rừng và con người nơi đây. Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lượn Cọi đúng với ý nghĩa, bản sắc tốt đẹp, đặc sắc vốn có, huyện Pác Nặm sẽ đưa vào chương trình phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Lượn Cọi ngày nay một thành tố quan trọng trong tổng thể âm nhạc dân gian người Tày ở Pác Nặm. Ngôn ngữ của Lượn Cọi mang tính biểu cảm, giữ một vị trí quan trọng và rất phổ biến trong đời sống tinh thần, chủ yếu ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi bản làng, mùa màng tươi tốt bội thu, về tình cảm con người và hơn cả là một nét đẹp đáng quý trong kho tàng nét đẹp của dân tộc Việt Nam.

Thùy Dương