Đặc sắc Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh
Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức rộng khắp vùng xứ Đoài Ba Vì, trong đó tập trung tại cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ (xã Minh Quang, huyện Ba Vì).
Trầm tích nhiều giá trị văn hóa
Tập quán thờ Tản Viên Sơn Thánh tưởng nhớ tới người anh hùng văn hóa, vị thánh đứng đầu trong "Tứ bất tử" của người Việt. Theo GS. Trần Quốc Vượng: "Ở Ba Vì, núi trở nên thiêng là nhờ thần Núi Sơn Tinh - Thánh Tản. Và vị thần Núi này trở nên bất tử là do có bệ đỡ của tảng nền văn hóa - tâm linh của người Việt cổ trong cộng đồng Việt Mường chung".
Tản Viên Sơn Thánh tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai. Thánh Tản Viên là vị thánh đầu tiên được nhắc đến trong tâm thức dân gian của người Việt, là vị thánh biểu đạt cho khả năng sáng tạo to lớn của dân tộc Việt Nam trong chiến đấu chống thiên tai, lũ lụt để bảo vệ mùa màng và cuộc sống cho nhân dân. Tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh khẳng định và tiếp nối việc bảo tồn, phát huy vai trò của Tản Viên Sơn Thánh được hình thành vào thời kỳ đầu của nền văn hóa và văn minh của người Việt; Góp phần khẳng định về sự tồn tại của thời đại Hùng Vương, nhà nước đầu tiên trong tâm thức của người Việt.
Tản Viên Sơn Thánh với tư cách là vị Sơn Thần được thờ phụng ở hầu khắp mọi nơi, cả ở miền núi và đồng bằng. Việc phụng thờ Tản Viên Sơn Thánh ở Hà Nội và một số tỉnh như: Thanh Hóa, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... Song khu vực quanh núi Ba Vì là nơi phát tích, nơi thiêng liêng nhất và là trung tâm việc thờ phụng Tản Viên Sơn Thánh. Nơi đây có số lượng đình, đền rất lớn, dày đặc so với việc thờ các vị nhân thần, thiên thần khác nên người xưa vẫn coi Núi Ba Vì và quanh núi Ba Vì là chính để coi những nơi khác là thờ vọng.
Theo thống kê, huyện Ba Vì là nơi có số lượng di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh lớn nhất với 100 di tích, khẳng định tục thờ Tản Viên Sơn Thánh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây.
Đặc sắc lễ hội Tản viên Sơn Thánh 2024
Theo truyền thống, Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh được tổ chức rộng khắp xứ Đoài, trong đó tập trung tại Cụm di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ thuộc địa phận xã Minh Quang (huyện Ba Vì). Phần lễ sẽ diễn ra từ đêm 13 tháng Giêng với lễ rước nước từ sông Đà về làm lễ mộc dục tại đền Hạ. Trong nghi lễ này, Ban Tổ chức sẽ lựa chọn đôi thiện nam - thiện nữ tài sắc vẹn toàn, nhân thân tốt. Đi theo tháp tùng là lãnh đạo địa phương, chủ nhang đền Hạ và nhân dân cùng khách du lịch bốn phương. Đoàn người sẽ lên thuyền ra giữa dòng sông Đà trong đêm để lấy nước, mang về bao sái các đồ thờ tự tại đền Hạ.
Sau lễ rước nước là lễ rước kiệu dâng Thánh Mẫu và phụ thân Thánh Tản (từ đền Hạ sang đền Lăng Sương) và rước kiệu lễ, hạ lộc từ đền Lăng Sương về đền Hạ từ 5h30 - 8h30 ngày 14 tháng Giêng. Sau khi làm lễ tại đền Lăng Sương, kiệu được rước trở về đền Hạ, xã Minh Quang. Phần lễ chính khai hội diễn ra với chương trình nghệ thuật trình diễn trống hội...
Phó Trưởng ban QLDT - Thủ nhang đền Trung đền Hạ Võ Tùng Lâm cho biết, năm nay, phần rước nước sẽ tổ chức ngắn gọn hơn, chỉ trên địa bàn huyện, không tổ chức liên vùng với huyện Thanh Thủy, Phú Thọ như năm trước, nhưng vẫn bảo đảm các nghi thức truyền thống. Phần hội sẽ gồm nhiều hoạt động phong phú, mang bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc Kinh, Dao, Mường của huyện Ba Vì như: thi bắn nỏ, cờ tướng, bóng chuyền nam, ném còn...
Trong ngày khai mạc Lễ hội Tản Viên Sơn Thánh, UBND huyện Ba Vì sẽ tổ chức khai mạc mùa du lịch Ba Vì 2024 nhằm giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch của huyện như: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch nông nghiệp, nông thôn và cộng đồng.
Dưới đây là một số hình ảnh về Đền Tản Viên Sơn Thánh: