Xã hội

Riêng biệt Hội An

Tiến Thành 21/02/2024 - 18:37

Theo công bố của nền tảng du lịch trực tuyến TripAdvisor, bảng xếp hạng “Điểm đến tuyệt vời nhất cho tuần trăng mật 2024” đã chứng kiến cú bật ngoạn mục của phố cổ di sản Hội An khi đứng ở vị trí thứ hai, chỉ xếp sau Bali của Indonesia và đứng trên Maldives một bậc.

Vẻ đẹp trầm mặc pha lẫn hiện đại

Bảng xếp hạng do TripAdvisor tổ chức bình chọn, bao gồm 25 điểm đến được chọn lọc từ khắp nơi trên thế giới dựa trên các ý kiến đánh giá của du khách trong suốt 12 tháng qua. Đây là những nơi có cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch phù hợp cho mọi du khách. Ngoài ra, Hội An còn tiếp tục “làm mưa làm gió” khi đạt vị trí thứ mười trên bảng xếp hạng “Điểm đến hàng đầu thế giới 2024”, cũng do TripAdvisor bình chọn.

1708330874-nh-minh-h-a-2-.jpg
Chùa Cầu - Đặc trưng của phố cổ Hội An. Ảnh: Nikada.

Năm 1999, đô thị cổ Hội An được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đến nay, sau 25 năm, chính quyền và người dân phố Hội vẫn luôn nỗ lực bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản để xây dựng thương hiệu của thành phố văn hóa du lịch và sinh thái. Hội An được xem là điển hình trong việc bảo tồn tốt kiến trúc cổ.
Từng là một thương cảng sầm uất trong giai đoạn từ thế kỉ 15-19, Hội An hôm nay vẫn giữ gìn gần như nguyên vẹn nét đẹp trầm mặc rêu phong trong từng mái ngói, viên gạch, hàng cây... cũng như sự bình dị, chân chất trong nếp sống của người địa phương.

Christoforo Borri, một nhà truyền giáo dòng Tên quê xứ Milan nước Ý đã cập cảng Hội An năm 1618 và ghi chép trong cuốn “Xứ Đàng Trong năm 1621”: “Chúa Nguyễn đã cho phép người Trung Quốc và Nhật Bản làm nhà cửa theo tỷ lệ với số người của họ để dựng lên một đô thị. Đô thị này gọi là Faifo và nó khá lớn. Chúng ta có thể nói có hai thành phố, một của Trung Quốc, một của Nhật Bản. Họ sống riêng biệt, đặt quan cai trị riêng và theo phong tục tập quán của mỗi nước”. Đó là kết quả của chính sách mở mà chúa Nguyễn đã áp dụng tại cảng thị Hội An. Quá khứ ấy đã tạo nên một Hội An - vùng đất của hội nhập, giao thoa và tiếp biến văn hóa vô cùng độc đáo ở một đất nước từng trải qua chiều dài lịch sử theo chế độ phong kiến với chính sách “bế quan tỏa cảng” đặc trưng.

Đó là kết quả của chính sách mở mà chúa Nguyễn đã áp dụng tại cảng thị Hội An. Quá khứ ấy đã tạo nên một Hội An - vùng đất của hội nhập, giao thoa và tiếp biến văn hóa vô cùng độc đáo ở một đất nước từng trải qua chiều dài lịch sử theo chế độ phong kiến với chính sách “bế quan tỏa cảng” đặc trưng.

Hình ảnh Hội An hôm nay vẫn lưu dấu rõ nét về một thời gặp gỡ của các nền văn hóa Đông-Tây. Có thể thấy ở đô thị này hôm nay còn lưu dấu bóng hình của người Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan, Trung Hoa, Nhật Bản... qua sự hiện diện của các công trình kiến trúc, những sắc màu văn hóa, những làng nghề và cả sự ảnh hưởng trong phép xử thế và lối sống cư dân.

Độc đáo cách làm du lịch

Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, dịp Tết Giáp Thìn vừa qua, tổng lượng khách tham quan và lưu trú tại thành phố Hội An khoảng 300 nghìn lượt, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023. Khách du lịch lưu trú đạt 45 nghìn lượt, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt 37 nghìn lượt, công suất sử dụng phòng ước đạt từ 60 đến 65%.

Năm 2023, ngành du lịch - dịch vụ - thương mại tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong phục hồi kinh tế của thành phố Hội An, chiếm tỷ trọng gần 64% trong tổng cơ cấu kinh tế thành phố. Khách tham quan du lịch ước đạt 4 triệu lượt, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế ước đạt 3 triệu lượt. Doanh thu toàn ngành du lịch ước đạt gần 4.140 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2022.

qc-hoi-an-2.jpg
Thành phố Hội An trở thành điểm đến quen thuộc của du khách trong ngày đầu năm mới 2024.

Dấu ấn nổi bật trong năm 2023 là việc thành phố Hội An chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian, qua đó tạo lập vị thế và thương hiệu mới cho thành phố. Năm 2024, du lịch Thành phố tiếp tục kỳ vọng bứt phá. Thành phố Hội An nỗ lực để trở thành điểm đến chất lượng cao theo hướng du lịch xanh, dựa trên nền tảng bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, bồi đắp tài nguyên thiên nhiên, nỗ lực bảo vệ môi trường…

Để trở thành địa điểm yêu mến với du khách, TP Hội An đã tổ chức nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc trên khắp địa bàn thành phố, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống và đề cao tính sáng tạo, đổi mới của người địa phương nên đã thu hút rất đông du khách trong và nước đến với vùng đất này.
Cụ thể, trong dịp Tết Giáp Thìn, Thành phố còn có nhiều hoạt động hấp dẫn để phục vụ người dân và du khách nước ngoài như: Hội Hoa xuân, Giao lưu âm nhạc đường phố, Trò chơi dân gian bài chòi, Hội báo Xuân, Hội Tết trồng cây, các giải đấu thể thao và trò chơi diễn ra sôi nổi trên khắp địa bàn thành phố hứa hẹn sẽ mang đến sắc xuân rực rỡ, không khí vui tươi trong năm mới…

Cùng với đó Hội An đã tổ chức nhiều hoạt động như: Lễ cúng Cầu Bông tại Làng rau Trà Quế vào Mùng 7 Tết; Lễ tế Tiền hiền và Ngày hội Làng nghề truyền thống mộc Kim Bồng vào ngày 21/2, Ngày hội Bắp nếp Cẩm Nam vào ngày 16 - 17/3; Cây Nêu ngày Tết, Góc sáng tạo và Không gian sắp đặt nghệ thuật, trình nghề thủ công… Cạnh đó, hoạt động “Đua ghe đầu năm” diễn ra từ 13 giờ, ngày 21/2 tại khu vực sông Thu Bồn đã và sẽ mang đến không khí rộn ràng, sôi nổi.

Điểm nhấn tại Hội An, vào ngày 14 âm lịch hằng tháng, Hội An càng thêm lung linh và đầy lãng mạn trong ánh sáng của những chiếc đèn lồng đủ màu sắc. Ngoài ra, du khách cũng có thể tranh thủ dịp này ghé vào những cửa hàng Việt phục để may đo cho mình một bộ áo dài truyền thống từ những thợ may lành nghề. Đây là một trải nghiệm đáng nhớ nên “thưởng thức” trong hành trình về với phố Hội.

Với Hội An, du khách không chỉ là người ghé qua mà là ân nhân, khách luôn được đón tiếp bằng tất cả tấm lòng chứ không theo kiểu “ăn xổi, ở thì”, để rồi đi là nhớ, là muốn lại được hội ngộ... Đó là những cơ sở để phát triển ngành dịch vụ du lịch mang đậm bản sắc văn hóa địa phương của Hội An.

Tiến Thành