Văn hóa

Xóa bỏ định kiến phim Nhà nước

Ngọc Diễm 21/02/2024 - 15:50

“Đào, phở và piano” là một trong 2 phim được nhà nước đầu tư kinh phí sản xuất và thí điểm chiếu rạp trong dịp Tết Giáp Thìn. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày gần đây, bộ phim bất ngờ gây sốt và được khán giả ủng hộ nhiệt tình. Làn sóng “đói” phim được coi là một hiện tượng chưa từng xảy ra, đồng thời là tín hiệu vui cho phim điện ảnh Nhà nước đặt hàng.

Bước ngoặt bất ngờ

“Đào, Phở và Piano” do đạo diễn Phi Tiến Sơn thực hiện, với sự tham gia của các diễn viên Doãn Quốc Đam, Thùy Linh, NSND Trung Hiếu, NSƯT Trần Lực, Anh Tuấn, Thiện Hùng, ca sĩ Tuấn Hưng… Phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng, Công ty cổ phần Phim truyện 1 thực hiện với kinh phí khoảng 20 tỷ đồng.

4_44.jpg
Bối cảnh trong phim “Đào, Phở và Piano”.

Phim xoay quanh câu chuyện tình yêu của một cặp đôi trẻ, trước cuộc chiến bảo vệ Thủ đô mùa đông năm 1946. Với chủ đề lãng mạn và hào hùng, phim đề cập đến cốt cách người Hà Nội, đẹp và hết mình mặc dù trước mặt là cuộc chiến đầy khốc liệt. Hai nhân vật chính của phim là chàng lính tự vệ trẻ và cô tiểu thư Hà thành vượt qua muôn vàn gian khó, hiểm nguy để tìm lại nhau vào ngày cuối cùng của cuộc chiến, ngày 17/2/1947, khi quân ta di tản lên chiến khu, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Mối tình của họ nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của những người cuối cùng bám trụ, ở lại với Hà Nội: một cặp vợ chồng bán phở yêu nghề, ông họa sĩ già, chú bé đánh giày… Đoàn làm phim đã dựng một khu phố cổ dài gần 100m tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải, Phúc Yên (Vĩnh Phúc) để làm bối cảnh cho bộ phim.

“Đào, Phở và Piano” cùng với “Hồng Hà nữ sĩ” và 6 phim hoạt hình khác là những phim đầu tiên trong dự án thí điểm khai thác chiếu rạp thương mại đối với phim nhà nước đầu tư kinh phí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Phim khởi chiếu từ ngày mồng 1 Tết (tức 10/2), với hình thức bán vé duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia.

Trong khi bộ phim “Mai” của Trấn Thành đang có sức hút vô cùng lớn với các suất chiếu gần như kín lịch các rạp, và phá vỡ kỷ lục về doanh thu, thì “Đào, Phở và Piano” bỗng nhiên thu hút sự chú ý của khán giả. Bộ phim chính thức được công chiếu từ ngày 10/2 (mùng 1 Tết Giáp Thìn) với 3 suất chiếu/ngày. Từ mùng 7 Tết, sau những bài review tích cực trên mạng xã hội về bộ phim, lượng khán giả kéo đến rạp tăng đột biến, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã liên tục tăng suất chiếu, từ 3 suất lên 5 suất, rồi 11 suất vào ngày 18/2, 15 suất vào ngày 19/2 và 18 suất vào ngày 20/2, gấp 6 lần thời điểm phim mới công chiếu nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của người xem, vì đây là cụm rạp duy nhất chiếu “Đào, phở và piano”.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều khán giả đã liên tục chia sẻ nhận xét, cảm nhận, bình luận về phim. Nhiều khán giả cho biết gần như không thể mua được vé xem “Đào, Phở và Piano” vì các rạp chiếu luôn trong tình trạng đầy khách. Toàn bộ vé xem phim đến hết ngày 20/2 đã được bán hết. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đã liên tục phải tăng suất chiếu cho “Đào, Phở và Piano”, ban đầu từ 3 suất lên 5 suất, và hiện nay là 11-15 suất chiếu mỗi ngày, tùy theo ngày thường hay cuối tuần.

Đào, phở và piano không được quảng bá rầm rộ như những bộ phim Việt khác phát hành cùng thời điểm. Phim không có fanpage, không có trailer, video hậu trường, phỏng vấn diễn viên... nhưng vẫn được khán giả đặc biệt chú ý và trở thành hiện tượng khi “cháy vé” liên tục. Trung tâm Chiếu phim Quốc gia phải tăng suất chiếu, từ 3 lên đến 18 suất/ngày.

Kỳ vọng đổi thay

Theo Cục Điện ảnh, bởi vì “Đào, phở và piano” là phim sản xuất sử dụng ngân sách Nhà nước, không vì mục đích thương mại nên chỉ được chiếu duy nhất tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia - đơn vị phát hành phim của Nhà nước và 100% doanh thu chiếu phim phải nộp vào ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, trước cơn sốt vé của “Đào, phở và piano”, Cục Điện ảnh đã có đề xuất phát hành bộ phim này trên toàn quốc.

untitled3568457046875-9785987-45i75i7-i7.png
Poster phim "Đào, phở và piano".

Từ bộ phim “Đào, phở và piano” với lượng thu hút khán giả khổng lồ, dù chỉ chiếu một rạp duy nhất, có thể thấy đây không chỉ là hiện tượng lạ với điện ảnh Việt, nhất là đối với các phim lịch sử, mà còn được kỳ vọng sẽ là cú hích để tháo gỡ những nút thắt cho các tác phẩm điện ảnh do nhà nước đặt hàng lâu nay. Nhiều người thở phào khi tưởng chừng phim chịu chung số phận của rất nhiều phim đặt hàng khác: sản xuất, nghiệm thu, chiếu ra mắt, dự liên hoan, đạt giải thưởng và… cất kho.

Để tháo gỡ khó khăn cho phim Nhà nước, theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Đào, Phở và Piano hay Hồng Hà nữ sĩ đều là phim được Nhà nước cấp hoàn toàn kinh phí sản xuất, nhưng lại chưa có kinh phí phát hành. Vì thế, để có thể phát hành phim ở ngoài hệ thống rạp tư nhân trên toàn quốc, cũng cần phải có thêm quy định về tỷ lệ % cho đơn vị phát hành.

Việc được khán giả đón nhận nhiệt tình càng thể hiện điện ảnh Việt đã đi đúng hướng trong việc tiếp cận được khán giả và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, góp phần tích cực vào Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam. Có thể nói, việc phim “Đào, phở và piano” cháy vé là nguồn động viên lớn đối với ê kíp làm phim và các nghệ sỹ, bởi lâu nay, phim Nhà nước đặt hàng chiếu rạp bán vé đã hiếm, phim trụ lại và được khán giả yêu thích và tạo thành “cơn sốt như “Đào, phở và piano” lần này là càng hiếm hoi.

“Đào, phở và piano” là một trong hai phim Nhà nước nằm trong kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 6/2/2024. Việc đưa hai bộ phim sử dụng ngân sách Nhà nước ra rạp trong dịp Tết Nguyên đán là một “phép thử” và ban đầu cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh cũng không tránh khỏi những lo lắng. Tuy nhiên, những tín hiệu khả quan này đã cho thấy đề án thí điểm, rộng đường cho phim Nhà nước đến với công chúng là hoàn toàn đúng đắn. Năm 2023 được coi là năm có sự khởi sắc của điện ảnh Việt khi nhiều phim Việt Nam ra rạp và nhận được sự quan tâm của công chúng, một số phim còn tạo nên những cơn sốt phòng vé, liên tục phá vỡ kỷ lục về doanh thu, vượt qua nhiều phim bom tấn của nước ngoài. Năm 2024 tiếp tục những tín hiệu đầy lạc quan của phim Việt, với “Đào, Phở và Piano” là một trong những điểm sáng ấn tượng. Qua “Đào, phở và piano” có thể khẳng định, phim hay, kịch bản tốt thì sẽ có khán giả. Những thay đổi trong cách làm phim hy vọng có thể tạo một bước ngoặt trong làng phim Việt sắp tới.

Ngọc Diễm