Người giáo dân thổi hồn vào những con rối điện
Ông Hồ Văn Thân bén duyên với con rối từ khi còn bé. Hơn 30 năm qua, mặc dù trải qua không ít thăng trầm, những khó khăn và thử thách, thế nhưng ngọn lửa đam mê trong ông không lúc nào ngừng cháy, để ngày ngày thổi hồn vào những con rối, lưu giữ những nét đẹp văn hóa dân gian.
Độc diễn những con rối
Chúng tôi đến thăm ông Hồ Văn Thân ở xóm đạo Xuân An, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) vào một ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024. Trước khoảng sân nhỏ trước nhà bày la liệt những con rối với đủ hình thù, màu sắc. Cầm trên tay con rối hình cô gái quan họ Bắc Ninh, ông Thân phấn khởi khoe: “Con rối này trông nhỏ nhắn vậy thôi nhưng tôi phải mất đến 2 ngày mới làm xong, cũng kì công lắm, từ gọt tạo hình người cho đến làm tóc, làm nón, rồi may trang phục. Năm mới nên tôi rất thích dựng tiết mục về các làn điệu dân ca”.
Điểm độc đáo ở đây chính là dàn rối của ông không phải là rối nước hay rối khô điều khiển bằng tay mà là rối điện. Có lẽ khắp cả nước Việt Nam, ông Thân là người đầu tiên chế tác loại hình độc đáo này. Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề múa rối, ông Thân cho biết, sinh ra và lớn lên ở xóm đạo Xuân An, thuở bé ông thường được xem các đoàn múa rối về địa phương biểu diễn và đặc biệt yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Niềm đam mê ấy cứ lớn dần, khi thành thạo các ngón nghề điều khiển con rối, 15 tuổi ông được nhận vào đoàn múa rối nước Đồng Quê của địa phương. Hồi ấy, luyện tập rất khó khăn, đi biểu diễn, mỗi con rối do một người điều khiển, nhiều khi phối hợp không ăn ý. Về sau, do anh em đi làm mỗi người một nơi, nên đoàn rối tan rã.
Riêng ông, chẳng hiểu tại sao, vẫn luôn có niềm đam mê đặc biệt với những con rối. Hình ảnh những con rối biết nhảy múa đã in sâu vào tâm khảm của ông, thậm chí ngay cả trong giấc mơ, ông vẫn thấy mình đang điều khiển những con rối. Điều đó thôi thúc ông phải làm sao cho nó sống lại, hiện hữu trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, một mình ông thì không thể không thể điều khiển cùng một lúc nhiều chú rối như đoàn rối trước được. Ông nghĩ, chỉ có cách nối dây điện vào các con rối thì mới có thể cùng lúc khiến cả đoàn rối hoạt động theo ý mình được.
Nghĩ là làm, ông mày mò đục đẽo các khúc gỗ, cắt gọt các tấm xốp rồi sơn màu tạo hình các nhân vật theo trí tưởng tượng và các hình ảnh xem được trên tivi. Để dàn rối và những con rối hoạt động, ông Thân tìm mua mô tơ điện cũ, nhông xích từ cửa hàng đồng nát về rồi chế tác lại, dùng các vật liệu cũ để làm khung và các nhạc cụ.
Muốn điều khiển động tác nhanh- chậm khớp với nhạc, ông lại phải nghiên cứu cách đấu nối các loại nhông xích to- nhỏ khác nhau rất kì công. Sau nhiều tháng mất ăn mất ngủ, thất bại cũng không làm ông nản chí. Cuối cùng, năm 1992, ông đã thành công chế tạo ra dàn rối điện đầu tiên có từ 10 - 15 nhân vật tự động có thể nhảy múa theo điệu nhạc mà không cần người điều khiển. Tác phẩm đầu tiên dựng bằng dàn rối này được diễn trong sự hò reo, cổ vũ của bà con làng xóm. Nhớ lại lần diễn tác phẩm “Thập ân phụ mẫu”, thấy người phụ nữ ngồi gần dàn rối bật khóc, ông tò mò hỏi lí do. Bà bảo xem dàn rối, thấy sống động quá, bỗng dưng nghĩ đến cha, đến mẹ, nhớ đến sự khó nhọc của những năm tuổi thơ nên không kìm được nước mắt.
Cái khó nhất khi múa rối là phải làm sao để con rối phải sinh động, có hồn. Bởi từ xưa đến nay, nghệ thuật múa rối là nơi người dân gửi gắm tình yêu và phản ánh cuộc sống sinh động của con người. Với ông Thân, con rối không phải là vật vô tri vô giác, mà qua nó, người nghệ nhân thể hiện được muôn vàn câu chuyện. Chính vì vậy, đề tài của ông rất đa dạng, từ việc dựng lại các điển tích cũ, những câu chuyện dân gian cho đến các cách xay gạo, trồng lúa, các vở kịch trào phúng…đều được ông đưa lên sân khấu. Dàn rối của ông vô cùng đa dạng, từ hình ảnh những cô gái Thái với điệu múa xòe; chàng trai Mông thổi khèn ngày hội; cô gái Tây Nguyên đánh đàn T’rưng cho đến hình ảnh các chị, các mẹ xay lúa, đong gạo, nhảy sạp, hát then, người nông dân đi cày.
Nhờ cách độc diễn múa rối mà ông có thể biểu diễn trong nhiều không gian, ngoài trời, sân trường, lớp học tình thương... Dù không có âm nhạc, ánh sáng hỗ trợ, nhưng với những câu chuyện vui mang tính giáo dục nhẹ nhàng, mang hơi thở cuộc sống dân dã của các vùng quê đã thu hút đông đảo khán giả đến xem và cổ vũ.
Suốt hơn 30 năm làm nghề, ông Thân đã tạo ra hàng trăm con rối để phục vụ các vở diễn tại các lễ hội, chương trình của địa phương trong và ngoài thị xã. Mỗi con rối hoàn thiện đưa đi biểu diễn mất rất nhiều thời gian và công sức, chứa đựng tâm huyết của người nghệ nhân nông dân. Đã có nhiều bài báo viết về ông, ông cũng đã được vinh dự lên chương trình cà phê buổi sáng của VTV3. Dàn rối điện của ông không chỉ đem lại niềm vui cho bà con lối xóm, làm rộn rã cả một vùng đồng quê mà còn góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh của quê hương đến bạn bè muôn phương. Và cho đến hôm nay, ông Thân đã chế tạo được 15 dàn rối điện với hàng trăm nhân vật phục vụ cho khán giả ở các lứa tuổi khác nhau. Những tác phẩm nổi tiếng như: Đồng quê, Xay lúa, Tình ca Tây Bắc, Tình ca Tây Nguyên, Quan họ Bắc Ninh của ông Thân được khán giả nhiệt liệt đón nhận và nhiều đoàn múa rối trong nước đến tham quan. Đặc biệt là Bảo tàng Nghệ An đã mời ông đưa giàn rối đi biểu diễn trong Chương trình trải nghiệm “Múa rối điện” cho các em nhỏ, được cách anh, chị VTV3 mời làm chương trình phát sóng trên chương trình cà phê buổi sáng.
Trăn trở truyền dạy
Được nhiều người khen ngợi, được vinh dự đi biểu diễn ở nhiều nơi cùng dàn rối của mình, nhưng ông cũng trải lòng: Nghệ thuật múa rối điện là niềm đam mê, là việc làm ý nghĩa góp phần lưu giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc.
Điều khiến ông trăn trở nhất là chưa có người kế nghiệp, khi các con ông không theo nghề múa rối. Bởi nghề này không thể là một nghề để kiếm sống, mỗi ngày người nông dân ấy vẫn phải gắn bó với đồng ruộng, trồng lúa, nuôi tôm để mưu sinh.
Ở tuổi 65, ông Thân chỉ ao ước sẽ có người chung sở thích để có thể truyền lại những tâm huyết mà ông đã dành trọn cả cuộc đời mình để gắn bó.
Biết rằng gắn bó với nghệ thuật múa rối là đối mặt với những khó khăn, thử thách, thế nhưng cho đến tận bây giờ, ông Thân vẫn đang từng ngày thổi hồn cho những con rối và ý thức được việc gìn giữ, bảo vệ nét đẹp truyền thống của cha ông để lại.