Pháp luật

Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ điểm “nghẽn”, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hải Thanh 21/02/2024 - 07:00

Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm vừa qua với nhiều điểm mới, trong đó, điểm đáng chú ý là Luật đã thể chế được chủ trương của Đảng về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm đảm bảo ổn định đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tại khu vực biên giới, địa bàn kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, tổng kết Luật Đất đai 2013 cho thấy, việc thực hiện chính sách giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn hạn chế.

Nghị quyết 18-NQ/TW cũng chỉ rõ, “việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở một số nơi còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra”. Điều này đã phần nào ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số.

Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, đã đề ra mục tiêu giải quyết cơ bản tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.

Cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã dành riêng 1 điều (Điều 16) quy định Trách nhiệm của nhà nước về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

dantoc.jpg
Ảnh minh họa.

Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định rõ chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo cuộc sống. Đối với chính sách giao đất ở, đất sản xuất, Luật quy định rõ giao đất, cho thuê đất lần đầu và tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho đồng bào dân tộc thiểu số không còn đất hoặc thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức sau khi đã được giao đất, cho thuê đất lần đầu.

Cùng với đó, Luật cũng quy định rõ, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đất đai lần đầu cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phù hợp với phong tục tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng để bảo đảm ổn định cuộc sống. Theo đó, giao đất ở trong hạn mức và được miễn, giảm tiền sử dụng đất; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở trong hạn mức giao đất ở và được miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với đất có nguồn gốc được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận hoặc được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật; giao đất nông nghiệp trong hạn mức không thu tiền sử dụng đất; cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất kinh doanh và được miễn, giảm tiền thuê đất...

Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm: “Hành vi tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với quỹ đất mà đã xác định đó là quỹ đất phục vụ cho chính sách đồng bào dân tộc thiểu số mà giao không đúng đối tượng. Thứ hai là nghiêm cấm chuyển nhượng đất nếu đã được giao đất, cho thuê đất lần thứ hai. Thứ ba, nghiêm cấm các đối tượng không phải là người đồng bào dân tộc, không phải là đối tượng nhận chuyển nhượng đối với quỹ đất này mà lại nhận chuyển nhượng”.

Nếu như Luật Đất đai năm 2013 quy định chính sách đất đai đối với người dân tộc thiểu số như: có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp thì Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã quy định chi tiết hơn về các chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này cho thấy, Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện theo yêu cầu Nghị quyết 18-NQ/TW về chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thể hiện rõ trách nhiệm của Quốc hội trong ban hành chính sách luôn hướng đến quyền lợi của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, luôn vì mục đích “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Các chính sách được ban hành phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với nhu cầu của đồng bào, khi ấy chính sách ấy mới thực sự đi vào cuộc sống. Việc quy định rõ chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo cuộc sống trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ giải quyết được bài toán thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số khi Luật có hiệu lực thi hành. Đây sẽ là tiền đề để bảm bảo an ninh trật tự và giảm nghèo phải bền vững.

Hải Thanh