Một ngày ở lớp học xóa mù chữ
“Không mọc lên từ đất/Chẳng rơi xuống từ trời/Mà như bông hoa nhỏ/Được yêu thương suốt đời...” - giọng đọc to rõ ở lớp xóa mù chữ của bà con người dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer thuộc khóm Tân Đông (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) xóa đi phần nào cái nắng oi bức vì niềm vui được học chữ hiện rõ trên gương mặt từng học viên.
Nhiều tháng nay, lớp học xóa mù chữ dành cho đồng bào DTTS Khmer của khóm Tân Đông rộn rã hẳn nhờ tiếng “ê a“ đọc chữ của những học viên lớn tuổi. Ở tuổi làm bà, làm mẹ, họ mới bắt đầu làm quen với từng con chữ, song ai nấy đều nỗ lực vì ước mơ biết đọc, biết viết, mang chút kiến thức tiếp thu được dạy cho các cháu. Mỗi học viên là một hoàn cảnh, nhưng điểm chung mang họ đến lớp học là khát khao được... xóa mù chữ.
Còn với cô Nguyễn Thị Loan (sinh năm 1980, giáo viên Trường Tiểu học “B“ thị trấn Óc Eo), mỗi ngày được đứng trên lớp học đặc biệt này là một niềm vui. Lúc nào, trong chiếc túi của cô cũng mang theo bọc kẹo nhỏ. Cô nói, đó là phần thưởng dùng để khích lệ học viên khi đọc đúng, viết tốt. Phần thưởng tuy nhỏ nhưng khi được tặng, các cô, chú rất thích. Bởi với họ, đó là sự công nhận dành cho những cố gắng trên chặng đường tìm đến con chữ.
“Học viên tham gia học tập rất tích cực, số lượng được duy trì rất tốt, vì có sự lan tỏa tích cực trong công tác phối hợp tuyên truyền, vận động mở lớp xóa mù chữ của địa phương. Học viên tranh thủ đi học đúng giờ và luôn hợp tác cùng giáo viên” - cô Loan chia sẻ.
Cẩn thận nắn nót từng chữ trong bài thơ “Như bông hoa nhỏ”, chị Nguyễn Thị Út (sinh năm 1980, ngụ khóm Tân Đông) hồ hởi lật từng trang vở, khoe chữ viết của mình. Có người lại khoe điểm 10 tròn trĩnh được thầy cô chấm. Lại có người khoe những phép cộng, trừ được tính toán chính xác. Không khí lớp học vì thế càng rộn rã.
“Buổi sáng, tôi đi cấy lúa mướn, được trả công 200.000 đồng, trưa về tranh thủ cơm nước cho các cháu xong, tôi chạy ù đến lớp học cho kịp giờ. Nhờ đi học mà giờ tôi biết đọc, biết viết những chữ đơn giản, tôi vui lắm! Hôm nào bận việc, không đến lớp được, hôm sau tôi mượn tập chép lại, về nhà tập đọc, tập viết để theo kịp mọi người” - chị Út bày tỏ.
Theo cô Loan, tuy ban đầu có bỡ ngỡ khi giao tiếp, nhưng về sau càng quen dần, tình cảm thầy trò thêm gắn bó. Khi bận việc phải nghỉ học, học viên đều xin phép. Học viên luôn tích cực hỗ trợ nhau trong học tập, hăng say trong luyện viết, luyện đọc và tính toán, không ngại khó. Có dịp tham gia một buổi học của lớp học xóa mù chữ, mới thấy hết khát khao học chữ của bà con nơi đây. Những bàn tay chai sần, vụng về cầm bút nắn nót viết từng chữ, khiến tôi không khỏi khâm phục ý chí, quyết tâm của những “học sinh” đặc biệt này.
Chặng đường đó mang dấu ấn rất lớn của các thầy, cô giáo, những người đã và đang thầm lặng gieo chữ. Hiện, lớp học đã bước qua học kỳ II của chương trình học lớp 1. Lộ rõ niềm xúc động, nhiều “học trò” cho hay, bây giờ không còn ngại lên UBND thị trấn Óc Eo làm giấy tờ nữa. “Trước đây, tôi chỉ biết lăn tay khi làm giấy tờ, nay đã biết ký và ghi họ tên của mình. Tôi mừng lắm, cảm ơn thầy, cô giáo đã tận tình chỉ dạy” - cô Chau Mong (sinh năm 1969, ngụ khóm Tân Đông) bộc bạch.
Lớp có gần 20 học viên, người lớn nhất cũng ngót nghét 60 tuổi. Nhiều hôm nhà không ai trông cháu, các cô dẫn cả cháu lên lớp cùng, chứ không chịu nghỉ học. Mỗi tuần, lớp học 5 ngày (thứ 2 đến thứ 6), từ 14 - 15 giờ. Địa điểm tổ chức lớp học tại Văn phòng khóm Tân Đông (thị trấn Óc Eo).
Mỗi người một việc, tất bật từ sáng đến tối. Từ khi có lớp học này, họ trở nên bận rộn hơn, vì ngoài đi làm, họ còn đến đây để học chữ. Nhưng dù đầu tắt mặt tối thế nào, mọi người vẫn cố gắng sắp xếp để đến lớp. Với họ, xóa mù chữ là tiến gần hơn với ước mơ thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu.
“Khi bà con chưa biết chữ, cuộc sống rất khó khăn. Đi chợ không biết tính toán, ký giấy tờ thì chỉ biết điểm chỉ. Lần đầu đến lớp học, họ giống như học sinh lớp một - là một tờ giấy trắng. Chúng tôi phải dạy từng chữ cái. Khi viết phải cầm tay từng học viên một để hướng dẫn viết cho đúng. Tuy hơi vất vả ban đầu nhưng thấy tinh thần và thái độ học tập tích cực của học viên, chúng tôi càng có thêm động lực để truyền đạt kiến thức cho họ” - cô Loan mỉm cười.
"Tổng hộ dân trên địa bàn khóm Tân Đông là 735 hộ, trong đó 60% là bà con người DTTS Khmer, Chăm, Tày... nhưng chiếm đa số vẫn là người DTTS Khmer. Ban đầu, quá trình vận động bà con đến lớp học xóa mù chữ khá khó khăn. Bằng sự kiên trì, "mưa dầm thấm lâu", chúng tôi cũng thuyết phục được bà con ra lớp. Với 3 giáo viên luân phiên đứng lớp, đã mang đến niềm yêu thích, say mê học chữ cho bà con. Nhờ vậy, lớp học được duy trì sĩ số đều đặn” - Trưởng ban Nhân dân khóm Tân Đông Mai Xuân Thủy thông tin.