Văn hóa

Lan tỏa nét đẹp trồng cây

D. Thảo 20/02/2024 - 07:08

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân” và hưởng ứng “Chương trình trồng mới một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, các địa phương trong cả nước tích cực trồng cây xanh. Việc này trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống nước ta.

Gieo mầm xanh cho mai sau

Chủ tịch Hồ Chí Minh cả đời dành trọn cuộc đời của mình cho Tổ quốc, với tấm lòng yêu nước, thương dân, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Hơn nữa, Người còn là một tấm gương đạo đức mẫu mực, một tình cảm gần gũi, gắn bó với thiên nhiên. Tình yêu thiên nhiên rộng lớn đã tạo nên ở Bác cách sống, lối sống ứng xử hài hòa với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống và mang những giá trị đạo đức nhân văn sâu sắc.

bac_ho_trong_cay_3.jpg
Sinh thời, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Bác Hồ luôn quan tâm đến việc trồng cây, gây rừng. Ảnh: Tư liệu

Cuối năm 1959, đón Xuân 1960, Bác phát động Tết trồng cây với mục tiêu “Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ điều hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Năm 1961, nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Người căn dặn: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân ta một nguồn lợi to lớn, lại làm cho xứ sở ta thêm đẹp”. Năm 1969, dù sức khỏe đã yếu nhưng sáng mùng 1 Tết Kỷ Dậu, Bác vẫn đến chúc Tết một số đơn vị và trồng cây lưu niệm tại đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại, huyện Ba Vì.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm rằng trồng cây không chỉ là công việc nông lâm đơn thuần, mà còn có ý nghĩa quan trọng là giáo dục đạo đức lao động, đặc biệt là nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Những lúc rảnh rỗi Bác thường tự trồng cây, chăm sóc cây. Không chỉ tự mình trồng, Bác còn dặn dò cán bộ và chiến sĩ với những lời lẽ mộc mạc nhưng vô cùng sâu sắc: Gần như mọi người đều có thể trồng cây, muốn việc trồng cây đạt kết quả tốt thì phải có kế hoạch và có sự chuẩn bị chu đáo, trồng nhiều cây có ý nghĩa to lớn về đời sống và khí hậu, gắn việc trồng cây với việc thực hiện kế hoạch 5 năm, trồng cây phải gắn với chăm sóc cây tốt... Những điều ấy, nay nghe lại thấy thiết thực và rất thời sự.

Người nhiều lần khẳng định Tết trồng cây góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Bác chỉ rõ: "Việc này tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều... Nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta…”.

Tư tưởng, tác phong về trồng cây gắn với kinh tế xanh của Người là di sản vô giá của dân tộc.

Thi đua theo lời Bác dạy

Khắc ghi lời dạy của Người, mỗi khi Xuân về, khắp mọi miền đất nước lại sôi nổi phong trào trồng cây, gây rừng. Và Tết trồng cây đã trở thành nét đẹp, truyền thống của dân tộc Việt Nam, được các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Qua đó góp phần nâng cao độ che phủ rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, phát huy tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái. Phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực.

xanh4.jpg
“Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” đã ăn sâu vào truyền thống văn hóa Việt Nam.

Để hiện thực hóa lời dạy của Người, vừa qua, vào mùng 6 Tết Giáp Thìn, tại xã Kim Phú, Thành phố Tuyên Quang, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng Đoàn công tác Trung ương đã dự Lễ phát động Tết trồng cây “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Khi dự Lễ phát động Tết trồng cây, Chủ tịch nước một lần nữa nhắc lại trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng gay gắt, đa dạng sinh học bị suy giảm, chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là hướng đến phát triển bền vững, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện môi trường.

Năm 2023, toàn quốc trồng được 260.000ha rừng tập trung và 127 triệu cây xanh phân tán, vừa bảo vệ môi trường, vừa góp phần cung cấp nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Tỷ lệ che phủ rừng cả nước là hơn 42%. Việt Nam cũng đã chuyển nhượng thành công lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn carbon, trị giá 1.200 tỷ đồng. Ba năm qua, cả nước trồng được 770 triệu cây xanh; tổng vốn huy động 9.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm 23,8%, còn lại là xã hội hóa.

“Trồng cây là hành động đẹp và ý nghĩa, mỗi cây được trồng là món quà vô giá gửi đến tương lai cho thế hệ mai sau. Cây cối đã giúp cho sự sống của chúng ta, vì vậy cần bảo vệ và trồng nhiều cây hơn nữa bằng tình yêu, lòng biết ơn và sự khiêm nhường đối với thiên nhiên tươi đẹp”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Đồng thời nhấn mạnh, các ngành, các cấp tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để mọi người nhận thức đầy đủ ý nghĩa to lớn, lợi ích thiết thực của việc trồng cây, bảo vệ, phát triển rừng; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, góp phần bảo vệ bền vững môi trường sinh thái…

Việc tổ chức phát động "Tết trồng cây” cần thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng. Ngoài trồng rừng tập trung, tăng cường trồng cây xanh phân tán ở khu vực đô thị, khu dân cư tập trung, khu công nghiệp, khu văn hóa - lịch sử, hành lang giao thông...

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Tình trạng ô nhiễm môi trường, thiên tai lũ lụt, hạn hán; đa dạng sinh học suy giảm... cũng diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, việc nỗ lực thực hiện các cam kết để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì việc trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường sinh thái ngày càng trở nên quan trọng và cấp thiết, cần phải được phát huy và nhân rộng mạnh mẽ.

Bên cạnh việc thực hiện Tết trồng cây hàng năm theo lời dạy của Bác Hồ: “Mùa Xuân là Tết trồng cây - Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân” cũng như các đề án về trồng, bảo vệ và phát triển rừng của Chính phủ, điều quan trọng nữa, như ý kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" tại Tuyên Quang thì phải thực hiện chủ trương nhất quán, xuyên suốt là hướng đến phát triển bền vững, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

D. Thảo