Khởi sắc du lịch Hà Nội
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, TP Hà Nội nói riêng và ngành du lịch đón một lượng lớn du khách quốc tế và nội địa. Điều này cho thấy, du lịch Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, tiếp tục thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước.
Khởi đầu ấn tượng
TP Hà Nội đã chủ động và nhiều cách đổi mới trong cách tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn để thu hút khách du lịch. Thời tiết đẹp cũng khiến các di tích, bảo tàng, công viên, khu sinh thái, nghỉ dưỡng du lịch trên địa bàn trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán đón lượng khách ấn tượng.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 8/2 đến hết ngày 14/2, tức từ ngày 29 tháng Chạp năm Quý Mão đến hết mùng 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn), Thủ đô Hà Nội ước đón 653.000 lượt khách, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn đón 80.600 lượt khách trong đó riêng ngày 13/2 tức mùng 4 tháng Giêng đón 35.000 lượt khách; Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hơn 106.000 lượt khách; Khu di tích Hoàng thành Thăng Long đón hơn 48.700 lượt khách; Khu di tích Cổ Loa đón 25.000 lượt khách; điểm du lịch làng cổ Đường Lâm đón khoảng 15.000 lượt khách; điểm Chùa Tây Phương đón trên 32.000 lượt khách; điểm Đền Hai Bà Trưng đón 16.000 lượt khách; điểm di tích Nhà Tù Hỏa Lò đón 13.000 lượt khách; Khu di tích Thành Cổ Sơn Tây và phố đi bộ đón khoảng 25.000 lượt khách...
Khách du lịch quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2023 với gần 103.000 lượt khách (các thị trường khách chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản... ); khách du lịch nội địa tăng khá 12,2% với 550.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.350 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, nhằm thu hút du khách đến Hà Nội, trong kỳ nghỉ Tết, TP Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống. Cụ thể Triển lãm tranh “Vẽ con rồng” tại di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Chương trình “Tết phố năm 2024” tại không gian phố bích họa Phùng Hưng. Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức hoạt động “Chợ phiên - Chào năm mới 2024”, “Xuân về bản em”, Chương trình “Đón xuân ở bản em” và giới thiệu trò chơi dân gian mùa xuân của các dân tộc phía Bắc.
Nét mới hấp dẫn thu hút sự quan tâm đông đảo của nhân dân và du lịch tết năm nay là vào đúng đêm 30 tết, tai khu vực hồ Tây, UBND quận Tây Hồ phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình Lễ hội ánh sáng nghệ thuật Hà Nội “Rực rỡ Thăng Long” với màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật bằng 2.024 thiết bị bay không người lái (drones) với chủ đề “Một ngày kinh đô - Ngàn năm lịch sử”.
Cũng vào dịp Tết Nguyên đán, các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn Thành phố tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt đêm giao thừa tại Trung tâm Thông tin Văn hoá Hồ Gươm; Hoạt động biểu diễn nghệ thuật âm nhạc truyền thống tại các phường trong khu phố cổ Hà Nội kéo dài từ ngày mồng 2 Tết đến ngày mồng 5 Tết.
Chấn chỉnh nạn “chặt chém”
Có thể thấy quy mô và thời gian các lễ hội truyền thống tại Hà Nội năm nay mở rộng hơn. Điều này vừa thu hút khách, vừa tạo ấn tượng tốt cho du khách tham quan. Như tại Hà Nội, Lễ hội Gò Đống Đa năm đầu tiên được tổ chức kéo dài 3 ngày. Lễ hội đền Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh lần đầu tiên tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Để đáp ứng lượng khách đột biến dịp đầu xuân, công tác bảo đảm an toàn trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được các địa phương hết sức quan tâm.
Hay trên hành trình đến với chùa Hương trong những ngày đầu Lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024, nhiều du khách ngạc nghiên với sự đổi thay mà suốt nhiều năm qua chưa khi nào thấy được, đó chính là sạch bóng “cò” đò trên mọi ngả đường. Lễ hội chùa Hương năm nay vừa bắt đầu, lượng người dân, du khách đến tham quan, chiêm bái rất đông nhưng trong khu vực diễn ra lễ hội chưa phát hiện bất cứ đối tượng nào đánh bài, bạc dưới mọi hình thức.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội chùa Hương năm 2024 Đặng Văn Cảnh: “Lễ hội chùa Hương năm 2024 Xuân Giáp Thìn của huyện Mỹ Đức được tổ chức với tinh thần đổi mới và an toàn, văn minh, thân thiện. Ban Tổ chức rất mong du khách về với Lễ hội chùa Hương sẽ thực hiện tốt nội quy, quy chế, cùng chúng tôi chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử văn minh trong giao tiếp”. Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra lễ hội, Ban Quản lý Khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông. Bến xe có sức chứa 5.000 khách. Nếu xảy ra tình trạng quá tải, Ban Quản lý sẽ sắp xếp những nơi tập trung, không để hiện tượng đỗ xe bừa bãi. Các hoạt động đón khách đi lễ đến nay diễn ra thuận lợi, không xảy ra hiện tượng cò mồi, đón khách từ xa như những năm trước.
Đánh giá về lĩnh vực du lịch đầu năm, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, hoạt động lễ hội vốn có nhiều bất cập trước đây nay đã được chấn chỉnh, các địa phương vào cuộc tích cực. Mùa lễ hội còn kéo dài, vì vậy, trong thời gian tới, các cục, vụ chức năng của Bộ VH-TT-DL sẽ tập trung chấn chỉnh, quản lý lễ hội, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, không để xảy ra sai phạm. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng giao Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản Văn hóa có các giải pháp kịp thời, bám sát cơ sở để chủ động nắm bắt tình hình, thực trạng các lễ hội; nếu có bất cập, vấn đề nảy sinh thì nhanh chóng báo cáo lãnh đạo bộ để chấn chỉnh.
Mùa lễ hội năm 2024 khởi đầu với cảm giác bình yên, an toàn cho người đi trẩy hội; ít xảy ra tình trạng tranh cướp lộc, chen lấn, ẩu đả... góp phần rất lớn tạo nên không khí thân thiện, dễ chịu cho du khách thập phương. Sự nỗ lực chung của các đơn vị đã mang đến một môi trường du lịch lành mạnh trong đầu năm mới Giáp Thìn, là tín hiệu tốt tạo đà phục hồi du lịch trong năm 2024.