Ðến nay, các địa phương trong toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành gieo cấy lúa vụ đông-xuân với diện tích 28.960/29.260ha. Riêng ở vùng trũng của hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh (Quảng Bình) còn 300ha chưa gieo cấy. Hiện, lúa vụ đông-xuân trà đầu đang giai đoạn đẻ nhánh, trà chính vụ 4-5 lá, trà muộn 1-2 lá. Nhìn chung, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, thời tiết và các loại dịch hại lúa đang diễn biến phức tạp, nông dân cần chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa để có vụ mùa thắng lợi…
Xác định vụ lúa đông-xuân có vai trò rất quan trọng bởi năng suất, sản lượng lúa thường đạt cao nhất. Vì thế, ngay sau Tết Nguyên đán, bà con nông dân trong toàn tỉnh đã khẩn trương ra đồng, tích cực chăm sóc cây lúa.
Ông Phạm Xuân Phương (SN 1968), thôn Đồng Tư, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh) cho biết: Vụ đông-xuân năm nay gia đình ông gieo được hơn 7,5 sào lúa, cơ cấu giống lúa chủ yếu là Hưng Long 555. Sau Tết, mỗi ngày, ông đều đi thăm đồng để theo dõi cây lúa nhằm chăm sóc, phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh gây hại. Hiện nay, cây lúa của gia đình ông đang sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, hứa hẹn vụ mùa bội thu.
“Vụ đông-xuân năm nay, giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào tiếp tục ở mức cao nên chi phí sản xuất lúa khá cao. Do vậy, ngoài việc sử dụng phân bón một cách phù hợp, nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để giảm chi phí. Trước Tết Nguyên đán, ruộng lúa của gia đình có xuất hiện bệnh vàng lá, bọ trĩ và rầy, nhờ phát hiện kịp thời nên đã chủ động mua thuốc bảo vệ thực vật về xử lý. Hiện, ruộng lúa cơ bản ổn định, sinh trưởng tốt…”, ông Phương cho hay.
Những ngày sau Tết Nguyên đán, tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân Lê Văn Tám (SN 1980) thôn Xuân Dục 1, xã Xuân Ninh (Quảng Ninh) đang tất bật đặt bả sinh học để diệt chuột. Theo ông Tám, mấy ngày nghỉ Tết ông không ra thăm đồng. Sau Tết, đi kiểm tra mới phát hiện ruộng lúa đông-xuân khoảng 2 sào của gia đình bị chuột phá hại khoảng 30%.
“Do bị chuột phá hại nhiều nên gia đình phải dùng phương pháp đuổi chuột theo lối truyền thống là dùng cành cây quấn túi nilon cắm xuống ruộng nhưng phương pháp này không khả thi. Tôi phải ra quầy thuốc bảo vệ thực vật mua ít bả sinh học về để diệt chuột, nhằm bảo vệ lúa vụ đông-xuân…”, ông Tám thông tin.
Vụ đông-xuân năm nay, huyện Lệ Thủy xuống giống muộn hơn so với mọi năm. Bởi ảnh hưởng của những đợt mưa lớn cuối năm nên các ruộng lúa nước ngập sâu, nông dân phải tốn thêm chi phí tiêu úng từ đầu vụ; đồng thời giá nhiều loại vật tư đầu vào cũng còn duy trì ở mức cao. Song, thời tiết cũng có nhiều thuận lợi cho cây lúa phát triển và người nông dân cũng chủ động chăm sóc, phòng tránh các loại sâu bệnh từ khá sớm.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho hay, đến nay, địa phương đã gieo cấy được trên 9.900/10.100ha (chiếm 98% kế hoạch), còn lại 200ha lúa chưa gieo tại vùng ruộng Vời của xã Hồng Thủy. Hiện, cây lúa đông-xuân trà sớm đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, trà chính vụ 3-4 lá, sinh trưởng phát triển tốt. Trên cây lúa cũng xuất hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại rải rác, như: Bọ trĩ, rệp muội, tuyến trùng rễ, ốc bươu vàng, chuột…
“Thời gian tới, ngành nông nghiệp huyện sẽ tập trung kiểm tra tình hình sản xuất và chỉ đạo hoàn thành kế hoạch sản xuất vụ đông-xuân 2023-2024; đồng thời chủ động phòng, chống rét cho cây trồng; tăng cường chỉ đạo công tác chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên cây lúa vụ đông-xuân...”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết.
Vụ đông-xuân năm nay, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 29.260ha lúa. Giống lúa cơ cấu chính, gồm: VNR20, Nhị Ưu 838, VN20, Hà Phát 3, P6, HN6, QS88, PC6... Các trà lúa đông-xuân hiện đang giai đoạn đẻ nhánh. Tuy nhiên, trên một số trà lúa ở các địa phương đã có sự xuất hiện và gây hại của các đối tượng sâu bệnh, như: Chuột 82ha, tuyến trùng rễ 42ha, rệp muội 105ha, bọ trĩ 217 ha, ốc bươu vàng 110ha, đạo ôn lá 3ha…Ðể chăm sóc và bảo vệ tốt lúa đông-xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng đề nghị các địa phương cử lực lượng cán bộ kỹ thuật theo dõi, kiểm tra giám sát đồng ruộng; đồng thời tổ chức cùng nông dân thăm đồng nhằm nắm chắc tình hình dịch hại, hướng dẫn nông dân phòng trị kịp thời…