Người giữ nghề chạm bạc trên đỉnh Đèo Gió
Đã 31 năm, từ ngày đầu tiên cầm búa tán dẹt thỏi bạc, tạo dáng thô ban đầu cho đến các sản phẩm bạc tinh xảo, chạm khắc cầu kỳ như hiện nay, ông Triệu Tiến Liềm (Sinh năm 1967), dân tộc Dao Tiền, ở thôn Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng (Ngân Sơn, Bắc Kạn) vẫn vẹn nguyên niềm say mê, tâm huyết với nghề chạm bạc.
Sau khi nhâm nhi chén nước chè nóng hổi mỗi buổi sáng, ông Liềm lại đeo cặp kính lão, đôi tay thoăn thoắt dùng chiếc búa gõ nhẹ vào khuôn, kéo những miếng bạc đã khô đem đi tạo hình. Từ những mảnh bạc vụn dưới đôi tay khéo léo của ông trở thành sản phẩm đẹp mắt, sinh động và rất có “hồn”. Điều này có được bởi ông được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề chạm bạc.
Ông Triệu Tiến Liềm miệt mài “giữ lửa” nghề chạm bạc truyền thống của người Dao Tiền. |
“Được tiếp xúc ngay từ khi còn nhỏ, nhưng phải đến khi trưởng thành tôi mới bắt đầu học chạm bạc. Những ngày đầu cầm búa, tay tôi lóng ngóng không thể điều khiển theo ý mình, khiến miếng bạc nguyên vẹn bị hỏng. Sau khi được bố chỉ dạy và bản thân tôi kiên trì thực hành hằng ngày, nên càng làm càng say mê, càng sai càng muốn sửa. Cứ thế tôi say mê học hỏi để tạo nên những sản phẩm bạc truyền thống hoàn chỉnh và sáng tạo ra các sản phẩm của riêng mình. Năm 26 tuổi tôi đã thành thợ chạm bạc lành nghề", ông Liềm chia sẻ.
Túi đựng trầu của phụ nữ Dao Tiền được chạm khắc tỉ mỉ. |
Đồ nghề của ông Triệu Tiến Liềm được sắp xếp gọn gàng. Những sản phẩm đang làm dở cho khách hàng được để riêng trong một túi. Ông thao tác để tạo hoa văn trên trang sức bạc một cách chậm rãi và chắc chắn. Những hoa văn nhỏ đòi hỏi kinh nghiệm, sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ, cho thấy nghề thủ công này đã tạo nên phong thái điềm đạm của ông. Khác với nhiều nghề thủ công truyền thống của các dân tộc khác, nghề chạm bạc thường dùng những dụng cụ khá đơn giản như: Bễ thổi, kéo cắt, kìm vặn, panh gắp, búa đập, dao chạm, bàn kéo sợi, đe gỗ, đe sắt, nồi đun.
Mỗi khi bắt tay vào làm ông đều dành sự tập trung và nghiêm túc cho công việc. |
Tay nghề của ông Triệu Tiến Liềm rất tốt, lại có tiếng từ mấy đời ở địa phương, nên mỗi khi có việc cần dùng đến trang sức bạc, người Dao Tiền ở địa phương lại tìm đến ông để nhờ cậy. Có khi là vòng bạc gia truyền đã quá cũ bị mờ chữ và hoa văn, để ông sửa lại cho bóng đẹp, và khắc lại chữ mới hơn. Mỗi sản phẩm ông chỉ lấy tiền công vài trăm nghìn đồng, tùy vào độ khó và số lượng của sản phẩm.
Đồ trang sức làm bộ trang phục của phụ nữ Dao Tiền càng thêm nổi bật. |
Bà Bàn Thị Chao, 73 tuổi, dân tộc Dao Tiền, thôn Đèo Gió chia sẻ: "Hồi còn trẻ, khi đến tuổi lấy chồng tôi đến nhà bố ông Liềm đặt bộ chạm bạc, con gái tôi cũng vậy, nay cháu gái chuẩn bị lấy chồng, gia đình lại tìm đến ông Liềm đặt bộ trang sức chạm bạc làm của hồi môn. Bộ trang sức của con gái Dao Tiền ngày xưa thường có 6 vòng cổ, 2 vòng tay, hoa tai, hàng cúc bạc, dây xà tích được chạm khắc rồng phượng, chim muông, hoa lá tinh xảo, cầu kỳ… tính thành tiền có thể giá trị lên đến 40 triệu đồng”.
Những hoạ tiết tinh tế được ông Liềm chạm khắc. |
“Nghề chạm bạc đòi hỏi kỹ thuật tinh vi, tỉ mỉ, nhanh nhất cũng phải mất gần 3 năm, bình thường là 5 năm mới học xong những bước kỹ thuật sơ đẳng. Bởi vậy, thế hệ trẻ hiện nay không mặn mà với nghề chạm bạc truyền thống, mặt khác, đây chỉ là nghề phụ, mang tính tự cấp, tự túc và đang có nguy cơ dần mai một”, ông Liềm trăn trở.
Tiếng gõ chạm bạc đều đều, tiếng thổi lửa nung bạc của ông Liềm vẫn ngày ngày vang lên trên đỉnh đèo Gió chính là sự thể hiện tình yêu của ông đối với nghề truyền thống của tổ tiên để lại, cũng như tình yêu đối với bản sắc văn hóa dân tộc của mình…