Đời sống xã hội

Đổi thay trên núi Nga My

Vân Phạm 19/02/2024 - 09:05

Kể từ khi rời bỏ vùng đất định cư bao đời để đến nơi ở mới, gần 400 người con Ơ Đu đã về tạo lập cuộc sống ở bản Văng Môn và Tăng Kho thuộc xã Nga My, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Tuy bước đầu gặp nhiều khốn khó song đến giờ, cuộc sống của dân tộc đã từng bước đổi thay. Mỗi dịp mùa xuân về trên đất Nga My, người dân Ơ Đu lại tưng bừng đón Tết và thắp lên hy vọng vào một năm mới bình an, mùa màng bội thu, nhà nhà no đủ.

Quá khứ lẫy lừng

Theo thống kê năm 2009, dân tộc Ơ Đu chỉ có 376 người, có mặt tại 11 tỉnh, thành phố trên cả nước, nhưng chủ yếu sinh sống ở vùng rừng núi phía Tây xứ Nghệ, và phần lớn số hộ thuộc diện nghèo. Cái nghèo bám lấy người Ơ Đu, bám ngay từ tên định danh dân tộc mình, có nghĩa là "Thương lắm", hay còn cách gọi khác là "Tày Hạt" - nghĩa là đói khổ. Dẫu cuộc sống vô vàn khó khăn, thiếu đói và lại có số dân ít ỏi, nhưng người Ơ Đu lại lưu truyền trong cộng đồng những truyền thuyết rất lãng mạn về lịch sử hình thành dân tộc mình.

Người Ơ Đu già nhất, cụ Lo Văn Mằn mà chúng tôi được anh cán bộ văn hóa xã Nga My giới thiệu, khăng khăng khẳng định rằng, dân tộc của cụ đã được sinh ra cùng với dòng sông, ngọn núi ở Tương Dương.

anh-bai-xuan-ve-tren-nui-nga-my-1.jpg
Lớp dạy chữ Ơ Đu của ông Khay

Cụ Mằn kể rằng, xưa kia có một chàng trai nghèo đem lòng yêu thương một nàng công chúa xinh đẹp. Bị vua cha của người yêu ngăn cấm, chàng trai đã bỏ vào rừng sâu. Còn về phần công chúa, sau bao ngày thương nhớ cũng quyết tâm trốn khỏi cung điện, rồi vượt qua rừng sâu núi cao để tìm gặp lại người yêu.

Cảm động trước tình yêu của đôi trẻ, ông trời đã chọn ngọn núi cao nhất để hai người làm tổ ấm và đặt tên là Pu Lũng. Còn hai con sông Nậm Nơn, Nậm Mộ từng chứng kiến hành trình tìm người yêu của cô gái, đã biến thành dòng sông dát vàng. Họ đã sống bên nhau trọn đời và sinh ra những đứa con đẹp tựa thiên thần. Những đứa trẻ ấy chính là tổ tiên của tộc người Ơ Đu...

Tuy nhiên, những chứng cứ xác đáng và tin cậy nhất đã chỉ ra rằng, dân tộc Ơ Đu ngày nay, chính là một trong những tộc người góp phần cấu thành Tiểu quốc Bồn Man lừng lẫy. Đến thế kỷ XV, dưới thời Lê Thánh Tông, Bồn Man diệt vong và sáp nhập vào Đại Việt. Người Ơ Đu vẫn thường nhắc về vùng đất tổ thuộc lưu vực của các con sông Nậm Nơn, Nậm Mộ và lan tỏa đến tận đất Lào cùng những thành quách nơi Hữu Khuông, Pú Pâu oai hùng trên đất Việt.

Có nghiên cứu chỉ ra rằng, trước đây, người Ơ Đu giỏi nghề phát nương làm rẫy, lại biết đãi cát tìm vàng, đánh cá và buôn bán, nên cuộc sống khá sung túc, trình độ xã hội khá cao.

Vậy mà quá khứ lẫy lừng đó đã phai nhạt, dân số Ơ Đu hiện nay thuộc vào nhóm ít nhất trong đại gia đình 54 dân tộc Việt Nam và bản sắc không còn lưu giữ được bao nhiêu. Ngay cả các nhà nghiên cứu và các nhà dân tộc học cũng vất vả, khi tìm kiếm và nhận định lại những gì là bản sắc văn hóa Ơ Đu. Bởi khi Bồn Man chấm dứt, người Thái, người Khơ Mú từ Tây Bắc tràn vào, người Ơ Đu yếu thế buộc phải cộng sinh và bị biến đổi đến nhạt nhòa.

Quê xứ bao đợt chuyển dời, bản sắc truyền thống cũng dần phai nhạt theo năm tháng, song người Ơ Đu giờ đây vẫn còn giữ được chút di sản của cha ông. Đó là những lớp học ngôn ngữ Ơ Đu mà cộng đồng ở Văng Môn liên tục mở ra cho các lớp con cháu.

Với di sản còn lại chỉ trên dưới 200 từ vựng, sự mất mát văn hóa này không chỉ riêng của người Ơ Đu, mà còn là tổn thất rất lớn trong kho tàng ngôn ngữ các dân tộc Việt Nam. Hết lớp này đến lớp khác, những người tâm huyết như ông Lò Văn Khay vẫn cố gắng hết sức mình truyền thụ lại di sản quý báu, số từ vựng ít ỏi cho các thế hệ Ơ Đu mai sau.

Cúng tổ tiên bằng sản vật núi rừng

Lịch sử đã đi theo cách riêng của mình. Sự phai nhạt và biến mất của nhiều bản sắc văn hóa đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của con người. Từ những ngày Bồn Man biến mất, không biết bao nhiêu thế hệ người Ơ Đu mới đã lãng quên đi những giai điệu nguồn cội riêng của mình.

Những phong tục, tập quán cũng dần trôi theo dòng chảy khắc nghiệt của thời gian. Trong số những sinh hoạt văn hóa hết sức riêng biệt mà “những người anh em nhỏ bé” này còn lưu giữ được phải kể đến là hai cái lễ hội mừng Tết Nguyên đán và Tết mừng thần sấm.

Cũng giống như nhiều dân tộc khác, những ngày cuối năm, mỗi gia đình người Ơ Đu đều tạm gác lại việc đồng áng, nương rẫy để lo quét dọn đường làng ngõ xóm, nhà cửa, sơn sửa ban thờ. Từ sáng ngày cuối cùng của năm âm lịch, người dân trong bản đều tổ chức thịt lợn, thịt gà và chuẩn bị mâm cỗ cúng mời tổ tiên.

anh-bai-xuan-ve-tren-nui-nga-my-2.jpg
Đời sống của người Ơ Đu ngày càng khấm khá

Dù là giàu hay nghèo, mâm cỗ này cũng phải đầy đủ những sản vật của núi rừng như thịt chuột, thịt sóc, cơm lam, rượu nếp cẩm, khầu hang để dâng lên những đấng linh thiêng đã nuôi sống tổ tiên người Ơ Đu qua bao thế hệ. Nhưng có một điều đặc biệt là trong mâm cỗ này không có bánh chưng.

“Tôi cũng không biết phong tục này có từ bao giờ, chỉ biết là khi sinh ra và lớn lên đã thấy cha ông mình dạy vậy rồi. Có thể do người Ơ Đu xưa kia tính năm mới căn cứ vào tiếng sấm đầu tiên, chính vì vậy mà mâm cúng không có bánh chưng như một số dân tộc khác. Ngày nay nhiều nhà cũng học thói quen gói bánh vào cuối năm, để mâm cỗ thêm đầy đủ. Nhưng bánh chưng có thể thiếu, chứ không thể thiếu các món chuột, sóc, nhọc, cơm lam, rượu siêu, rượu nếp cẩm. Mà cơm bày trên mâm cúng phải đủ 3 màu, đen, tím, trắng”, “thầy giáo” Lo Văn Khay chia sẻ.

Để có được những sản vật làm cỗ cúng, người đàn ông, đàn bà Ơ Đu phải tự mình vào rừng săn bắt, chặt hái để dâng lên tổ tiên bằng tấm lòng chân thành nhất, nếu không tổ tiên sẽ nổi giận, năm mới mùa màng thất thu. Trong bài cúng đầu năm mới, họ cầu tổ tiên, trời đất, thần núi, thần rừng ban mưa thuận, gió hòa cho rẫy lúa, nương ngô được mùa, con cháu đầy đàn, và luôn biết đến công ơn sinh thành của tổ tiên.

Do là một trong 6 dân tộc ít người nhất của Việt Nam, lại có ít ngày lễ trong năm, vì thế đối với đồng bào Ơ Đu thì Tết Nguyên đán là dịp được mong đợi nhất. Cũng bởi do phải sống quá lâu nơi núi rừng heo hút, gần như biệt lập với thế giới bên ngoài, nên phần lớn người dân Ơ Đu đều thật thà, chất phác và mến khách. Họ quan niệm nếu Tết có khách lạ đến chơi cả năm sẽ gặp may mắn. Vì vậy, trong khi cúng gia tiên, thầy mo cũng cầu xin cho khách đến nhà một năm mới thật nhiều niềm vui.

Ngoài ra, gia chủ còn tiếp đón khách rất chu đáo. Khách được mời ăn, mời rượu và mời ngủ tại nhà. Trước khi ra về, người Ơ Đu còn mừng tuổi cho khách những ống cơm lam, chai rượu nếp cẩm do chính tay họ làm ra.

Tính năm theo tiếng sấm

Vốn là cư dân nông nghiệp sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước nên đồng bào khá lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Các cơn mưa đem đến nguồn nước quý giá cho cây trồng. Đồng bào tính một năm mới bắt đầu bằng mốc nghe tiếng sấm đầu tiên, vào khoảng từ tháng 2 đến đầu tháng 4. Vì vậy, đây là một trong nghi lễ nông nghiệp quan trọng, độc đáo nhất của đồng bào.

“Từ xa xưa, ngày có tiếng sấm đầu tiên, người Ơ Đu sẽ mở hội “Chămprông”. Tất cả những việc quan trọng của dòng họ, bản làng đều lấy thời điểm có tiếng sấm vang lên để quyết định. Đứa trẻ khi sinh ra chỉ được chính thức đặt tên và công nhận sự hiện diện của nó, khi có tiếng sấm đầu tiên. Người già chết đi cũng phải chờ tiếng sấm thì mới được coi là đã siêu thoát về với Then - Trời”, ông Lo Văn Mái ở Nga My chia sẻ.

anh-bai-xuan-ve-tren-nui-nga-my-3.jpg
Mâm cỗ cúng của người Ơ Đu phải có thịt chuột và sóc

Theo quan niệm của đồng bào, tiếng sấm đầu tiên nó báo hiệu một mùa gieo trồng mới bắt đầu và một nguồn năng lượng mới do thượng đế bạn tặng. Thông thường, Tết Chămprông của người Ơ Đu kéo dài từ 5 đến 7 ngày cho đến khi mọi thủ tục cúng lễ thần sấm trong bản làng hoàn tất thì ngày “Tết thần sấm” mới kết thúc. Quan trọng nhất trong dịp tết này là mâm cỗ cúng Thần.

Lễ vật được đồng bào chuẩn bị gồm, 1 con lợn từ 13-15kg; 1 con gà; Mọc cá (món ăn của đồng bào Ơ Đu với hỗn hợp cá, bột gạo nếp, muối, sả, tiêu rừng gói trong lá chuối và hong chín trên bếp củi); cá nướng; Nhooc chuột (được làm từ thịt chuột đồng phơi khô cùng với rau rừng, hoa chuối, lá môn…); cơm lam; bánh chưng; rượu cần; rượu siêu (từ nếp rẫy và men lá cây rừng); rượu cẩm... Những lễ vật này được đồng bào đặt trên 2 chiếc mâm mây, đưa từ trên nhà sàn xuống dưới sân trước nhà sàn.

Ngày nay, do người Ơ Đu sống xen ghép với nhiều dân tộc anh em khác, nên giá trị truyền thống riêng trên mâm cúng mừng ngày Tết Nguyên đán và Tết mừng thần sấm đã có nhiều đổi thay hơn để phù hợp với cuộc sống mới. Để chống lại sự phai nhạt và biến mất các nét văn hóa cổ truyền, mấy năm gần đây, tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương xây dựng nhà truyền thống để lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa và khôi phục các hoạt động lễ hội của dân tộc Ơ Đu.

Bằng những nỗ lực đó, cùng với sự phát huy bản lĩnh nội tại của mỗi người dân Ơ Đu, hy vọng rằng dân tộc này sẽ gìn giữ và lưu truyền được thêm nhiều phong tục, tập quán hết sức riêng biệt của cha ông.

Vân Phạm