Được mệnh danh là “Vương quốc hang động”, nhưng Quảng Bình không chỉ có vậy. Với chiều dài đường bờ biển hơn 116km, nguồn tài nguyên ở phía biển Quảng Bình rất phong phú, đa dạng và độc đáo. Đây là những tiềm năng có thể tạo động lực tăng trưởng mới, góp phần điểm tô cho bức tranh du lịch thêm những sắc màu mới khác biệt, hấp dẫn trong lòng du khách.
Mở "cánh cửa" ra phía biển
Trung tuần tháng 10/2022, lần đầu tiên, một du thuyền cao cấp quốc tế cập cảng Hòn La. Đó là du thuyền cao cấp Le Lapérouse của hãng Ponant (Pháp) đưa gần 100 khách du lịch quốc tế đến từ các quốc gia, như: Mỹ, Pháp, Đức, Canada, Bỉ, Thụy Sĩ…, khởi hành từ Indonesia, qua Singapore đến Việt Nam. Trong hành trình 39 ngày tại Việt Nam, du thuyền ghé tham quan TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Quy Nhơn, Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Nam, Hạ Long…
Riêng tại Quảng Bình, du thuyền cao cấp Le Lapérouse ghé 3 đợt vào các ngày 11/10, 15/10 và 31/10 với các điểm đến du lịch nổi bật, như: Động Thiên Đường, suối nước Moọc, động Phong Nha, vườn thực vật thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và TP. Đồng Hới. Khỏi phải kể xiết niềm vui mừng của những người quản lý và kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.
Theo một lãnh đạo Sở Du lịch, đây chính là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh con người, mảnh đất văn hóa và tiềm năng du lịch Quảng Bình đến với du khách quốc tế. Việc đón chuyến tàu biển đầu tiên này đã đặt một dấu mốc quan trọng để du lịch tỉnh tiếp tục hoàn thiện và xây dựng nhiều sản phẩm, loại hình du lịch đa dạng hơn, tương xứng với tiềm năng và lợi thế cạnh tranh.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đặng Đông Hà cho hay, việc Quảng Bình được đơn vị kinh doanh du lịch lựa chọn để xây dựng điểm đến trong tour du lịch đường biển bằng du thuyền chứng tỏ du lịch trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm khác biệt và sức hấp dẫn lớn trong lòng du khách. Sự tin cậy, gửi gắm đó mang đến nhiều kỳ vọng và mở ra cơ hội cho việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nguồn tiếp nhận, mở rộng đối tượng du khách, nhất là du lịch đường biển.
Thêm một thông tin quan trọng để du lịch có thể mở được cánh cửa về phía biển nữa là, hiện nay dự án cảng tổng hợp quốc tế Hòn La chuẩn bị được xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng với 4 bến cập tàu, trong đó giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành vào năm 2024 gồm 1 bến cho tàu trọng tải đến 50.000 DWT và 1 bến cho tàu có trọng tải đến 100.000 DWT. Khi dự án đưa vào sử dụng, Quảng Bình sẽ có khả năng đón các tàu biển quốc tế quy mô lớn, các siêu du thuyền, đưa du lịch tàu biển trở thành một trong những loại hình sản phẩm du lịch nổi bật của địa phương. Và điều quan trọng hơn, đó cũng là “cánh cửa mở” để Quảng Bình gần hơn với khách du lịch quốc tế.
Không chỉ có du lịch hang động
Ông Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Du ngoạn Việt, đơn vị tổ chức tour du lịch của du thuyền cao cấp Le Lapérouse cho biết, lúc phác thảo ý tưởng cho hành trình, trong suy nghĩ của ông, du lịch Quảng Bình chỉ có hang động. Nhưng khi đi “tiền trạm” tìm hiểu, ông mới biết du lịch nơi đây không chỉ có vậy. Quảng Bình có những điều khác biệt mà nhiều nơi không có.
Ví như, Quảng Bình có quá nhiều làng biển với những bãi biển rất đẹp. Nói rồi ông kể, do ảnh hưởng của yếu tố khách quan thời tiết, mặc dù điểm đến Quảng Bình trong những ngày hôm đó chưa được trọn vẹn và thuận lợi, nhưng gần 100 vị khách quốc tế này đã kịp có những trải nghiệm khá thú vị. Đó là chuyến trải nghiệm tại làng bích họa Cảnh Dương (Quảng Trạch). Trên dọc dài đất nước Việt Nam có rất nhiều làng biển, rất nhiều làng bích họa.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Đặng Đông Hà cho biết, giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ chú trọng phát triển các dịch vụ bổ trợ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng. Hiện, tỉnh đang kêu gọi, khuyến khích phát triển các dịch vụ thể thao trên biển, như: Lướt ván, mô tô nước, dù bay, đua thuyền buồm, dịch vụ lặn biển ngắm san hô; hình thành các khu nghỉ dưỡng, giải trí thể thao tại các điểm du lịch bãi biển Bảo Ninh, Nhật Lệ-Quang Phú, Đá Nhảy, dọc đường bờ biển từ Hải Ninh (Quảng Ninh) đến Hồng Thủy (Lệ Thủy). Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư xây dựng các điểm kinh doanh phục vụ khách du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, khu mua sắm, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị tại các điểm du lịch biển; nâng cao dịch vụ ăn uống, hình thành các khu ẩm thực biển theo mô hình chợ đặc sản, hàng lưu niệm mang thương hiệu Quảng Bình.
Tại sao làng bích họa nơi đây lại khiến du khách thích thú? Phải chăng, chính màu sắc, hồn cốt không thể lẫn của một cộng đồng dân cư giàu truyền thống, văn hóa bản địa ở bên bờ biển Đông này đã thu hút họ. Những ngôi nhà cổ, những bức tường bằng đá san hô còn nguyên màu cổ kính, những câu chuyện bằng tranh bích họa 3D khổ lớn mang nhiều thông điệp văn hóa, nhân sinh và cả nét đẹp lao động bình dị, mộc mạc của cuộc sống người làng biển nơi đây đã là một thế giới màu sắc riêng có. Với du khách quốc tế, cái họ cần chỉ là những điều giản dị đó. Giản dị nhưng mới mẻ, khác biệt và lạ lẫm.
“Điều tuyệt vời là, làng bích họa Cảnh Dương chỉ là một trong những làng biển trên tuyến bờ biển dài hơn 116km của Quảng Bình mà thôi. Và còn cả những bãi tắm đẹp vẫn giữ được nét hoang sơ khác của địa phương cùng hệ thống di tích lịch sử, điểm đến văn hóa có thể là những điểm đến trải nghiệm hấp dẫn khác cho du khách lắm chứ. Đó là những nguồn tài nguyên du lịch tiềm năng có sức hút tự nhiên riêng có mà Quảng Bình cần phải phát huy”, ông Nguyễn Xuân Anh chia sẻ.
Gần 40 năm kinh doanh du lịch và đã đặt chân đến nhiều vùng đất không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài, ông Nguyễn Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Du ngoạn Việt cho hay: “Quảng Bình có sản phẩm du lịch đặc trưng mang tầm thương hiệu quốc tế là “Vương quốc hang động”, nhưng cần phải “nhìn về phía biển” để mở rộng sản phẩm, loại hình, đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Đó là cơ hội để mở rộng thị phần, đối tượng khách du lịch. Bởi, trong phát triển du lịch, việc thu hút khách quốc tế có vai trò rất quan trọng dẫn dắt thị trường khách du lịch. Chúng tôi sẽ dẫn khách đến, nếu như du lịch địa phương đáp ứng đủ các điều kiện và đa dạng các sản phẩm mà du khách cần”.