Văn hóa

Đắm mình trong lễ hội Lai Châu

Lê Du 17/02/2024 - 16:56

Mỗi dịp Tết đến, xuân sang, phong cảnh thiên nhiên và các lễ hội nối tiếp nhau lại khiến hành trình du lịch miền Tây Bắc thêm hấp dẫn. Một phần không thể thiếu trong những ngày hội được cả người dân lẫn du khách yêu thích chính là trò chơi dân gian. Ở Lai Châu, địa phương với 20 dân tộc anh em sinh sống, nhiều trò chơi truyền thống được duy trì và khôi phục đã mang đến không khí vui tươi, sôi nổi trong những ngày đầu xuân.

Lôi cuốn, rèn luyện thể lực

Đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu đón năm mới và tổ chức nhiều lễ hội từ ngay sau Tết Nguyên đán kéo dài tới tháng 3 âm lịch, như lễ hội Gầu Tào Cha, lễ hội Đền Vua Lê Lợi (thành phố Lai Châu); lễ hội Gầu Tào (huyện Phong Thổ); lễ hội Xòe Chiêng (huyện Than Uyên); ngày hội dân tộc Mông (huyện Tam Đường); lễ hội Nàng Han, lễ hội Then Kin Pang (huyện Phong Thổ)...

Trước đó hàng tháng, tại các thôn bản, khu phố đã rộn ràng không khí chuẩn bị dụng cụ và tập luyện cho các màn thi đấu, biểu diễn trò chơi dân gian như ném còn, đánh mảng, đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, đánh tù lu, leo cột, nhảy bao bố... Tham gia sân chơi này, bà con thắt chặt thêm tình đoàn kết, tình làng nghĩa xóm.

rdfhdf.jpg
Trò ném còn của đồng bào dân tộc Thái.

Nổi bật đầu tiên là trò ném còn,theo quan niệm của người dân nơi đây, quả còn tượng trưng cho hồn núi, hồn sông, hồn đất và hồn nước. Chính vì vậy quả còn bao giờ cũng làm bằng vải màu đỏ, màu đen, màu xanh và màu trắng. Ngay từ trước lễ hội ném còn, các cô gái khéo tay đã chuẩn bị những quả còn với nhiều múi vải màu xanh đỏ, sặc sỡ được ghép nối với nhau. Bên trong quả còn, họ nhồi thóc, hạt vừng, hạt cải, hạt bông. Những loại hạt này thể hiện khát vọng sinh sôi nảy nở, thóc nuôi sống con người, còn bông cho sợi vải. Thường quả còn chỉ có khoảng 4 - 8 múi, nhưng với người khéo tay, họ có thể may quả còn với 12 múi gồm 12 màu. Họ còn may thêm các tua vải nhiều màu sắc trang trí và giúp định hướng quả còn khi bay. Các tua rua này còn biểu trưng cho những tia nắng, hạt mưa cầu mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

Cây còn được làm từ thân cây tre mai có chiều cao khoảng 20 -30 m, tùy theo lựa chọn của người dân. Ngọn cây còn được uốn thành hình vòng cung có dán giấy đỏ, hồng tâm để người dân có thể tung còn vào vòng tròn đó. Đồng bào Tày, Nùng quan niệm, khung còn một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng).

Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn. Người tung quả còn bay cao mang đi cái rủi ro, đau ốm, cái úa vàng héo hon của cây trái. Sau khi lên trời quả còn rơi xuống, người đón còn đón lấy cái may mắn, tốt đẹp, xanh tươi về cái phúc, lộc, thọ cho một năm mới thịnh vượng. Chính vì thế khi ném còn, người ném cố tung cao để vượt qua vòng tròn tượng trưng cho mặt trời xua đi mọi điều bất hạnh và người đón còn thế nào cho khéo không để còn rơi xuống đất. Người tung, người bắt rồi tung trở lại, ai cũng được tung và ai cũng được bắt, quả còn phơi phới trên trời cao, bay đi, bay lại như rồng uốn, lượn quanh, một vũ điệu tươi vui tràn đầy hạnh phúc ấm no.

Đến với bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) ngày xuân, những chàng trai, cô gái người H’Mông cũng có rất nhiều trò chơi dân gian thú vị như đẩy gậy, đánh cầu lông gà, và luôn sẵn sàng hướng dẫn du khách cùng tham gia. Đẩy gậy là trò chơi lâu đời của người H’Mông, có thể lệ đơn giản nhưng cần người chơi phải bền bỉ và biết chớp thời cơ thật nhanh.

Trò chơi cần hai người, mỗi người giữ một đầu gậy, tỳ tay thật vững vào đùi hoặc bụng, đồng thời hai chân nhích dần lên để dồn ép đối thủ ra khỏi sân. Đáng chú ý, người chơi không nhất thiết phải là nam-nam hay nữ-nữ, mà một nam một nữ cũng có thể tham gia tranh tài. Trò chơi đánh cầu lông gà thì có nhiều nét tương đồng với bộ môn thể thao cầu lông, có thể đánh đơn hoặc đánh theo đôi nam nữ.

Khi chơi, các đội tự giao ước với nhau về số lần đánh trúng, bên nào thua phải hát, múa hoặc thực hiện một điều gì đó mà đội thắng yêu cầu. Các trò chơi được trao truyền nhiều đời và đến nay cũng có đôi chút thay đổi, song cơ bản đều thể hiện được tính cộng đồng, tinh thần vui chơi lành mạnh sau một năm lao động vất vả.

Một số trò chơi dân gian khác có thể tổ chức quanh năm, nhưng diễn ra vào mùa lễ hội xuân vẫn đặc biệt sôi động và giàu cảm xúc. Thí dụ như trò chơi thi đi cà kheo của người Thái. Cà kheo có cấu tạo khá đơn giản, được làm từ những đoạn tre già nhỏ và thẳng; chỗ đặt chân được cố định bằng 2 khấc tre tạo thành bàn đạp cho người đứng lên.

Người chơi phải giỏi giữ thăng bằng, phối hợp linh hoạt giữa chân và tay, do đó cần có thời gian luyện tập trước. Khi đua cà kheo, người chơi “khoe” được sự khéo léo, nhịp nhàng, đồng thời đó còn là dịp để thi đua xem ai làm chiếc cà kheo đẹp hơn, chắc hơn. Hoặc trò chơi đánh đu của người H’Mông, vừa mang tính thể thao mà lại có thêm yếu tố cảm giác mạnh, không phải ai cũng dám chơi kể cả du khách.

Cây đu thường được dựng bởi 6-8 cây tre dài, dẻo dai, chịu được sức nặng của hai người cùng với lực đẩy quán tính. Mỗi lượt chơi có thể 1 hoặc 2 người, càng nhún mạnh, cần đu càng được nâng lên cao, chuyển từ bên nọ sang bên kia...

Các trò chơi dân gian trong lễ hội không chỉ thể hiện sâu sắc những đặc trưng trong văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của mỗi dân tộc, mà còn giúp rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai trong đời sống sinh hoạt, sản xuất hằng ngày. Những năm gần đây, tỉnh Lai Châu cũng đưa một số trò chơi dân gian phổ biến như tù lu, đẩy gậy, bắn nỏ… vào thi đấu trong các hội khỏe, đại hội thể thao, các dịp ngày hội văn hóa-thể thao.

Tại các bản du lịch cộng đồng, bà con cũng thường xuyên tổ chức trò chơi dân gian để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, đồng thời phục vụ du khách trải nghiệm. Cùng với các điệu dân ca, dân vũ, trò chơi truyền thống của các dân tộc miền núi cũng là một kho tàng về văn hóa cần được bảo tồn, phát huy.

Phát huy giá trị văn hóa

Những trò chơi dân gian của đồng bào Tây Bắc đều mang một giá trị lớn về mặt tinh thần, các trò chơi dân gian là điểm gắn kết giữa thế hệ đi trước và thế hệ sau này.

hsdgnffnnbvn.jpg
Trò chơi đu quay.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ làm thay đổi không gian sống và môi trường sinh hoạt vui chơi giải trí, cùng với công nghệ thông tin phát triển, thế hệ trẻ tìm đến với trò chơi điện tử trên điện thoại, máy tính, các trò chơi dân gian đứng trước nguy cơ bị mai một dẫn đến tình trạng mất dần những trò chơi dân gian mang tính biểu tượng của đồng bào Tây Bắc.

Các trò chơi dân gian tạo cơ hội để người dân, du khách tìm hiểu thêm về văn hoá dân tộc, nhân lên tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh.

Để gìn giữ, phát huy các môn thể thao dân tộc trên địa bàn tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao đã xây dựng Đề án “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn, khôi phục và phát huy những môn thể thao dân tộc, xây dựng cơ chế, chính sách; đào tạo nguồn nhân lực; củng cố, thành lập các liên đoàn thể thao dân tộc, xây dựng và hoàn thiện hệ thống thi đấu, mở rộng nhiều mô hình hoạt động và tăng ngân sách đầu tư cho bảo tồn, khôi phục và phát huy các môn thể thao dân tộc.

Trò chơi dân gian của đồng bào vùng Tây Bắc là một trong số những nét đẹp của dân tộc Việt Nam. Đóng góp vào sự đa dạng về nét đẹp văn hoá của đất nước ta, vậy nên cần phải gìn giữ bảo tồn không để bị mai một. Các trò chơi dân gian truyền thống đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu ở các bản, làng người Thái mỗi độ xuân về, qua các hoạt động ý nghĩa này vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, gắn kết cộng đồng dân tộc, vừa làm cho bức tranh mùa xuân thêm sinh động và nhiều màu sắc. Kết thúc các trò chơi, bà con dân bản lại quây quần bên chum rượu cần, điệu múa lăm vôn và tiếng cồng chiêng, khắc luống, làm cho không khí ngày xuân càng thêm rộn ràng, ấm áp.

Lê Du