Đời sống xã hội
Vì màu xanh quê hương
Ông Nguyễn Văn Bền và bà Hồ Thị Hết, dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Cổ Tràng, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) là chủ nhân của khu vườn đồi, vườn rừng gồm hàng trăm cây bản địa, như: Dổi, huỵnh, lim… Và xen kẽ dưới tán rừng là các loại cây dược liệu, hoa màu để “lấy ngắn nuôi dài”. Cùng với quyết tâm và các quyết sách đúng đắn của tỉnh để gìn giữ, phát triển nguồn tài nguyên quý báu của quê hương, những người yêu rừng như ông Bền, bà Hết và bao tấm gương thầm lặng đã mang đến màu xanh bền vững cho rừng Quảng Bình.
Bứt phá về đích sớm
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định mục tiêu ổn định độ che phủ rừng 68% (cuối năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh là 67,68%). Qua hơn nửa nhiệm kỳ nỗ lực phấn đấu, đến nay, tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt 68,69%. Quảng Bình là địa phương có trên 590.000ha diện tích đất có rừng, đây là con số tăng trưởng có ý nghĩa rất lớn, khẳng định hướng đi đúng và quyết tâm giữ rừng của cả hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp.
“Về đích sớm” không chỉ là những con số, mà quan trọng hơn là sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong suy nghĩ, hành động của từng tập thể, cá nhân và đặc biệt là rừng Quảng Bình đang phát triển theo hướng bền vững với những mục tiêu, kết quả cụ thể. Những thay đổi to lớn đó chính là suy nghĩ rất bình dị của người nông dân rằng trồng cây gây rừng không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân mình mà còn gieo mầm tương lai tươi đẹp cho các thế hệ cháu con.
Sản phẩm từ cây rừng bây giờ không chỉ đơn thuần là gỗ, mà người trồng rừng đã bắt đầu quen với khái niệm “giảm phát thải nhà kính”, “thị trường tín chỉ các bon”… với lợi ích thiết thực, cụ thể. Là 1 trong 6 tỉnh tham gia thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải nhà kính vùng Bắc Trung bộ giai đoạn 2023-2025, năm 2023, Quảng Bình đã nhận được 82,4 tỷ đồng (cao thứ 2 trong 6 tỉnh) từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch để khai thác tiềm năng và tận dụng thời cơ tham gia vào thị trường tín chỉ các bon rừng hiện đang được thế giới rất quan tâm.
Và dưới những tán rừng, du lịch sinh thái đang từng bước phát triển, góp phần lan tỏa các giá trị của rừng, nâng cao thu nhập cho người làm du lịch, đặc biệt là từng bước thay đổi đời sống đồng bào các dân tộc, diện mạo bản làng khi bà con trực tiếp tham gia vào chuỗi du lịch sinh thái dưới tán rừng. Bên cạnh đó, gỗ rừng trồng và nguồn phế thải lâm nghiệp là nguyên liệu phát triển viên nén sinh khối, không chỉ góp phần cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng, giảm áp lực cho rừng, phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Để rừng lên xanh
Bởi tất cả những điều tốt đẹp mà rừng mang lại cho quê hương, những năm qua, Quảng Bình đã không ngừng quyết tâm, nỗ lực để trồng rừng, giữ đất và gặt hái nhiều quả ngọt. Trong khu vườn của ông Nguyễn Văn Bền và bà Hồ Thị Hết, nhiều cây bản địa được trồng ở vùng đất cheo leo bên suối, không thuận tiện trong việc chăm sóc nhưng ông bà cho biết, để chống sạt lở, giữ đất, giữ bản, họ ưu tiên trồng ở khu vực này. Và dù biết rằng trồng cây bản địa cần thời gian rất dài mới đến ngày hưởng lợi, nhưng họ vẫn chăm chút bởi lẽ: “Miềng không hưởng thì con cháu miềng hưởng. Mấy năm qua nhờ trồng keo, tràm, chuối và dược liệu… nhà tui đã hết nghèo, con cái được đi học tử tế và làm cán bộ. Nên nhà tui sẽ tiếp tục trồng nhiều cây, đừng cho đất hở thì sẽ có rừng và không lo nghèo đói!”, bà Hết chia sẻ.
Những ngày giáp Tết Giáp Thìn, khu lán trại dưới tán rừng cao su thuộc Chi nhánh Lâm trường Phú Lâm (Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại) mang không khí rộn ràng, ấm áp của gia đình bởi sự có mặt của những công nhân, trong đó có nhiều cặp vợ chồng, miệt mài khai thác mủ cao su. Sau thời gian nỗ lực chăm sóc, giờ là lúc lâm trường và những người yêu rừng, gắn bó với rừng, gặt hái thành quả ngọt ngào.
Và trong lòng những khu rừng nguyên sinh của Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-khe Nước Trong cùng hàng nghìn ha rừng tự nhiên là dấu chân thầm lặng của những người giữ rừng để đổi lấy màu xanh vững bền cho quê hương. Sự khó khăn, vất vả, thiếu thốn cùng nhiều hiểm nguy mà lực lượng bảo vệ rừng ngày đêm phải đối mặt, trong khi các chế độ đãi ngộ còn hạn chế… là câu chuyện dài với nhiều băn khoăn, trăn trở. Nhưng lựa chọn và gắn bó với rừng, họ đã vượt qua nhiều gian khó, thậm chí có những người đã mãi mãi nằm lại dưới tán rừng trong chuyến tuần tra bảo vệ rừng mùa lũ…
Không chỉ ở dải rừng núi phía Tây của tỉnh, dọc theo 116km bờ biển, những cánh rừng phi lao, loài cây thường xanh phù hợp với rừng phòng hộ ven biển ngày càng được mở rộng, trở thành lá chắn vững chắc chắn sóng gió, cát bay, cát lấp, bảo vệ làng mạc, xóm thôn, đô thị…, kiên cường chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết. Mùa nắng, nhân viên các đội bảo vệ rừng phòng hộ ven biển phải làm việc 7/7 ngày trong tuần bởi nguy cơ cháy rừng rất cao. Với mức lương khiêm tốn nhưng khối lượng công việc mà họ phải đảm nhận là rất lớn, và nếu không có tình yêu và trách nhiệm với rừng, họ khó có thể chu toàn.
Khắc sâu lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”, Tết trồng cây năm Giáp Thìn 2024 sẽ mở đầu hành trình phủ xanh những cánh rừng, để Quảng Bình tiếp tục là điểm sáng về gìn giữ và phát triển rừng cho hôm nay và thế hệ mai sau!
Đi qua hơn nửa nhiệm kỳ nỗ lực và về đích sớm, năm 2024, Quảng Bình quyết tâm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ với những con số cụ thể, gồm: Trồng mới 8.931ha rừng tập trung; trồng 1,855 triệu cây xanh thuộc Đề án trồng 1 tỷ cây xanh; phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững cho 22.078ha rừng thuộc Khu dự trữ thiên nhiên Ðộng Châu-khe Nước Trong; cấp chứng chỉ rừng FSC cho 17.500ha rừng trồng sản xuất... Từ những kết quả khả quan trong năm 2023 và hơn nửa nhiệm kỳ qua, rừng Quảng Bình đang hứa hẹn tương lai tươi mới, vững bền! |