Văn hóa

Mùi cố hương

Nguyễn Quang Thiều 14/02/2024 - 08:40

Trong những năm đi học hay những chuyến đi ở nước ngoài, tôi hay có những khoảng khắc kỳ lạ về những mùi quen thuộc của cố hương.

Một đêm tỉnh giấc trong căn phòng ở cư xá sinh viên cao 24 tầng trước biển Caribe mênh mông ngày đêm rền rĩ tiếng sóng đập vào chân đê biển ở thành phố Havana, tôi thấy mùi rơm mốc phơi dọc ngõ nhà nồng ngái sau mưa. Tỉnh dậy ngồi im lặng rất lâu để cảm nhận tận cùng cái mùi rơm mốc ấy.

Làng tôi vào mùa gặt, rơm chưa kịp phơi khô ấp thành đống dọc ngõ, dọc đường làng. Rồi khi có mưa, những đống rơm bốc hơi ngùn ngụt. Mùi rơm mốc tôi ngửi quen thuộc từ thuở nhỏ. Ngửi lâu thành quen và cái mùi rơm mốc ấy đã gắn liền với mọi ký ức về làng vào những mùa gặt hái.

Có lúc đang ngồi trong một nhà hàng ở cảng Na Uy ăn cá hồi hay đi dọc bờ thành phố biển ở miền trung Na Uy để xem người ta nấu và quảng cáo các món cá hồi tự nhiên cứ sực nức mùi cá kho giềng non với tương của mẹ. Lại có lúc chẳng hiểu vì sao đang ngồi uống cà phê ở vỉa hè cuối thu nhưng đã lạnh mà người ta phải bật các lò sưởi giống như những cây đèn dọc đoạn phố bán cà phê, tôi lại thấy mùi khoai nướng trong bếp.

img_7551-thanh-chuong.jpg
Tranh: Thành Chương.

Đặc biệt vào những ngày ở quê nhà đang chuẩn bị đón Tết thì hương vị thân thương của những ngày Tết thường bất chợt ùa về: mùi nồi nước lá mùi già một chiều cuối năm để tắm gội, mùi hoa bưởi lác đác nở trong vườn, mùi lá dong xanh gói bánh chưng, mùi hương trầm phảng phất trong các lối ngõ, mùi đất cày ải và cả mùi vôi từ những ngôi nhà mới được quét để đón Tết.

Có những mùi do cảnh vật nơi xứ người gợi lên như khi tôi ở Cuba trong nhiều ngôi nhà họ trồng bưởi thì tôi lại nhớ mùi hoa bưởi ở vườn nhà mình chốn làng quê. Tôi đã từng viết một bài thơ về hương bưởi trong tinh thần ấy:

Hương bưởi

Hoa bưởi quê người đêm rụng vắng

Trời sương còn ướt, tháng Hai trăng

Nửa giấc tôi nằm nghe lá thức

Nhớ nhớ đêm ơi, nhớ nhớ làng

Những mảnh vườn con, những lối về

Hồn tôi man mác cánh hoa quê

Túi xưa thơm khẽ chùm hoa rụng

Cuối ngõ ai về, trăng sớm lên

Vườn hoa nở trắng, chim về nhẹ

Rung chùm hoa rụng động ban mai

Làng ơi trời đất như hương ấy

Mang cả hồn xưa sáng mặt người

Tôi đã đi qua mấy chốn trời

Nỗi niềm thương nhớ cánh hoa rơi

Vương vương giấc ngủ thềm hiên gió

Hương bưởi, hương làng ấp ủ tôi

(Havana 1986)

Nhưng có những mùi dâng lên bởi ký ức trở về. Những mùi ấy gắn chặt với đời người cả những buồn vui: mùi của đói nghèo, mùi của khổ đau. Nhưng với tôi, có một mùi bám vào ký ức tôi một cách kỳ lạ và ngập tràn thân phận. Đó là mùi con người.

Nói đến mùi người là nói đến mùi ông bà, cha mẹ và cộng đồng nơi mình sinh ra và lớn lên. Đấy là sự gắn kết, yêu thương, gần gũi. Hầu như tất cả những người ở thế hệ tôi sinh ra và lớn lên ở thôn quê cứ gặp mùi trầu, mùi dầu cao con hổ hay mùi ngải cứu là nhớ bà, nhớ mẹ. Hồi nhỏ, cứ mỗi khi tỉnh giấc trong ngôi nhà tối đen và làng quê trong đêm ấm ẳng tiếng chó sủa, tiếng những cây tre cọ vào nhau khi có gió mà ngửi thấy mùi trầu cau bà tôi ăn, mùi dầu cao hổ hay mùi ngải cứu bà tôi dùng khi bị nhức đầu là tôi lại yên tâm ngủ tiếp vì biết bà tôi đang ở bên cạnh mình và chẳng còn sợ ma hay điều gì nữa.

Hồi mới rời nhà đi xa, tôi thường khó ngủ. Tôi nhớ ngôi nhà tôi lớn lên từ thuở ấu thơ. Một mùi hương như máu thịt luôn tràn ngập ngôi nhà: mùi bà, mùi mẹ, mùi dầu hỏa, mùi thuốc bắc, mùi hương khói nơi ban thờ. Bà nội tôi bị bại liệt nằm trên giường gần năm năm mới mất. Nhiều năm sau ngày bà tôi mất, khi trở về ngôi nhà ở quê, bước vào căn phòng nơi bà tôi nằm trước khi mất, lúc nào tôi cũng thấy mùi thuốc bắc mẹ tôi sắc cho bà và mùi nước tiểu của một người bại liệt.

Thời gian thực sự đã xóa mất những mùi ấy, nhưng ký ức và tình yêu thương lại giữ lại mãi mãi. Những mùi đó đưa tôi trở về ấu thơ ngập tràn ký ức về bà. Những mùi ấy dựng bà tôi sống lại trong tôi. Nếu không có những mùi đó, mối liên hệ giữa bà tôi và tôi đã bịt cắt đứt.

Khi nói về những ngôi nhà không có người ở bị mốc, người Việt thường nói "nhà thiếu hơi người". "Hơi người" đấy chính là "mùi người".

Cái mùi đặc biệt và chứa đầy sự sống đó không phải sinh ra từ những thành phần hóa học mà sinh ra từ hiện thực đời sống và từ ký ức thẳm sâu của mỗi con người với ông bà, cha mẹ, hàng xóm, láng giềng của mình. Mùi người là một điều vừa quan trọng vừa thiêng liêng tạo nên tình yêu và ý thức nguồn cội. Và đôi khi nó xác lập nguồn cội và chủng tộc trong một thế giới rối loạn và nhiều lầm lạc.

Nguyễn Quang Thiều