Tiêu điểm

Thẩm phán mẫu mực trên đất Tây Nguyên: “Làm hết việc, không phải làm hết giờ”

Trần Sỹ 13/02/2024 - 19:29

Dù bất kỳ ở cương vị nào, Thẩm phán mẫu mực Nguyễn Tiến Sỹ, Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên - TAND tỉnh Gia Lai, cũng luôn “cháy” hết mình với công việc. Đồng thời, ông cũng là người đề cao phương châm “làm hết việc, chứ không phải làm cho hết giờ”.

Xác định nhân tố con người là quan trọng nhất

Trước khi giữ cương vị Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên của TAND tỉnh Gia Lai, Thẩm phán Nguyễn Tiến Sỹ có thời gian dài đảm nhiệm chức vụ Chánh án TAND huyện Mang Yang từ năm 2007-2012 và Chánh án TAND huyện Đak Đoa từ năm 2012-2022. Thời điểm đó, Thẩm phán Nguyễn Tiến Sỹ luôn xác nhận nhân tố con người là quan trọng nhất trong mọi công việc, lãnh đạo phải nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của cán bộ công chức, nhất là công chức nữ để bố trí, sắp xếp các vị trí công tác, công việc phù hợp năng lực, sở trường của từng cán bộ. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ và chất lượng giải quyết án, tạo nên sự đồng thuận nhất trí cao, khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ công chức phát huy hết khả năng, trí tuệ trong công tác chuyên môn cũng như các mặt công tác khác.

Ngoài ra, người đứng đầu TAND 2 huyện này, cũng thường xuyên tăng cường công tác quản lý, đôn đốc công chức, người lao động trong việc thực hiện nhiệm vụ. Tổ chức họp toàn thể công chức kết hợp việc trao đổi án vào các ngày đầu tháng, nhằm đánh giá toàn diện kết quả thực hiện các mặt công tác, kịp thời khích lệ, động viên những cán bộ, công chức có nhiều thành tích và nhắc nhở những công chức còn hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, lãnh đạo đơn vị cũng luôn tạo điều kiện cho Thẩm phán, Thư ký trao đổi với lãnh đạo về những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải quyết án cũng như dự kiến đường lối giải quyết các vụ án điểm, có tính chất phức tạp nhằm bàn bạc, thảo luận và xây dựng phương hướng giải quyết hiệu quả. Hàng quý, đơn vị tổ chức thảo luận chuyên đề pháp luật, qua đó đưa ra một số vụ án phức tạp, dư luận quan tâm để thảo luận, tranh luận và xử lý các tình huống.
Qua những buổi thảo luận, tranh luận như vậy, góp phần hạn chế sai sót, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc, đảm bảo thời hạn chuẩn bị xét xử không bị kéo dài mà còn nâng cao kiến thức về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ Thẩm phán, Thư ký của đơn vị, giúp lãnh đạo nắm bắt một cách sát sao công tác giải quyết án để đôn đốc kịp thời.

Song song với đó, đơn vị TAND huyện Mang Yang và Đak Đoa đã xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa cán bộ Tòa án với chính quyền địa phương và ban ngành, đoàn thể; thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ chung. Do đó, các hoạt động như tống đạt văn bản tố tụng, xác minh, niêm yết công khai các văn bản tố tụng, xem xét, thẩm định và định giá tài sản... hoặc các hoạt động tố tụng khác cần có sự tham gia, hỗ trợ của chính quyền địa phương đều được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo các quy định của pháp luật tố tụng.

z5157862211469_3a5ebc0b07654d0cab62053e8a8e8de3.jpg
Thẩm phán mẫu mực Nguyễn Tiến Sỹ, Chánh tòa-Tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh Gia Lai.

Hiện tại, trên cương vị là Thẩm phán, Chánh toà-Toà Gia đình và người chưa thành niên của TAND tỉnh Gia Lai, với chức trách, nhiệm vụ được giao, bản thân Thẩm phán Nguyễn Tiến Sỹ luôn thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn nghiệp vụ và chính trị. Khi được phân công làm chủ tọa phiên tòa cũng như tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Hội đồng xét giảm án và tha tù trước thời hạn, cá nhân đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Tính sơ bộ, trong thời gian từ 01/5/2021 đến 30/4/2023, Thẩm phán Nguyễn Tiến Sỹ đã thụ lý và giải quyết hàng trăm vụ án, với tỷ lệ đạt 98,7%. Bình quân giải quyết 15 vụ/tháng. Đặc biệt, trong đó không có án hủy, sửa, quá hạn.

Làm hết việc, không phải làm hết giờ!

Theo Thẩm phán mẫu mực Nguyễn Tiến Sỹ: “Để có được sự hiệu quả trong công việc, dù ở trên cương vị nào bản thân cũng phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa niềm đam mê nghề nghiệp xét xử với một quá trình phấn đấu, rèn luyện và nỗ lực hết mình. Hàng năm tôi đều đề ra các biện pháp, giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm để đưa đơn vị trở thành một trong những đơn vị thi đua dẫn đầu của TAND hai cấp tỉnh Gia Lai bằng những kinh nghiệm thực tế trong công tác.

Là người Thẩm phán, lãnh đạo đơn vị, tôi phải nêu gương, nâng cao trách nhiệm nhận giải quyết các vụ án phức tạp, xác định mỗi vụ án cũng như mỗi đương sự đều có những vấn đề riêng biệt, nên phải nghiêm túc nghiên cứu để lên kế hoạch, định hướng giải quyết tốt vụ án. Phải chịu khó học tập, nghiên cứu các văn bản pháp luật, có kiến thức phong phú về nhiều lĩnh vực, nắm chắc kỹ năng phương pháp, nghiên cứu hồ sơ, đánh giá chứng cứ, để kịp thời giải quyết các tình huống có thể xảy ra nhằm đảm bảo sự “thấu tình, đạt lý” trong mỗi bản án, mỗi quyết định”.

Mặt khác, Chánh tòa-Tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh Gia Lai luôn tăng cường mối quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết các vụ án, lắng nghe và tiếp thu những ý kiến đóng góp của đồng chí, đồng nghiệp để có biện pháp bổ sung, điều chỉnh phù hợp tạo sự đoàn kết, thống nhất và thuận lợi trong công tác.

Ngoài ra, bản thân Thẩm phán luôn hưởng ứng, triển khai kịp thời các phong trào thi đua khen thưởng từ trung ương đến địa phương, nâng cao “trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý” gắn với việc triển khai phong trào thi đua với tinh thần “Làm hết việc, không hết giờ” của Chánh án TAND tỉnh phát động, tạo phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực trong đơn vị.

z5157861898446_a8cdac96c32e84020c43ed6bdab3b24a.jpg
Đồng chí Nguyễn Tiến Sỹ-Chánh tòa-Tòa Gia đình và người chưa thành niên TAND tỉnh Gia Lai (thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh nhân chuyến công tác của TAND đi biển đảo Trường Sa.

Nhận xét về lối sống, công việc của Thẩm phán mẫu mực Nguyễn Tiến Sỹ, Thẩm phán mẫu mực Hà Viết Toàn, Phó Chánh án TAND tỉnh Gia Lai cho biết: “Thẩm phán Nguyễn Tiến Sỹ là một con người năng nổ, hoạt bát, có lối sống giản dị, tình cảm với đồng nghiệp; có uy tín, biết quy tụ, tập hợp được mọi người; gần gũi với nhân dân. Trong công việc, đồng chí luôn gương mẫu, nhiệt huyết và thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

Trong năm 2022, trên cương vị là Chánh án TAND huyện Đak Đoa, bản thân cá nhân Thẩm phán Nguyễn Tiến Sỹ đã tích cực kêu gọi sự hỗ trợ của những người bạn, những người hảo tâm đóng góp xây dựng 01 căn nhà trị giá 60 triệu đồng và nhiều đồ dùng thiết yếu cho bà con người dân tộc thiểu số ở làng Broch, xã ADok. Trong công tác chuyên môn, xét xử các loại án, Thẩm phán Nguyễn Tiến Sỹ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Năm 2017 được tặng danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, năm 2021 được tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”. Đặc biệt, ngày 13/9/2023, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tặng thưởng danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực” cho Thẩm phán Nguyễn Tiến Sỹ cùng với 3 Thẩm phán khác trong hệ thống TAND trên toàn quốc. Ngày 15/12/2023, là một trong số 27 người trong hệ thống Tòa án được Chánh án TAND tối cao tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua TAND”. Cũng trong năm này, đồng chí đã cùng Đoàn công tác của TAND đi Biển đảo Trường Sa và được Bộ tư lệnh Hải Quân-Bộ Quốc phòng tặng huy hiệu chiến sĩ Trường Sa “Góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa Tổ quốc”.

Trần Sỹ