Bàn chuyện hiền tài
Tôi đã có nhiều dịp đến Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội - “Trường đại học” đầu tiên của Việt Nam. Lần nào cũng dừng lại hồi lâu trước tấm bia tiến sĩ đầu tiên ghi lại lịch sử khoa thi năm 1442. Trên tấm bia ấy khắc ghi những dòng chữ: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”. Người soạn ra những câu nổi tiếng đó là Tiến sĩ triều Lê, Thân Nhân Trung.
Tôi cũng may mắn đôi lần về làng Yên Ninh, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Đây là vùng quê có truyền thống khoa bảng. Đền thờ 10 vị tiến sĩ các triều đại xây dựng ở ngôi “làng tiến sĩ” này. Bao năm qua đền thờ trở thành biểu tượng, nơi giáo dục truyền thống khoa bảng, khơi dậy truyền thống hiếu học cho các thế hệ mai sau.
Nói tới “trường đại học” đầu tiên không thể không nhắc đến Thân Nhân Trung, người thầy từng giữ các chức Đông các Đại học sĩ, kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám, kiêm Thượng thư bộ Lễ, Thượng thư bộ Lại... Nhưng đấy là cách nói đầy đủ khi nghiên cứu thân thế và sự nghiệp của thầy “Hiệu trưởng”. Còn người đời sau thì chỉ cần nhớ câu “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, thế là đủ, là sáng lên cái trí, cái tâm của các thế hệ người Việt vốn trọng người hiền, kính người tài.
Hiền tài góp công lớn tạo dựng nên rường cột của một triều đại, một quốc gia. Hiền tài xuất hiện như một lẽ tự nhiên, như là hạnh phúc cho cộng đồng, cho dân tộc. Đương nhiên, không tách rời hai yếu tố cơ bản, đó là phát hiện, đào tạo và trọng dụng họ.
Năm 1428, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô Đại cáo: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu”. Sao buổi sớm và lá mùa thu hiếm hoi làm vậy. Muốn vời người tài ra giúp nước thì phải cất công tìm họ nơi thôn ổ, làng mạc, rừng xanh núi thẳm, trân trọng mời họ ra giúp rập triều đình. Hơn 700 năm sau, ngày 20/11/1946, trên Báo Cứu quốc, số 411, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Tìm người tài đức". Bài báo khẳng định: “Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài”.
Hiền tài góp công lớn tạo dựng nên rường cột của một triều đại, một quốc gia. Từ cổ chí kim, khắp năm châu bốn biển, có đất nước nào muốn phát triển mà không trông cậy ở những người trí lớn tài cao, tấm lòng rộng mở. |
Với tư cách Chủ tịch Chính phủ Việt Nam, Bác “tự nhận khuyết điểm” đã không thấy hết được các bậc hiền tài, khiến cho họ không thể xuất thân: “Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin thừa nhận”. Người tài đức ở đâu? Bác giao nhiệm vụ cho các địa phương phải nhanh chóng đi tìm: “Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết.
Báo cáo phải nói rõ: Tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó. Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ”. Sau này Bác dặn kỹ thêm: Phải biết “tùy tài mà dùng người”; “Người nào có năng lực làm việc gì thì đặt vào việc ấy. Nếu dụng không đúng, người giỏi nghề thợ mộc thì giao cho việc thợ rèn, người giỏi nghề thợ rèn thì giao cho việc thợ mộc, như thế thì hai người đều thất bại cả hai”.
Suốt mấy chục năm qua, Đảng ta đã kiên trì làm theo chỉ dẫn của Bác. Chúng ta đã xây dựng được các thế hệ cán bộ cách mạng nối tiếp nhau, kiên trung, trí tuệ, bản lĩnh, luôn tin tưởng, đặt lợi ích của Đảng, của Dân tộc, của Nhân dân lên trên hết. Tổng Bí thư Trần Phú trước lúc hy sinh còn dặn lại: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Cách đây tròn 80 năm, sáng 24/5/1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ bị giải ra pháp trường.
Trước câu hỏi: “Anh có muốn nói gì nữa không?”, đồng chí đã dõng dạc tuyên bố: “Tôi không cần nói gì nữa! Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước, và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”. Và rất nhiều những tấm gương trung liệt, sáng mãi muôn đời sau.
Từ chiến tranh sang hòa bình, xây dựng, một thế hệ người Việt Nam mới hình thành. Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thời kinh tế số, xã hội số cần có những công dân toàn cầu là một lẽ đương nhiên. Cụm từ Công dân toàn cầu (Global Citizen) có từ khi thế giới chạm vào cánh cửa công nghiệp hóa. Trong những năm đầu thế kỷ 21, đã có một ngày dành riêng cho những công dân này, có tên là Ngày Công dân Toàn cầu, ngày 20/3 hằng năm. Mấy năm nay chúng ta thường nghe những câu nói mang tính biểu tượng, rằng thời nay các bạn trẻ “thế hệ Z” (thế hệ đầu tiên lớn lên với sự tiếp cận Internet, cùng các thiết bị số và điện tử) bước thêm một bước là gặp thế giới rồi.
Với “thế hệ Z” phải có một thế hệ cán bộ tương xứng. Hiền tài thời nay nếu giữ vai trò người thủ lĩnh thì phải xứng đáng là người lĩnh xướng dàn nhạc dựng xây, phát triển đất nước, hướng tới mục tiêu xây dựng nước Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ 21. Mong ước là thế, mục tiêu của Đảng của Dân là thế. Chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tính toán căn cơ đường đi nước bước.
Đã xuất hiện một đội ngũ cán bộ trẻ, được đào tạo cơ bản, năng động, sáng tạo, hết lòng vì việc chung. Ở họ có sự thống nhất giữa lời nói và việc làm. Họ quên cái tôi của mình để hòa nhập với cái tôi lớn lao hơn. Cái lớn lao hơn ấy ở trên đỉnh trời nhưng không cao, ở dưới đáy đất nhưng không sâu. Nó có trước trời đất, nhưng không xưa. Nó cổ hơn ngày xưa, nhưng không già. Đó là đạo đức, lương tâm; là cái “hiền” gắn quyện với cái “tài”.
Tiếc rằng, còn khá nhiều người khi có chút danh phận thì đam mê quyền lực. Họ lấy quyền lực làm đích để tiến thân, để kiếm tiền, để sai bảo, đe nẹt người khác... Vì lựa chọn cán bộ theo kiểu “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ” mà nảy sinh bao thói nhiễu nhương, sinh ra bao căn bệnh khác.
Đảng ta trong các Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ rất rõ những căn bệnh này, gốc rễ vẫn là do chủ nghĩa cá nhân, do thiếu tu dưỡng rèn luyện. Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành T.Ư đã quy hoạch một bước Ban Chấp hành T.Ư Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031. Đây là bước khởi đầu quan trọng của quá trình xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Nhưng không phải quy hoạch xong là thở phào nhẹ nhõm.
Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Công tác cán bộ là công tác con người, hết sức quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi chúng ta phải rất công tâm, khách quan, trong sáng, đặc biệt là phải có con mắt tinh đời, đừng “nhìn gà hóa cuốc”, đừng “thấy đỏ tưởng là chín”, có khi “xanh vỏ mà đỏ lòng đấy”.
“Nhìn” và “thấy” không đúng bản chất con người chính là quan liêu, là thiếu con mắt xanh. Tôi nhớ đến bức thư của V.I Lênin “Gửi G. I-a. Xôcônnicốp”. Ông viết: “Toàn bộ công việc của tất cả các cơ quan của chúng ta bị khốn khổ trước hết vì tệ quan liêu. Không ít những người cộng sản đã trở thành những cán bộ quan liêu”. Từ lúc đó, Lênin đã cảnh báo: “Nếu có cái gì sẽ làm tiêu vong chúng ta thì chính là cái đó”.
“Cái gì làm tiêu vong chúng ta”, điều ấy rõ rồi. Khi ấy “nguyên khí suy” và “thế nước yếu”. Nhận rõ để sửa chữa và đi lên, đó là dấu hiệu của một Đảng mạnh. Và câu chuyện bồi dưỡng, lựa chọn hiền tài cho hôm nay vẫn tươi xanh, mới mẻ làm sao!