Nỗ lực "giảm nghèo thông tin” vùng đồng bào DTTS
Thiếu hụt thông tin là một trong những chỉ số thuộc về tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm qua, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định việc phổ cập dịch vụ internet, mạng di động, tăng cường chuyển đổi số... có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Góp phần giảm nghèo đa chiều
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Giảm nghèo về thông tin là vấn đề rất quan trọng nhằm đưa thông tin đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Theo đó, thông tin được coi là một trong 5 dịch vụ xã hội cơ bản trong chuẩn nghèo đa chiều (gồm: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và thông tin). Trong đó, sự thiếu hụt thông tin với đồng bào các dân tộc thiểu số, người sống ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được xét trên 2 tiêu chí: Sử dụng dịch vụ viễn thông và tài sản phục vụ tiếp cận thông tin.
Hiện nay, công tác dân tộc, miền núi có nhiều chuyển biến tích cực. Tất cả các huyện đều có đường đến trung tâm; 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm; 100% xã được tiếp cận với điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3 % xã có trạm y tế; gần 100% số xã có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa.
Mặc dù Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi song khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng, miền chưa được thu hẹp. Khả năng tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ xã hội cơ bản của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế; hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan chậm được khắc phục…
Do đó, năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Trong chương trình này, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ thực hiện dự án giảm nghèo về thông tin, với những mục tiêu rất cụ thể như: Nâng cao năng lực truyền thông; nâng cao kỹ năng viết bài cho phóng viên, biên tập viên trong công tác truyền thông các nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu cho xã hội, nhất là đối với các vùng núi, vùng sâu, xùng xa, hải đảo, người dân sinh sống tại các địa bàn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Phổ cập hạ tầng số
Quán triệt mục tiêu giảm nghèo thông tin trong Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quan tâm đầu tư về dịch vụ viễn thông và phương tiện tiếp cận thông tin cho người dân các địa phương vùng sâu, vùng xa gắn với thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số.
Hạ tầng kỹ thuật viễn thông cũng ngày càng được đầu tư hoàn thiện, các dịch vụ viễn thông và internet đảm bảo chất lượng ổn định.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực tế triển khai cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, dần xây dựng một cộng đồng dân cư số và gắn kết với nhau hơn, tăng hiệu quả thực hiện các hoạt động, giải pháp giảm nghèo.
Từ những thành công bước đầu, Bộ đã ban hành hướng dẫn thí điểm triển khai tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương.
Cùng với việc chú trọng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác thông tin truyền thông, Bộ đã hỗ trợ nhiều địa phương sử dụng đa dạng hình thức tuyên truyền đến tận cơ sở; đảm bảo nội dung thông tin, tuyên truyền phong phú, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết thực của người dân.
Nhiều tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa đã có những hình thức tuyên truyền như in cẩm nang tuyên truyền với nội dung về các chính sách, pháp luật, chủ trương của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo; tổ chức các hội thảo phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật, công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng trong sản xuất, những mô hình sinh kế bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và phòng, chống biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ thông tin…
Các cơ quan thông tin đại chúng thực hiện tác phẩm báo chí truyền thông có tính chuyên đề nhằm cung cấp thông tin thiết yếu. Nội dung thông tin, tuyên truyền có tính chuyên đề bám sát với đời sống xã hội; bảo đảm phù hợp, thiết thực với người nghèo, trong đó, tập trung vào các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu.
Tùy theo đặc trưng văn hóa vùng miền, các địa phương đã phát huy hiệu quả hệ thống thông tin cơ sở, giúp tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân…
Bên cạnh đó, các địa phương cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ người dân, nhất là người nghèo, dân tộc thiểu số sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp họ chủ động hơn trong tiếp cận chính sách, tìm kiếm nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp để thoát nghèo bền vững, từng bước tiếp cận, sử dụng các nền tảng, dịch vụ số.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đi qua 4 năm. Năm 2020 khởi động; 2023 là năm dữ liệu số và giờ đã đủ điều kiện để chuyển đổi số quốc gia, gắn với nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2024 sẽ là năm ngành Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm theo chủ đề: "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: “Kinh tế số là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng, vừa giúp tăng trưởng GPD, vừa tăng năng suất lao động. 2024 sẽ là năm phổ cập hạ tầng số, phổ cập các thành tố nền tảng của chuyển đổi số, phát triển các ứng dụng số để phát triển kinh tế số, tạo ra động lực mới để tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động.
Theo Bộ trưởng, 2024 cũng là năm báo chí, xuất bản, truyền thông coi không gian mạng là mặt trận chính, với quan điểm vừa chuyển đổi số báo chí, vừa bảo đảm không gian mạng lành mạnh; xử lý thông tin xấu độc trên mạng; quản lý các nền tảng số xuyên biên giới và hoạt động tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.