Những nghệ sĩ của buôn làng
Theo thời gian, cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào từng buôn làng Tây Nguyên. Hình ảnh các chàng trai đánh chiêng, các cô gái nắm tay nhau nhảy điệu xoang bên bếp lửa dần thưa vắng, ché rượu cần cũng dần phai nhạt.
Những nét văn hóa được xem là “hồn cốt” của vùng đất bazan này dần mai một. Nhưng rất may vẫn còn có nghệ nhân, nghệ sỹ già đã và đang trăn trở tìm cách để bảo tồn, gìn giữ những nét văn hóa truyền thống.
Trăn trở với văn hóa cổ truyền
Trong cộng đồng dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk, Nghệ nhân ưu tú Ama H’Loan hết sức nổi tiếng. Ông không chỉ am hiểu văn hóa của dân tộc mình mà còn có khả năng chơi được rất nhiều nhạc cụ truyền thống.
Nghệ nhân Ama sinh ra ở vùng Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk. Từ khi còn nhỏ, ông đã say mê tiếng chiêng, tiếng đàn, tiếng sáo trong các lễ hội của buôn làng như lễ dựng nhà rông, lễ mừng lúa mới, lễ trưởng thành, lễ bỏ mả hay những đêm dài nghe kể khan...
Tất cả những hội đó đều không thể vắng âm thanh của các loại nhạc cụ truyền thống và nó dần ngấm vào máu Ama một cách hết sức tự nhiên, như hơi thở.
Kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, như bao chàng trai Ê Đê khác, Ama lên đường tòng quân, trực tiếp cầm súng chiến đấu cho đến ngày đất nước thống nhất. Sau năm 1975, ông làm Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đắk Lắk rồi sau đó chuyển về công tác ở Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Đến năm 2000, Ama chính thức nghỉ hưu.
Kể từ đó, Ama mới có nhiều thời gian dành cho niềm đam mê âm nhạc của mình. Ông lặn lội khắp các buôn làng, nghe người già mô tả lại các nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Ê Đê nói riêng, nhạc cụ của các dân tộc bản địa Tây Nguyên nói chung rồi ghi chép, học hỏi, làm theo.
Dẫu nhiều lần thất bại khi chế tạo nhạc cụ, ông vẫn không nản chí. Cuối cùng, ông cũng thành công khi biến những vật liệu có sẵn như tre, trúc, trái bầu khô, gỗ, sừng trâu... thành nhạc cụ, phát ra âm thanh quyến rũ người nghe.
Bằng tình yêu và đôi bàn tay khéo léo của ông, hơn 20 loại nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê như đing năm, đing puôt, đing klut, đing tăkta, kipăh, đàn t’rưng, ching kram... đều được chế tác thành công.
Ama kể, lúc đầu, để hoàn thành một nhạc cụ có âm thanh chuẩn, ông phải làm đi làm lại nhiều lần. Khi đã làm quen, ông chỉ cần ước lượng bằng mắt và dùng tay để đo những vị trí cần khoan lỗ thoát âm hay thông hơi và khoảng cách dài, ngắn của ống nứa làm nhạc cụ mà không cần đến thước.
Trong quá trình chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ, nhận thấy có thể chỉnh sửa một chút khiến nhạc cụ hay hơn, Ama còn “chế” lại một phần, giúp nhạc cụ nhìn vừa đẹp mắt, lại dễ sử dụng hơn, âm thanh hay hơn.
Đến giờ, ông là một trong số nghệ nhân hiếm hoi ở Đắk Lắk giữ được bí quyết tạo ra thanh âm, điệu thức chuẩn xác và giàu bản sắc nhất cho mỗi loại nhạc cụ làm bằng tre, trúc và cũng là người có khả năng thẩm âm, chỉnh chiêng theo đúng chuẩn của âm nhạc truyền thống dân gian Tây Nguyên.
Ông còn được Bảo tàng Đắk Lắk nhờ chỉnh chiêng, phục chế nhạc cụ và là người giới thiệu với du khách về các sản phẩm nhạc cụ dân tộc Ê Đê.
Hơn 20 năm qua, hầu như ngày nào Ama H’Loan cũng bận rộn với công việc chế tác các nhạc cụ của dân tộc Ê Đê. Ông không nhớ mình làm ra bao nhiêu sản phẩm, chỉ biết rằng, tháng nào cũng có người từ nhiều huyện trong tỉnh Đắk Lắk đến đặt hàng ông làm đàn, các đoàn ca nhạc dân tộc, các đội văn nghệ dân gian ở các huyện, xã, buôn làng có nhu cầu biểu diễn nhạc cụ truyền thống... cũng tìm đến ông.
Gắn bó với các giai điệu của nhạc cụ dân tộc, Ama H’Loan còn là một nghệ nhân tham gia biểu diễn cồng chiêng và nhạc cụ dân tộc ở nhiều tỉnh, thành trong nước, đặc biệt là ở Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội).
Năm 2014, ông còn cùng một số nghệ nhân ở Đắk Lắk được mời sang Phần Lan biểu diễn trong chương trình Festival âm nhạc dân gian quốc tế Sommelo. Chuyến đi này là một kỷ niệm đáng nhớ và khó quên nhất trong tâm trí Ama. Công chúng nước bạn tỏ ra hết sức ngạc nhiên và thán phục trước những nhạc cụ được ông biểu diễn và tự tay chế tác từ vật liệu tre, nứa lấy từ núi rừng Tây Nguyên.
“Thế hệ trẻ bây giờ mê các loại nhạc cụ du nhập từ nước ngoài hơn là thích những nhạc cụ truyền thống của ông cha. Người biết chế tác, sử dụng nhạc cụ dân tộc ngày càng hiếm hoi. Tôi lo lắm, vì giờ đây ở các buôn làng không còn mấy người biết chế tác, chỉnh sửa nhạc cụ nữa”, Ama H’Loan chia sẻ.
Chính vì nỗi lo ấy mà từ nhiều năm nay, dẫu sức khỏe suy giảm, song nghệ nhân Ama H’Loan vẫn cố gắng truyền dạy âm nhạc cổ truyền và cách chế tác nhạc cụ dân tộc cho lớp trẻ. Bởi ông lo sợ rằng, một mai những người già Ê Đê như ông nằm xuống thì những tinh hoa văn hóa cổ truyền của dân tộc cũng bị “chôn” theo.
Cố gắng bảo tồn
Ngoài Ama H’Loan, người Ê Đê còn có một “báu vật sống” nữa là nghệ nhân Y Mip Ayun, hay còn gọi là Ama Kim (80 tuổi, ở buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
“Từ nhỏ tôi đã say mê nhạc cụ dân tộc truyền thống, từ cồng chiêng đến các nhạc cụ bằng tre trúc. Ngày đó, đàn ông trong buôn hầu như gia đình nào cũng có chiêng, cũng có người biết chơi chiêng. Cứ mỗi dịp lễ hội là vui lắm. Mỗi khi có thời gian rảnh, tôi lại tới nhà các trưởng bối trong buôn để học đánh chiêng và các loại nhạc cụ khác”, Ama Kim chia sẻ.
Nhờ say mê tìm hiểu, lại có năng khiếu nên Ama Kim sớm nắm rõ mọi kỹ thuật của từng loại nhạc cụ từ cồng, chiêng cho tới đinh năm, đinh tặc tà, đinh puôt... Không chỉ biểu diễn giỏi, am hiểu nhạc cụ dân tộc, ông còn tự chế tác nhiều loại nhạc cụ và làm mới hình thức của nhạc cụ, vừa tiện sử dụng, vừa đẹp mắt. Ví dụ như bộ chiêng 7 chiếc nhỏ nhắn được chế tác bằng nắp thùng phuy.
Trong đó, đáng chú ý là bí quyết tạo ra nhạc cụ dân tộc bằng tre, trúc chuẩn mực nhất. Bí quyết đó là chiếc lam tre hay còn gọi là lưỡi gà trong mỗi loại sáo, kèn, trống.
Lưỡi gà là mảnh tre chỉ nhỏ bằng móng tay được rạch 3 đường theo hình chữ U để gắn vào đầu ống thổi. Nghe có vẻ đơn giản nhưng đó lại là hồn cốt của nhạc cụ tre, trúc mà không phải người chế tác nào cũng làm chuẩn được.
“Lưỡi gà dày quá thì hạn chế độ rung, mỏng quá thì dễ bị rách khiến âm thanh không chuẩn. Các đường vạch trên lưỡi gà phải làm cực kỳ tinh xảo, độ hở của nó phải đúng thì mới có âm thanh chuẩn nét của nhạc khí Tây Nguyên”, nghệ nhân Ama Kim giải thích.
Cả cuộc đời gắn bó với nhạc cụ dân tộc bằng tâm huyết của người con Ê Đê, nghệ nhân Ama Kim đã đoạt nhiều giải thưởng và được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Nghệ nhân xuất sắc trong Liên hoan Văn hóa nghệ thuật Tây Nguyên; Giải Bông sen vàng tại Liên hoan Hòa tấu âm nhạc dân tộc TP. HCM lần 2, năm 1997; Giải nhất môn đánh chiêng của TP. Buôn Ma Thuột năm 1997; Huy chương vàng tại Liên hoan Văn hóa cồng chiêng toàn quốc; Huy chương vàng Các tiết mục hòa tấu nhạc cụ đinh năm, tù và, đinh puôt, đinh tặc tà… Năm 2007, ông vinh dự được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
Giờ đây, khi đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nghệ nhân chỉ mong tìm được người thực sự tâm huyết với nhạc cụ truyền thống để truyền nghề, truyền tâm huyết cả đời của mình. Mấy năm nay, Sở VH-TT-DL tỉnh Đắk Lắk thường mở các lớp dạy đánh cồng chiêng cho thiếu nhi và mời Ama Kim về truyền dạy.
Ngoài ra, Ama Kim còn mở lớp dạy đánh chiêng, chơi nhạc cụ dân tộc Ê Đê cho thế hệ trẻ, thanh niên các buôn làng. Thỉnh thoảng vào chiều thứ bảy hay chủ nhật, trong căn nhà sàn đậm nét truyền thống của Ama Kim ở buôn Kô Siêr lại vang lên rất nhiều giai điệu truyền thống. Học viên của ông có nhiều độ tuổi khác nhau, đến từ những địa phương khác nhau, nhưng tất cả đều có mong muốn là học được những tinh hoa của các loại nhạc cụ dân tộc mà Ama Kim truyền dạy.
Trong căn nhà của Ama Kim có treo rất nhiều nhạc cụ dân tộc bằng tre trúc. Hầu hết những nhạc cụ đó do chính chủ nhân ngôi nhà chế tác qua hàng chục năm qua. Chúng được nâng niu, trân trọng chả khác gì báu vật.
Cũng giống như Ama H’Loan, nghệ nhân Ama Kim luôn xem các loại nhạc cụ truyền thống là hồn cốt, là bản sắc văn hóa của người Ê Đê. Thế nên dù cho có phải bỏ ra nhiều công sức, ông cũng sẽ tiếp tục cố gắng để những tinh hoa văn hóa của tổ tiên không bị lãng phai đi.