Tiếp nối những mùa Xuân no ấm
Khi những cành đào bung mình khoe sắc thắm báo hiệu một năm mới đến, trên Cao nguyên đá, huyện biên giới Đồng Văn, (Hà Giang) cũng tấp nập đón mùa Xuân gõ cửa. Mùa xuân này, bức tranh vùng cao Đồng Văn đã có nhiều khởi sắc nhờ phát triển đồng đều mọi mặt kinh tế-xã hội, Quốc phòng-An Ninh được giữ vững. Ấm no đang về với bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Đồng chí Dinh Chí Thành, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cho biết: Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song, huyện đã quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, đề án lớn của tỉnh, huyện, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Đồng thời nỗ lực thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi cho người có công, an sinh xã hội; chú trọng đào tạo nghề nâng cao chất lượng lao động; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức các cấp; tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia. Đặc biệt, du lịch Đồng Văn có bước tiến vượt bậc, đã và đang khẳng định mình, trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong nước và quốc tế nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống.
Xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là bước đi vững chắc, đặc biệt, đáp ứng yêu cầu thực tế, những năm trở lại đây, huyện Đồng Văn tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phục vụ du lịch. Trong đó, đẩy mạnh chuyển đổi 146 ha đất trồng ngô sang các loại rau chuyên canh, cho thu nhập cao gấp từ 4 đến 12 lần so với trồng ngô. Năm 2023, toàn huyện đã cải tạo mới được 50 vườn tạp, tổng thu nhập của các vườn sau cải tạo đạt trên 6 tỷ đồng, thu nhập trung bình mỗi vườn đạt 18 triệu đồng/năm, qua đó giúp 41 hộ thoát nghèo, 19 hộ từ nghèo lên cận nghèo.
Bên cạnh đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhiều chỉ tiêu kinh tế của huyện đạt và vượt. Trong đó: Giá trị sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đạt trên 179 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt 589 tỷ đồng. Các dự án trong chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai đồng bộ, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành 201 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, bình quân đạt gần 12 tiêu chí/xã, không có xã dưới 10 tiêu chí. Trong năm, hoàn thành 6 công trình kéo điện cho các thôn chưa có điện, trong đó có 2 thôn biên giới, nhờ đó 34/34 thôn biên giới có điện. Đến nay, tổng số thôn địa bàn huyện có điện là 222/225 thôn, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%. Ngoài ra, các xã, thị trấn đã huy động xã hội hoá được 1.615 đèn năng lượng mặt trời với tổng kinh phí là 4 tỷ đồng lắp đặt cho 120 tuyến đường trục thôn và trục đường trung tâm các xã, thị trấn.
Năm 2023 là năm bùng nổ của du lịch trên địa bàn huyện nhờ sự đổi mới các hoạt động văn hóa, văn nghệ để thu hút khách du lịch. Nhiều hoạt động văn nghệ dân gian kết hợp hiện đại, trò chơi truyền thống được tổ chức đã tạo sân chơi cho du khách tại sân chợ Phố cổ vào buổi tối hàng ngày; các xã tổ chức các đội văn nghệ dân gian trình diễn múa khèn, thổi sáo tại các điểm dừng chân. Nhờ đó lượng khách du lịch đến địa bàn huyện tăng đột biến so với cùng kỳ, đạt 717.944 lượt khách, vượt 3,97% so với năm 2022.
Những chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023 thể hiện rõ nét sự đồng lòng, chung sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Đồng Văn đã và đang dần bắt kịp với nhịp độ phát triển của tỉnh, đất nước và đang vươn lên bằng chính sức mạnh nội lực của mình. Diện mạo vùng cao ngày càng thay đổi với gương mặt mới; đời sống của người dân được nâng cao, mang lại niềm tự hào và phấn khởi. Mùa Xuân này, bà con các thôn biên giới của huyện đã được đón Tết cổ truyền trong ngôi nhà kiên cố, dưới ánh điện sáng; trong nhà có gạo trắng, có thịt lợn treo, no ấm về gõ cửa mỗi nhà.