Nhớ phiên chợ Tết
Một mùa xuân đã về. Mùa của chồi non lộc biếc, mùa của đất trời giao hòa mang tới niềm tin, hy vọng. Mùa xuân, cũng là mùa bắt đầu của một năm mới, mùa của an vui, hạnh phúc. Cánh đồng hoa đã bắt đầu khoe sắc; phố phường đã dần hối hả. Các bà, các mẹ ai cũng thấy mình bận rộn hơn, muốn hoàn thành công việc sớm hơn để đi chợ Tết.
Chợ Tết, trong tâm thức của người Việt thì ở đâu cũng có. Từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến hải đảo xa xôi đều có chợ phiên, chợ Tết. Chợ Tết từ xưa đến nay không chỉ là nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa mà còn là vùng ký ức văn hóa truyền thống, là bức tranh đầy màu sắc làm nên nét độc đáo Tết cổ truyền của người dân Việt Nam.
Đi chợ Tết, có lẽ thích nhất là đi chợ quê. Chợ quê có chợ làng, chợ phiên, chợ huyện. Chợ làng ngày nào cũng họp từ tờ mờ sáng đến tối nhọ mặt người. Chợ huyện đôi khi họp theo phiên vào ngày chẵn hoặc lẻ tùy theo quy định của mỗi vùng miền. Tuy nhiên, vào dịp áp Tết thì hầu như chợ ngày nào cũng họp, người mua bán tấp nập. Hàng quà bánh, hàng rau củ quả, trầu cau, vàng mã, đèn hương… cứ tràn cả ra hai bên đường, thậm chí xen lẫn hàng hoa đào, quất cảnh. Không khí mua bán ở chợ quê rất nhộn nhịp.
Nhiều chợ vào những ngày cuối năm không chen chân nổi, lời chào hỏi vừa ân tình, vừa vội vã, nét mặt ai cũng rạng rỡ, nhất là phụ nữ. Họ đi chợ ngoài thiên chức của người mẹ, người vợ, còn có nhu cầu gặp gỡ thăm hỏi, trò chuyện, chia sẻ với nhau về công việc của năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến.
Cách đây hơn chục năm đã có lần tôi đi chợ Chũ vào ngày giáp Tết. Đây là một trong những chợ truyền thống của người dân huyện Lục Ngạn. Quả thật, chợ có một sức hấp dẫn riêng rất đặc biệt, nhất là những ngày cuối năm và đầu năm mới. Sức hấp dẫn của chợ ngoài phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, còn có nét văn hóa rất độc đáo, được bà con dân tộc thiểu số nơi đây duy trì qua nhiều thế hệ.
Vào những ngày áp Tết, dịp du xuân, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chí… váy áo chỉnh tề theo phong tục, họ vừa đi chợ bán các sản vật như rượu ngô, măng vầu, măng nứa, lạt giang… vừa cùng nhau hát dân ca, hát sli, lượn, hát đối đáp, hát then và tham gia trình diễn các trò chơi dân gian của dân tộc mình. Chợ Chũ trước kia họp theo phiên, nay đời sống kinh tế của cư dân khá giả hơn nên ngày nào chợ cũng họp. Vào những ngày áp Tết, dịp lễ hội, chợ kéo dài từ trung tâm huyện đến hết bờ hồ Thanh niên và kéo dài trên nhiều tuyến đường phố. Dòng người đổ về chợ mua sắm, vui xuân đón Tết tấp nập làm cho thị trấn vùng cao thêm nhiều âm sắc.
Nhìn phiên chợ Chũ cuối năm hút khách thật ấm lòng, thấy cuộc sống người dân nơi đây và đồng bào các dân tộc ngày càng khởi sắc, thấy hương vị quê nhà trong những sạp hàng nông sản, thấy những món ăn đặc sắc của mỗi dân tộc được bày bán giản dị mà vô cùng công phu, tỉ mỉ. Nhìn những sắc màu sặc sỡ váy áo, trang phục của đồng bào các dân tộc xuống chợ tôi lại nhớ đến câu thơ của nhà thơ Đoàn Văn Cừ: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh/ Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết/ Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc…” càng làm cho chợ Tết mùa xuân thêm phần quyến rũ, đầy ắp ân tình.
Với người dân thành thị, lựa chọn đi chợ Tết với họ có thể đơn giản hơn bởi cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị luôn mở cửa phục vụ người dân mua sắm. Tuy nhiên không vì thế mà họ bỏ qua những dịp đi chợ sắm Tết. Tính riêng ở TP Bắc Giang cũng dễ đến gần chục chợ truyền thống như: Chợ Dĩnh Kế, chợ Hà Vị, chợ Thương, chợ Ngô Quyền, chợ Tiền Môn, chợ Cầu Chui…
Xét ở một phương diện nào đó, không chợ nào vượt qua được chợ Thương về quy mô và sự sầm uất. Chợ Thương còn được biết đến là chợ có bề dày lịch sử, truyền thống, buôn bán tấp nập, trở thành biểu tượng của người Phủ Lạng Thương xưa và TP Bắc Giang hôm nay. Chợ Thương chiếm một vị trí quan trọng nằm trong lòng thành phố, phía Tây giáp với sông Thương, phía Đông, Nam giáp với các tuyến đường: Quang Trung, Lý Thái Tổ (phường Trần Phú), Thánh Thiên (phường Lê Lợi)…
Chợ Thương những ngày Tết ngoài bán buôn vẫn còn nguyên những nét chung của một chợ xuân ấm áp mang phong vị truyền thống của người dân TP Bắc Giang. Có dịp trò chuyện, chị Đinh Thu Hiền chia sẻ, nhà chị trước kia ở phố Quang Trung, lớn lên lấy chồng về ở phường Trần Nguyên Hãn. Ngày bé chị hay được ông nội cho ra chợ Thương, ra bờ hồ xem các ông đồ viết câu đối, thư pháp và xin chữ đầu năm. Bây giờ mỗi khi Tết đến, xuân về, chị lại đưa các cháu về phố cũ đi chợ Tết, vừa để thăm lại các gian hàng thư pháp, vừa để các cháu xin chữ gửi gắm những ước nguyện trong ngày xuân. Hơn nữa, để thấy một không gian văn hóa đặc sắc của chợ Tết trên đường phố cuối năm.
Chợ Thương vào những ngày áp Tết cũng bày bán cơ man hàng hóa với đủ sắc màu, từ hàng cao cấp cho đến hoa quả, lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, vàng mã, đèn hương. Chợ còn bày bán các chậu cây cảnh nhỏ xinh như đào, mai, cúc, quất và cả hòn non bộ. Có lẽ không riêng chị Hiền, với nhiều người, đi chợ, ngoài mua sắm, mặc cả còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, đó chính là một phần nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Đi chợ Tết, có lẽ thích nhất là đi chợ quê. Chợ quê có chợ làng, chợ phiên, chợ huyện. Chợ làng ngày nào cũng họp từ tờ mờ sáng. Chợ huyện đôi khi họp theo phiên vào ngày chẵn hoặc lẻ tùy theo quy định của mỗi vùng miền.