Duy trì nét đẹp trong lễ hội
Đầu năm mới, theo phong tục tập quán, nhiều lễ hội truyền thống diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Các địa phương quán triệt tinh thần lễ hội không chỉ là dịp giới thiệu, quảng bá với du khách trong, ngoài nước về văn hóa truyền thống, độc đáo mà còn tổ chức trang trọng, đảm bảo đúng nghi thức truyền thống và mang những dấu ấn đặc trưng…
Để mùa lễ hội an vui
Là Thủ đô với nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa, Hà Nội có nhiều điểm tham quan gắn với lễ hội. Năm nay, Thành phố đã sẵn sàng cho mùa lễ hội Xuân năm nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch của các địa phương, bảo đảm môi trường văn hóa lành mạnh phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết.
Với hơn 1.500 lễ hội với nhiều quy mô khác nhau, trải rộng ở tất cả các quận, huyện, thị xã, trong đó, các lễ hội truyền thống chủ yếu tập trung vào mùa Xuân, Hà Nội có nhiều lễ hội lớn, thu hút đông đảo khách tham quan như: Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa, quận Đống Đa; lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức; lễ hội đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh; lễ hội Cổ Loa ở huyện Đông Anh; lễ hội Gióng đền Sóc ở huyện Sóc Sơn; lễ hội Gióng đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm; lễ hội chùa Trăm Gian ở huyện Chương Mỹ...
Để khắc phục tình trạng “phản cảm” trong lễ hội, mùa lễ hội Xuân 2024, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các các ngành liên quan, các địa phương không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư. Tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tại chùa Hương, để chuẩn bị cho lễ hội chùa Hương năm nay, Ban tổ chức đã thành lập 5 tiểu ban và thông qua quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho từng thành viên các tiểu ban, các tiểu ban xây dựng kịch bản quản lý tổ chức lễ hội an toàn, chu đáo. Lễ hội Chùa Hương năm 2024 được tiếp tục duy trì hình thức bán vé tham quan thắng cảnh bằng vé điện tử. Ban tổ chức bỏ việc bán vé tại 2 cổng Tiên Mai và Đục Khê để đảm bảo thông thoáng, thuận tiện cho du khách về tham quan, trẩy hội. Công ty CP Chùa Hương xanh tiếp tục đưa vào thí điểm mô hình chạy xe điện tại các điểm bến xe để phục vụ du khách.
Ban tổ chức còn tham mưu các nội dung thực hiện công tác đổi mới tại lễ hội như: Rà soát việc triển khai thực hiện đề xuất tăng giá vé thắng cảnh, giá vé thuyền đò; công tác quản lý, điều hành vận chuyển khách; tham mưu về giá vé xe điện, giá dịch vụ xuồng đò; chỉnh trang về công tác trang trí, bố trí an ninh trật tự bảo vệ lễ hội; xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền, đề xuất với Sở Du lịch tổ chức các Chương trình, Hội nghị xúc tiến quảng bá hình ảnh về du lịch thắng cảnh Hương Sơn; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ và nhân dân về văn hóa ứng xử, phục vụ du khách từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Hay tại lễ hội Gióng đền Sóc năm 2024, từ cuối tháng 12/2023 huyện Sóc Sơn đã ban hành kế hoạch tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị Lễ hội Gióng - Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; giá trị Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Đền Sóc - Di tích Quốc gia Đặc biệt tới nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế. Thông qua các hoạt động của lễ hội, nhằm quảng bá hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của huyện để đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Để tổ chức tốt lễ hội, UBND huyện Sóc Sơn đã yêu cầu tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách giá vé đúng qui định, không để tổ chức, cá nhân bắt chẹt du khách. Trong 3 ngày hội, tuyệt đối không tổ chức trông giữ phương tiện tại khuôn viên của di tích. Bố trí sắp xếp hàng quán ngăn nắp; nghiêm cấm nâng giá cao; không bán hàng rong; buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; tổ chức trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình, ăn tiền; bày bán các loại ấn phẩm mê tín dị đoan; sử dụng loa công suất lớn.
Hài hòa giữa lễ hội và phát triển du lịch
Cả nước hiện có hơn 8.000 lễ hội/năm, các lễ hội đầu năm vẫn luôn là nơi tái hiện sinh động những giá trị truyền thống tốt đẹp, thể hiện đậm đà bản sắc dân tộc. Các địa phương hiện nay luôn nêu cao nhận thức về vai trò lễ hội trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân. Nhìn chung các hoạt động được tổ chức lành mạnh, trang trọng, truyền tải được truyền thống yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa vùng miền độc đáo như: Lễ hội Pháo Đồng Kỵ mùng 4 tháng Giêng tại Từ Sơn, Bắc Ninh. Lễ hội luôn thu hút hàng nghìn người tham gia trong nhưng không có cảnh chen lấn, giẫm đạp. Hiện tượng ăn xin, trộm cắp, hàng rong… cũng ít xảy ra.
Tại Hà Nam, năm nay, Ban tổ chức các điểm lễ hội quán triệt tinh thần tất cả vì lễ hội vui tươi, lành mạnh. Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024 khai mạc vào ngày mùng 7 tháng Giêng (ngày 16/02 dương lịch). Bên cạnh phần lễ, phần hội sẽ được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động giao lưu thể thao, trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh; hội thi vẽ, trang trí trâu; tổ chức các trò chơi dân gian, thi làm bánh dầy giữa các dòng họ làng Đọi Tam...
Đối với Lễ hội đền Trần (Nam Định) khai mạc tối ngày 14 tháng Giêng (23/2/2024 dương lịch), năm nay, các nghi lễ tâm linh vẫn được tiến hành trong Đền. Các nghi lễ hành chính và phần hội sẽ được tiến hành ở sân tâm linh (sân cạnh hồ đối diện đền Trần Thương). Phần phát lương cũng được chuyển hết ra các cửa phát lương bên ngoài Nghi môn ngoại, không tổ chức phát lương trong đền và ngoài sân Đền cho nhân dân và du khách thập phương.
Khác với những năm trước, việc phát ấn sẽ không diễn ra cùng lúc với lễ khai ấn mà chỉ bắt đầu từ 5h sáng ngày Rằm tháng Giêng với nhiều bàn phát ấn được tổ chức thuận tiện cho người dân đến lễ. Trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân năm nay, Ban tổ chức dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, hấp dẫn như: biểu diễn trống hội cà rùng; chơi cờ bỏi; tổ tôm điếm; múa lân - sư - rồng; thả diều sáo; hát chèo; hát văn; hát xẩm; múa rối nước; tổ chức chương trình "Mùa Xuân thượng võ" - biểu diễn võ thuật, thi đấu vật, các chương trình nghệ thuật của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh và các đoàn nghệ thuật của các địa phương.
Để tránh những sai lệch, biến tướng trong hoạt động lễ hội vẫn diễn ra nhiều năm, Thủ tướng Chính đã ký ban hành Công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tôn giáo, Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng, Ban Tổ chức lễ hội thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương.
Theo các chuyên gia, để hài hòa trong việc gắn kết du lịch với lễ hội truyền thống cần đề cao, chú trọng vai trò chủ thể văn hóa trong tổ chức và quản lý lễ hội truyền thống. Lễ hội truyền thống là sản phẩm sáng tạo của người dân, họ cũng sẽ là người giữ gìn, thực hành và trao truyền. Vì vậy, công tác tổ chức, quản lý lễ hội truyền thống cần đề cao vai trò này.
Đồng thời, cần nhìn nhận mối quan hệ giữa lễ hội truyền thống và du lịch cần khách quan, đúng mức để lễ hội truyền thống thực sự trở thành môi trường văn hóa lành mạnh, để các lễ hội được trả lại vẻ đẹp văn hóa vốn có của mình.…