Âm thanh ngày Tết
Trong đêm trừ tịch, tiếng chuông chùa từng hồi ngân nga trôi trên mặt nước sông đầy luôn dội vào lòng tôi những nỗi niềm khó tả. Tôi nhận ra sự bình yên, thơ thới; Nghe yêu thương, độ lượng tràn về; Ngửi được cả mùi thơm của chồi non lộc biếc quyện trong âm thanh thánh thiện của tiếng chuông chùa.
Bắt đầu bằng tiếng gió
Khi những cơn mưa cuối mùa vật vã đi qua (người dân quê tôi gọi là mưa rước cá) trả lại cho đất trời cái hanh khô rời rợi thì gió chướng cũng mơn man đổ về. Gió không có hình thù, màu sắc, mùi vị, gió cũng không có tuổi, gió chỉ có âm thanh. Chỉ cần lắng nghe âm thanh của gió là tôi có thể phân biệt được chướng non hay chướng đã già.
Khi chướng non nhè nhẹ liu riu, khẽ khàng len qua từng kẽ lá, vừa đủ để những chiếc lá lay động làm rớt giọt sương đêm thì dưới sông, cá linh non cũng từng bầy theo chướng đổ về; Trên cánh đồng, lúa chín vàng mơ báo hiệu mùa gặt tới; Ngoài vườn, đọt cây phởn phơ phơi lá lụa; Trước ngõ, hàng so đũa nở bông trắng miết một góc trời.
Cứ thế, chướng mỗi ngày một dày thêm, một rõ nét hơn. Âm thanh của nó rin rít một thứ giai điệu hối hả làm bước chân người ta cuống quýt. Và càng gần về Tết, chướng càng tự tin phơi phới làm chủ cả một vùng trời. Có nghĩa là chướng đã già rồi; Có nghĩa là Tết đang tới sát bên lưng.
Tôi đã có rất nhiều năm chỉ thật sự tìm thấy được sự bình yên, thư thái mỗi khi lắng nghe tiếng gió về. Cảm giác như đang trôi trên một dòng sông không hề có sóng, như thể chưa từng nếm trải bao đắng cay số phận, chưa từng chứng kiến bao dâu bể cuộc đời.
Tiếng chợ
Giờ đây, kể cả khi chỉ cần ngồi nhà click chuột, hệ thống thương mại điện tử sẽ mang đến tận cửa nhà không thiếu một món gì… thì mỗi bận Tết về, niềm háo hức được đi chợ Tết trong tôi vẫn cứ xốn xang, chộn rộn.
Ở đó, tôi được đắm mình trong âm thanh của một bản hợp xướng đặc biệt mà bất kỳ ai khi nghe cũng nhận ra, đó là tiếng chợ: Tiếng rao hàng dần lân, tiếng chào mời chèo kéo, tiếng dao chặt thịt bùm bùm, tiếng cự cãi xầy nhây, tiếng gà vịt lét chét, càm cạp… Ở đó, tôi được chạm mặt người, cười với nhau một nụ, hỏi thăm nhau một câu. Ở đó, tôi được tha hồ nhấc lên bỏ xuống, trả giá kì kèo, được xin thêm cọng hành, trái ớt. Ở đó, mạnh ai nấy nói, không cần e dè, không cần đi nhẹ, nói khẽ, cười êm. Nó tạo nên sự huyên náo mang sắc thái của no ấm, sung túc, viên mãn.
Tuổi thơ tôi, mỗi năm được lẽo đẽo theo bà qua những phiên chợ Tết chính là ký ức tươi đẹp nhất của cuộc đời mình. Ngôi chợ nằm cách nhà ngoại mấy ngã ba sông. Muốn tới kịp chợ vào buổi hừng đông, mọi người phải lục đục rủ nhau đi từ khi mặt trời còn chưa ló dạng.
Tiếng mái dầm khua nước lõm bõm, tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới tưng bừng, rộn rã cả một khúc sông. Tôi nằm khoanh dưới khoang xuồng, tròng trành cơn ngủ nướng cho đến khi nghe “tiếng chợ” mới lồm cồm ngồi dậy, nhảy phóc lên bờ.
Ngôi chợ quê nằm ngó mặt ra con sông với tôi ngày ấy không khác gì một thánh địa. Chợ Tết, người đông như nêm. Đập vào tai tôi là một thanh âm cực kỳ quyến rũ, đó là tiếng trống vỗ, tiếng phèng la tùng xèng, chập cheng của gánh Sơn Đông mãi võ lẫn trong tiếng rao dần lân mắc cười chết được của chú chệt bán cao đơn hoàn tán.
Trong khi bà và các mợ lăng xăng mua cá thịt, rau quả thì tôi tha thẩn qua các gian hàng trưng bày đồ Tết. Đứng nép vào một góc gian hàng tranh liễn, tôi say sưa đọc mấy câu truyện tích xưa trên những bộ tranh tứ thời, thích thú ngắm nhìn những phong bao lì xì, những phong pháo chuột, mấy món hàng mã óng ánh treo lủng lẳng, lắc lư trong gió. Cái góc chợ ngập tràn sắc đỏ ấy là một khoảng trời lộng lẫy nhất trong ký ức tuổi thơ tôi.
Tiếng quết bánh phồng
Năm nào cũng vậy, cứ sau ngày đưa ông Táo về trời là cả xóm tôi bắt đầu “mở hội” quết bánh phồng. Khi tiếng gà hiệp nhứt gáy râm ran cũng là lúc khắp nơi rộ lên tiếng chày quết bánh.
Những âm thanh thình thịch nối tiếp nhau nhịp nhàng vang lên lúc nửa đêm về sáng đã từng mang đến giấc ngủ bé thơ tôi những chiêm bao ngọt ngào. Âm thanh ấy đã nhiều năm đeo đẳng trong nỗi nhớ của một kẻ xa quê như vết hằn “thâm căn cố đế” mỗi bận Tết về.
Đó là âm thanh của ấm no sung túc, là thành quả lao động miệt mài của người nông dân cho ra những hạt gạo nếp mỡ màng, thơm dẻo. Đó còn là hoạt động mang tính cộng đồng của người dân quê tôi. Bởi vì công việc quết bánh phồng phải qua rất nhiều công đoạn, cần sự chung tay của nhiều người.
Đàn ông thì quết bánh, vùa bột, phụ nữ thì cán bánh, phơi bánh. Vì thế, người ta thường họp thành nhóm vần đổi công với nhau.
Buổi tối, mấy chị em tôi quây quần xem bà ngoại nướng bánh. Đôi tay bà giũ bánh trên lửa rơm, thoăn thoắt nhịp nhàng. Cái bánh phồng được lửa, nở to đùng, vàng và thơm. Cắn một miếng bánh, rồi để tự nó tan ra trong miệng, cái vị ngọt thanh quyện với mùi thơm nếp mới ngon thấu trời đất.
Bây giờ, ngoại tôi đã thong dong ở chốn vĩnh hằng. Nhưng hình ảnh bà ngồi nướng bánh, gương mặt lung linh dưới ngọn lửa rơm không bao giờ tôi quên được.
Tiếng pháo
Đã rất nhiều cái Tết trôi qua, tiếng pháo nổ đì đùng, giòn giã, liên hồi không dứt trong đêm giao thừa… chỉ còn là ký ức và kỷ niệm của một thời, thậm chí là của một thế hệ.
Cái khoảnh sân nhà ngập đầy xác pháo đỏ pha lẫn sắc vàng của những bông mai nở sớm theo gió rơi rụng là một bức tranh mà chỉ có những người họa sĩ tài hoa mới có thể pha màu chuẩn xác. Khoảnh sân ấy chính là niềm tự hào vô biên của mỗi nhà.
Riêng với đám trẻ nhỏ bọn tôi, “phong độ và đẳng cấp” được thể hiện qua số lượng pháo xịt nhặt được và cách “xử lý” nó.
Bây giờ mỗi bận giao thừa, ngước nhìn những cái hoa pháo lộng lẫy sắc màu trên bầu trời đêm, tôi vẫn không nguôi nhớ về khoảnh sân ngập đầy xác pháo, vẫn mường tượng ra những âm thanh giòn giã, đì đùng.
Tiếng chuông chùa
Giao thừa, sau khi mừng tuổi ông bà, cả nhà tôi thường kéo nhau đi chùa lễ phật. Ngôi chùa nằm ngó mặt ra con sông lồng lộng gió. Trong đêm trừ tịch, tiếng chuông chùa từng hồi ngân nga trôi trên mặt nước sông đầy luôn dội vào lòng tôi những nỗi niềm khó tả.
Tôi nhận ra sự bình yên, thơ thới; Nghe yêu thương, độ lượng tràn về; Ngửi được cả mùi thơm của chồi non lộc biếc quyện trong âm thanh thánh thiện của tiếng chuông chùa.
Từ khi trở thành thị dân, tôi vẫn giữ thói quen đi lễ chùa sau giao thừa, vẫn lặng lẽ một góc sân, ngậm ngùi như kẻ lạc thời, lắng nghe tiếng chuông chùa trôi đi bề bộn giữa muôn ngàn âm thanh phố thị.