Đời sống xã hội

“Giáo viên nhí” giảng bài về biên cương Tổ quốc

Thái Hòa - Đình Tiến 09/02/2024 - 15:22

Trên rẻo cao miền biên ải, “tiết học biên giới” đều đặn diễn ra mỗi tháng một lần. Điều thú vị ở đây là học sinh tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng trong sự hòa quyện giữa trò và những “người thầy đặc biệt”. Giáo viên đứng lớp không ai khác chính là những học sinh có năng lực nổi trội. Những “người thầy đặc biệt” đã mang lại niềm cảm hứng vô tận cho các “tiết học biên giới”.

398-202402091126431.png
Học sinh được học “tiết học biên giới” tại thực tế cột mốc biên giới Việt - Lào - Ảnh: Đ.T

Ươm mầm từ những chương trình nhân văn

Từ năm 2016, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị đã thực hiện các chương trình “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng” nhằm giúp đỡ học sinh con gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số (DTTS) có hoàn cảnh khó khăn ở các xã biên giới với phương châm “Trao con chữ, truyền hy vọng”.

Sau hơn 7 năm thực hiện các chương trình, các đồn biên phòng của tỉnh đã chắp cánh ước mơ cho hàng trăm em vượt khó, học giỏi, trở thành những con người có ích cho gia đình và xã hội. Hiện các đồn biên phòng trên địa bàn nuôi dạy, hỗ trợ 107 em, trong đó chương trình “Nâng bước em đến trường” 58 em; chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” nuôi tại đồn 6 em, hỗ trợ nuôi tại nhà 25 em; đỡ đầu 18 học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Từ sự hỗ trợ, chăm sóc, dạy dỗ của BĐBP phối hợp với nhà trường, gia đình, các em chăm ngoan, học giỏi, tiến bộ và trưởng thành. Chính từ những học sinh này, một số em có tư chất, năng lực vượt trội được đào tạo trở thành những tuyên truyền viên hay những “giáo viên” truyền đạt kiến thức về bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia cho các bạn đồng trang lứa, rồi từ đó lan tỏa ra cộng đồng.

Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Đại tá Ngô Xuân Thường cho biết: Các chương trình không chỉ tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tới trường mà qua sự hướng dẫn, dìu dắt của BĐBP, các cháu đã nỗ lực vươn lên đạt thành tích học tập và tu dưỡng đạo đức tốt. Các chương trình triển khai có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa BĐBP với đồng bào DTTS trên địa bàn biên giới, góp phần xây dựng nền biên phòng vững chắc.

Hiệu quả từ việc “giáo viên nhí” đứng lớp

Cứ đều đặn mỗi tháng 1 lần, Đồn Biên phòng A Vao phối hợp với Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Vao, huyện Đakrông tỉnh Quảng Trị tổ chức “tiết học biên giới” theo từng khối lớp hoặc toàn trường. Trước đây, tiết học này do cán bộ BĐBP giảng bài. Nhưng 2 năm nay, “tiết học biên giới” được em Hồ Thị Nứt, hiện là học sinh lớp 7 của trường trực tiếp đứng lớp ở một số nội dung phù hợp.

Kể từ khi được BĐBP đưa về nuôi dưỡng và đến trường học chữ, 9 chị em Nứt không chỉ nhanh chóng xóa mù chữ mà còn tiếp thu kiến thức giỏi hơn các bạn cùng lớp, trong đó nổi trội nhất là Nứt. Với đức tính cần mẫn, chịu khó, ham học hỏi, Nứt sớm nổi bật trong trường bởi thành tích học tập vượt trội. Khi ý tưởng thực hiện mô hình “học sinh giảng bài” trong “tiết học biên giới” thì Hồ Thị Nứt được Đồn Biên phòng A Vao lựa chọn để huấn luyện.

398-202402091126432.png
Em Hồ Thị Nứt giảng bài trong “tiết học biên giới” - Ảnh: Đ.T

Chính trị viên đồn chọn nội dung, xây dựng bài giảng, hướng dẫn cụ thể để Nứt nghiên cứu, học tập. Sau khi đảm bảo các điều kiện, đồn tiến hành cho em giảng thử để đánh giá, nhận xét và tiếp tục bồi dưỡng. Khi đạt yêu cầu đề ra, đơn vị phối hợp với nhà trường thống nhất cho Nứt bắt tay vào làm “giáo viên” đứng lớp “tiết học biên giới”. Nhờ sáng dạ và chăm chỉ nên Nứt không khó tiếp thu giáo án (kể cả giáo án điện tử).

Nhờ năng khiếu thiên phú, giọng Nứt ấm áp, truyền cảm, từ cách sử dụng ngôn từ, đến phương pháp trình bày tạo sự gần gũi, phù hợp với tâm lý lứa tuổi nên có sức cuốn hút. Lúc thì giảng trước học sinh toàn trường, lúc giảng cho học sinh từng khối lớp, Nứt đều thể hiện được sự chững chạc trong truyền đạt, sự chắc chắn trong kiến thức, thể hiện kỹ năng sư phạm khá tốt với bài giảng trôi chảy và gần như không bị “cháy giáo án”.

Qua bài giảng của Nứt, các khái niệm về đường biên giới quốc gia, cột mốc quốc giới, các loại cột mốc giới, phạm vi khu vực biên giới, nghĩa vụ và trách nhiệm của người dân, đặc biệt là của học sinh sống ở khu vực biên giới trong bảo vệ đường biên, cột mốc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia... được các bạn đồng trang lứa hiểu một cách dễ dàng hơn.

Các buổi “lên lớp” của Nứt tạo sự thích thú của bạn bè nghe giảng từ sự gần gũi thân quen nên không khí tiết học thoải mái mà hiệu quả. Em Hồ Văn Khanh, học sinh lớp 7B, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Vao cho biết: “Khi nghe Nứt truyền đạt các kiến thức trong “tiết học biên giới” em thấy thích thú và ngưỡng mộ bạn ấy lắm. Các tiết học giống như buổi nói chuyện giữa chúng em với nhau về an ninh biên giới quốc gia nên em tiếp thu các kiến thức đó nhẹ nhàng, hiệu quả. Em càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình đối với bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia”.

Khả năng giảng bài của Nứt cũng làm cho nhiều giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Vao thán phục. Cô Hồ Thị Quyết, giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS A Vao cho biết: “Năm Nứt học lớp 6, tôi làm chủ nhiệm, lúc đó tôi thật sự bất ngờ trước khả năng truyền đạt kiến thức và sự mạnh dạn trước đám đông của Nứt. Đến nay thì tôi khẳng định Nứt có một kỹ năng sư phạm đặc biệt và một khả năng tiếp thu kiến thức tốt thật sự. Tôi thấy tự hào về học sinh này, cảm ơn sự chăm lo nuôi dạy của các anh BĐBP nhiều lắm”.

Sinh ra giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, ngay từ tuổi thiếu nhi, trong hành trang kiến thức của học sinh vùng biên tiếp thu có kiến thức về biên cương Tổ quốc. Từng “tiết học biên giới” cứ thấm dần vào tâm hồn trẻ và như trở thành một lẽ hiển nhiên về trách nhiệm của các em đối với chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia. Từ tiếp thu kiến thức về biên giới quốc gia, nhiều em có khả năng trở thành người truyền đạt kiến thức này. Các bài giảng của tuổi thơ về biên cương Tổ quốc cứ thế ngày càng nhiều hơn, lan tỏa trong học sinh dọc miền biên ải. Chúng em nói với chúng em về trách nhiệm, về cách bảo vệ đường biên, cột mốc như tình yêu Tổ quốc.

Cũng giống như Nứt, sinh ra từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở Bản 10, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, Hồ Thị Đẹp được BĐBP cưu mang trong chương trình “Nâng bước em đến trường”. Nhờ tiếp thu nhanh và nỗ lực trong học tập nên Đẹp được Đồn Biên phòng Thanh, huyện Hướng Hóa chọn làm “giáo viên” cho “tiết học biên giới” của Trường THCS Thanh.

Để có kỹ năng và kiến thức truyền đạt trong “tiết học biên giới”, hằng ngày cán bộ Đồn Biên phòng Thanh đến nhà em để huấn luyện. Chỉ sau một thời gian ngắn huấn luyện, Đẹp đã trở thành một “giáo viên nhí” với khả năng nói lưu loát, cách truyền đạt dễ hiểu. Ngay buổi đầu tiên “đứng lớp”, Đẹp đã ghi được điểm tốt trong mắt bạn bè đồng trang lứa và không phụ công huấn luyện của các chú BĐBP.

Hồ Thị Đẹp cho biết: “Ban đầu em cũng lo lắng không biết mình có đảm nhận được không, nhưng nhờ các chú BĐBP hướng dẫn cặn kẽ, tận tình, em nỗ lực tiếp thu kiến thức, siêng năng rèn luyện cả việc ghi nhớ kiến thức đến cách diễn đạt. Sau khi các chú BĐBP cho giảng thử, rồi chỉnh sửa trong lối diễn đạt nên em đã làm được. Hiện nay, em tự tin “đứng lớp” trong “tiết học biên giới”.

Chính trị viên Đồn Biên phòng A Vao, Trung tá Bùi Huy Tịnh cho biết: “Tiết học biên giới do em Nứt trực tiếp giảng được đơn vị và nhà trường đánh giá cao. Trong thời gian tới, đơn vị tiếp tục nghiên cứu phương pháp và cách làm mới giúp em Nứt nâng cao trình độ kiến thức hơn để giảng bài ngày càng đạt chất lượng cao hơn.

Đồng thời, để đảm bảo sự kế thừa, đồn cũng tiếp tục tìm kiếm một số em nữa để huấn luyện, đào tạo thành những “giáo viên nhí” cho “tiết học biên giới” lan tỏa rộng hơn, để mỗi học sinh trên vùng biên giới là một “cột mốc sống” tuyên truyền cho người thân trong gia đình, bà con dân bản cùng tham gia bảo vệ bản làng bình yên, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.

Thái Hòa - Đình Tiến