Say đắm điệu lăm vông
Trong tập quán sinh sống của dân tộc Lào từ các lễ hội cho đến ngày vui bản đều không thể thiếu điệu múa “lăm vông”- một điệu múa truyền thống trong cộng đồng dân tộc Lào.
Theo tiếng Lào “lăm” là hát, “vông” là tròn, múa lăm vông là hát múa theo hình tròn. Vì vậy, múa lăm vông phải có cả một đội xếp theo hình vòng tròn, chuyển động theo tiếng nhạc. Trong bất cứ buổi tiệc, bất cứ lễ hội nào cũng đều có điệu múa nhịp nhàng, dẻo dai này, tạo sự gắn kết đối với những người tham gia.
Múa lăm vông đã trở thành một nhu cầu sinh hoạt văn hoá của dân tộc Lào, nó không chỉ là hình thức sinh hoạt tập thể vui tươi, có tác dụng giáo dục thẩm mỹ cho người dân mà còn tôn lên vẻ duyên dáng dịu dàng của những cô gái dân tộc Lào. Điệu lăm vông nhẹ nhàng, dễ học, dễ nhảy, chỉ cần chút khéo léo là có thể múa một cách cơ bản. Một vòng múa lăm vông rất đa dạng, phong phú về các tư thế, mọi người phối hợp thể hiện nhịp nhàng trên nền nhạc.
Đối với phụ nữ, khi múa lăm vông động tác là vừa cuộn bàn tay, vừa ép ngón trỏ vào ngón cái, các ngón xòe rộng và uốn cong, nhịp chân ba bước tiến, một bước lùi, cứ thế đi vòng tròn cùng mọi người. Tùy vào năng khiếu của mỗi người khi thể hiện điệu múa trong mỗi bài hát có những tư thế xoay, tiến, lùi khác nhau nên vòng múa lăm vông rất đa dạng tư thế múa. Nam giới cũng phải sử dụng bàn tay và cơ thể để có sự tương tác với bạn múa, nam giới thường đi chậm, nhịp nhàng từng động tác theo tiếng nhạc để phù hợp với đối phương hoặc vòng tròn lăm vông.
Múa của đồng bào Lào được thực hành trong dịp lễ, tết, đám cưới, mừng nhà mới, liên hoan văn nghệ, hội thi, hội diễn, sự kiện văn hóa tại thôn bản và giao lưu hợp tác quốc tế... Ngoài ra, không nhất thiết phải vào các dịp trên mà bất cứ nơi đâu khi tiếng nhạc vang lên thì họ lại mời nhau cùng ca hát, nhảy múa.
Lăm vông là một điệu múa mang tính cởi mở, ai cũng có thể múa được. Không quan trọng chủ hay khách, múa có đẹp, có dẻo hay không mà quan trọng nhất là niềm vui của tất cả mọi người cùng tham gia. Hòa trong điệu múa lăm vông sẽ cảm nhận rõ hơn người Lào rất thân thiện và mến khách.
Ngày nay lăm vông vẫn giữ nguyên màu sắc dân tộc, điệu múa cổ truyền này đã thật sự nuôi dưỡng tâm hồn của cộng đồng dân tộc Lào. Dù mỗi điệu múa chứa đựng những nội dung khác nhau song đều mang ý nghĩa vươn tới khát vọng cuộc sống thanh bình, đầm ấm, hạnh phúc, yên vui.