Mỗi dịp Tết đến Xuân về, làng hoa giấy Thanh Tiên (xã Phú Mậu, TP. Huế) lại rộn ràng hơn bao giờ hết. Những sản phẩm hoa giấy rực rỡ, đẹp mắt được chính tay những nghệ nhân tại làng kỳ công tạo nên để phục vụ cho mọi nhà trước và sau dịp Tết. Nằm dọc theo bờ Nam, nơi hạ lưu sông Hương, làng Thanh Tiên là một ngôi làng nhỏ nhưng nổi tiếng về nghề làm hoa giấy thờ cúng, đặc biệt là hoa Sen vô cùng độc đáo. Từ xa xưa, những cành hoa giấy đã gắn bó sâu sắc với đời sống tâm linh của người dân cố đô. Đáng chú ý, nghề làm hoa giấy tại địa phương này đã xuất hiện cách đây hơn 300 năm, bắt nguồn từ tín ngưỡng của dân gian. Tục xưa, hoa giấy được bố trí ở những nơi như Am cảnh, Trang Ông, Trang Bà và ông Táo. Tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở địa phương như cây tre, cây lùng cùng với sự sáng tạo phong phú của các nghệ nhân đã tạo nên những Bông Lùng, Hoa Tre hay còn gọi là Hoa Đũa, nhuộm màu ngũ sắc. Trong đó, bông Lùng, Hoa Tre được dùng cho việc thờ cúng, càng về sau phát triển nghề làm hoa giấy. Có thể thấy, hoa giấy Thanh Tiên mô phỏng các loại hoa ngoài tự nhiên như hoa Loa kèn, hoa Tường vi, hoa Cúc, hoa Quỳ, hoa Sen vô cùng rực rỡ và đẹp mắt. Hàng năm, vào Tết Nguyên đán, hoa mới được thay thế, hoa cũ hạ xuống “Duống” và đốt đi gọi là “Tẩu”. Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế và đã lan tỏa ra các tỉnh lân cận. Ngày nay, ngôi làng nhỏ Thanh Tiên thường xuyên đón tiếp các đoàn khách du lịch về tham quan. Nhiều du khách đến với làng nghề rất thích thú, đây là động lực để giúp người dân Thanh Tiên bám trụ và phát triển nghề. Song, câu chuyện quan ngại nhất đối với những gia đình có truyền thống tại làng nghề này đó chính là “người nối nghề”, khi mà thế hệ kế cận, những người trẻ không có nhiệt huyết để nối dõi nghề. Ông Trần Phú (61 tuổi) - nghệ nhân có thâm niên hơn 45 năm làm nghề hoa giấy cho rằng, với đặc thù công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, mày mò và kiên trì nhưng đổi lại thu nhập không ổn định nên thế hệ con cháu đã không mấy mặn mà với nghề làm hoa giấy này. “Đây là nghề truyền thống mà ông cha đã để lại, đến đời tôi là đời thứ ba nối dõi nghề làm hoa giấy Thanh Tiên, vì muốn gìn giữ và phát huy nghề truyền thống, thế hệ chúng tôi vẫn luôn gắn bó, sống với nghề. Tuy nhiên, vì công việc đem lại thu nhập thấp, không ổn định nên thế hệ con cháu không làm, tôi rất lo khi làng nghề càng ngày càng ít người nối nghề” - ông Phú nói.
Phúc Đạt- Nguyễn Luân