Đặc sản địa phương

Món quà đãi khách ngày xuân vùng cao

Vy Khanh 08/02/2024 - 06:42

Không khí chuẩn bị đón Tết Nguyên đán đang rộn ràng khắp mọi nơi, Tết là dịp mọi người quây quần bên mâm cơm và mỗi dân tộc lại có những món ăn riêng độc đáo trong mâm cỗ ngày Tết.

Bánh dày

Cứ vào dịp giáp Tết Nguyên đán, các bản làng người Mông lại rộn lên âm thanh đập bánh quen thuộc. Những chiếc bánh dẻo làm bằng nếp thơm từ nương rẫy của người Mông, mỗi nhà phải có một mâm bánh dày cũng có nhiều nét đặc sắc về văn hóa ẩm thực.

Trong văn hóa của người dân tộc Mông, bánh dày là món bánh cổ truyền không thể thiếu của ngày Tết. Bánh dày không chỉ là hiện thân cho tình yêu son sắt của người dân mà còn là món bánh tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời - là nơi khởi nguồn cho sự sống của vạn vật.

Bánh dày chẳng phải món bánh xa lạ với người Việt ta, những chiếc bánh trắng tròn, đầy đặn nhỏ xinh rất quen thuộc, nhưng chiếc bánh dày của người Mông lại được thể hiện rất đặc sắc. Khác với kích thước nhỏ xinh bình thường, bánh dày của người Mông có kích thước to hơn.

banhday.jpg
Ẩm thực ngày Tết của đồng bào dân tộc Mông mỗi nhà phải có một mâm bánh dày

Món bánh cổ truyền này từ cách làm đến cách dâng cúng và thưởng thức đều kỳ công. Bánh dày cổ truyền của người Mông có vị ngon đặc biệt ở chỗ bánh được làm thủ công.

Cối dùng để giã bánh dày được làm từ thân cây cổ thụ, thớ mịn chắc và có mùi thơm. Phần lá lót và gói bánh là lá chuối rửa sạch, mang hơ qua lửa và lau sạch sẽ. Loại gạo nếp được dùng để làm bánh dày là nếp nương ngon, thơm và dẻo. Gạo được ngâm trong một ngày để cho ngậm no nước. Sau đó, xôi được đồ kỹ cho mềm và dẻo. Tiếp đó, phần xôi được đồ kỹ này đổ ra cối và giã ngay khi còn nóng.

Đây có lẽ là công đoạn vất vả nhất khi làm bánh dày. Những tiếng chày gỗ giã xuống liên tục để tạo độ dẻo, xôi giã càng kỹ thì bánh sẽ càng ngon và bảo quản cũng được lâu hơn. Giã bánh xong phải nặn bánh ngay để bánh vào khuôn. Nếu để bánh nguội thì vừa không nặn được mà bánh lên hình cũng không được đẹp.

Những chiếc bánh dày tròn trịa sau khi hoàn thành sẽ được dâng lên mâm lễ thờ cúng tổ tiên. Trong ngày lễ Tết của người Mông, đây không chỉ là lễ vật chính trong mâm cỗ mà còn là món ăn đãi khách và làm quà. Ngoài ăn trực tiếp, bánh còn được nướng trên than hồng hoặc cắt nhỏ rồi rán phồng.

20-1-.jpg
Giã bánh dày phải là những người đàn ông khỏe mạnh.

Chiếc bánh dày tròn đầy thể hiện lòng thơm thảo của người dân tộc Mông với lễ hội truyền thống cũng như lòng biết ơn tới cội nguồn khởi sinh vạn vật. Đối với người dân nơi đây, bánh dày tròn không chỉ là món bánh cổ truyền trong ngày Tết mà còn thể hiện sự chung thủy, một lòng trong tình yêu. Hình ảnh tròn đầy của bánh dày tượng trưng cho tình yêu luôn viên mãn chẳng bao giờ vơi. Tục làm bánh dày của người Mông khi Tết đến không chỉ thể hiện sự tôn trọng, kế thừa truyền thống mà còn là hoạt động đặc sắc trong mùa xuân thu hút nhiều khách du lịch.

Bánh khảo

Vào cuối mùa thu hoạch, bà con thường chọn riêng những mẻ nếp ngon nhất đem phơi thật kỹ rồi bảo quản cẩn thận. Phần gạo nếp này sẽ để dành vào dịp cận Tết, phần để gói bánh chưng, nấu xôi, phần để làm một số loại bánh, trong đó có bánh khảo. Một thứ bánh mà các công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ mới có thể hoàn thành để làm quà tặng hay dâng lên mâm lễ cúng.

Thoạt nhìn, bánh khảo sẽ khiến nhiều người có sự so sánh với oản của người đồng bằng. Bánh khảo và oản tuy có sự tương đồng, nhưng oản chủ yếu dùng để bày biện cho lễ cúng hơn là ưa chuộng để ăn. Oản thường đóng theo dạng hình chóp, được ép cứng và hầu như không có nhân. Còn bánh khảo thường làm hình vuông hoặc chữ nhật, đặt vừa trong lòng bàn tay, rất mềm ăn mà không gây ngán. Giữa bánh sẽ có một lớp nhân mỏng, có khi là lạc với vừng trộn cùng đường phên, cũng có khi là đậu xanh, đậu đỏ được sên với đường thật nhuyễn tùy theo sở thích.

banhkhao.jpg

Đồng bào dân tộc rất chuộng màu sắc, từ trang phục đến các món ăn trong dịp lễ, Tết đều được phối màu khá sặc sỡ. Họ lựa chọn những tờ giấy xanh, đỏ, tím, vàng… để gói bánh. Từng chiếc bánh khảo được gói vuông vắn rồi xếp theo từng phong 5 hoặc 10 chiếc, mỗi chiếc bánh là một loại màu giấy gói khác nhau trông cực kỳ bắt mắt. Khi khách đến chơi nhà, gia chủ sẽ đem từng phong bánh ra mời. Bóc miếng bánh ăn từng miếng, hương vị của nếp rang thơm quện lẫn với vị ngọt bùi của đường, lạc, vừng đã giã mịn, nhấp thêm một chén trà mạn nóng, khách sẽ không khỏi xao xuyến mà tấm tắc khen.

Đồng bào Nùng, Tày cho rằng, chiếc bánh làm từ gạo nếp tượng trưng cho đất mẹ. Phần nhân vừng, lạc, đậu xanh… là hương thơm của sự hòa hợp, đoàn kết và vị ngọt tượng trưng cho tình yêu thương. Tổng hòa lại, chiếc bánh là sự kết nối yêu thương, đoàn kết giữa người với người, giữa các bản làng, các dân tộc với nhau. Ăn một miếng bánh, nhấp một chén trà, đôi ba câu chuyện đầu xuân thêm phần gắn kết và ấm áp.

Làm bánh khảo không quá khó, nhưng để làm những phong bánh khảo thơm ngon trải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm phải khéo léo, tỉ mẩn, công phu. Trước tiên, chọn gạo nếp thơm ngon, hạt tròn, mẩy để làm bánh; dùng đường kính hoặc đường phên (đường sản xuất thủ công từ mật mía). Gạo nếp rang chín, xát mịn, bột càng mịn bánh càng ngon, sau đó ủ hạ thổ. Công đoạn này rất quan trọng, nếu ủ chưa đủ độ khi trộn với đường sẽ không có độ kết dính, bánh bị bở, không thể đóng thành khuôn, nếu ủ kỹ quá khi vò bột sẽ bị khô, ăn không ngon.

bk.jpg
Những phong bánh được gói bằng giấy nhiều màu sắc.

Sau khi chuẩn bị xong bột và nhân bánh, sẽ tiến hành nén bánh, gỡ bánh ra khỏi khuôn để một lúc rồi gói lại bằng giấy vàng, xanh, đỏ... Bánh khảo có vị thơm của bột nếp, vị bùi của vừng, lạc, vị ngậy của mỡ lợn, vị ngọt thanh của đường. Tất cả hòa quyện với nhau thơm ngon, đậm đà không thể nào quên.

Dù đi đâu, làm gì, mỗi lần được thưởng thức những món bánh cổ truyền, người Việt có dịp tưởng nhớ về quê hương, nhớ ngày Tết dân tộc vui vẻ, đầm ấm.

Vy Khanh