Văn hóa

Không gian văn hóa đặc sắc ở chợ phiên Tây Bắc

Thế Lượng - Ngọc Ánh 07/02/2024 - 08:12

Từ lâu, không gian chợ phiên Tây Bắc là nơi hội tụ những nét văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao. Hòa mình vào chợ phiên trong hành trình khám phá xứ sở Tây Bắc, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị và ý nghĩa.

Ở vùng cao Tây Bắc, đồng bào các dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang... Trải qua đời này qua đời khác, các dân tộc như Tày, Mông, Dao, Nùng, Giáy... đã tạo dựng cho dân tộc mình một bản sắc văn hóa riêng, mang đậm những quan niệm nhân sinh trong đời sống của đồng bào vùng cao. Đồng bào vùng cao Tây Bắc luôn cố gắng gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền bằng nhiều hình thức như thông qua các phong tục, tập quán, lễ hội, sinh hoạt văn hóa, văn học và trò chơi dân gian... Trong đó, chợ phiên luôn là không gian hiện hữu, diễn xướng văn hóa mang đậm bản sắc của các dân tộc.

Nói đến chợ phiên thì ở miền xuôi cũng như miền ngược, từ xa xưa cho đến nay, các địa phương đều duy trì hoạt động mang tính cộng đồng này. Tuy nhiên, khi nói đến vùng cao thì phải khẳng định, chợ phiên không đơn thuần là không gian trao đổi, giao thương hàng hóa mà còn là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính đặc thù vùng miền. Ở vùng cao Tây Bắc, từ lâu đã nổi tiếng với các phiên chợ như chợ Bắc Hà (Lào Cai), chợ Mù Cang Chải (Yên Bái), chợ Mường Lò (Yên Bái), chợ Cán Cấu (Lào Cai), chợ Đồng Văn (Hà Giang)... Rồi những phiên chợ mang đậm sắc thái tình yêu như chợ tình Khau Vai (Hà Giang), chợ tình Sa Pa (Lào Cai). Mỗi khi nhắc đến những phiên này và hàng loạt những phiên chợ tại các xã, huyện của các tỉnh vùng cao Tây Bắc, người ta thường nghĩ đến một không gian văn hóa mang đậm màu sắc vùng cao được đồng bào nơi đây gìn giữ bao đời nay.

Nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao Tây Bắc được thể hiện ngay ở văn hóa xuống chợ. Chợ phiên ở mỗi vùng được đặt ở khu trung tâm huyện hoặc xã. Không phải ngày nào chợ cũng được họp mà phiên chợ chỉ diễn ra vào ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật hằng tuần. Vì thế, sau một tuần lao động vất vả, chuẩn bị mọi thứ hàng hóa, nông sản, đồng bào vùng cao cứ cuối tuần lại xuống chợ như một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của họ. Ai xuống chợ cũng mang theo những thức hàng mà gia đình làm ra để mang bán tại chợ phiên. Thậm chí, có người không có hàng hóa mang theo vẫn dặt dìu xuống chợ phiên mỗi tuần. Người vùng cao xuống chợ như thể đi hội với bao điều mong đợi được trao đổi, giao lưu, mua bán. Vì thế, những ngày cuối tuần ở vùng cao Tây Bắc, không khí xuống chợ đông vui, tấp nập của đồng bào vùng cao đã dậy lên một sức sống như xua tan đi cái giá lạnh và vắng vẻ nơi sơn thẳm.

Tại chợ phiên, bản sắc về văn hóa trang phục được đồng bào các dân tộc thể hiện rõ nét. Mặc dù cuộc sống có hiện đại nhưng mỗi dân tộc đều giữ cho mình một bản sắc riêng về trang phục. Đây là sự hiện diện rõ nét nhất trong văn hóa cổ truyền. Khi xuống chợ, đồng bào các dân tộc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp bình dị mà khỏe khoắn sắc chàm trên trang phục của đồng bào Tày, vẻ đẹp rực rỡ, tinh tế trên trang phục thổ cẩm của đồng bào Mông, Dao, Pà Thẻn... Chính những bộ trang phục được đồng bào ăn vận trên mình đã tạo nên những sắc màu đặc trưng, tạo thành một vườn hoa đa sắc màu trong chợ phiên. Ngoài trang phục đồng bào mặc trên mình thì trang phục được đồng bào vùng cao bày bán trong các gian hàng đã tạo nên một vẻ đẹp truyền thống ở chợ phiên Tây Bắc. Đó là những sản phẩm được chính bàn tay của người vùng cao thêu dệt nên, gửi gắm cả vào trong đó quan niệm, nếp sống, lời ăn tiếng nói của dân tộc mình.

941102902amt9.jpg
Chợ phiên vùng cao mang đậm sắc màu văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Có một nét văn hóa dường như vô hình và trở thành nét độc đáo ở chợ phiên vùng cao Tây Bắc, đó là cách bán hàng mang đậm nét những quan niệm nhân sinh của mỗi tộc người. Trải qua thời gian, người vùng cao vẫn gìn giữ được bản sắc độc đáo này. Nổi bật trong cách bán hàng này ở chợ phiên Tây Bắc là dân tộc Tày và dân tộc Mông. Tại đây, không hề có lời kỳ kèo ngã giá, mặc cả hay bớt một thêm hai. Người bán chỉ bán duy nhất một giá mà không hề thay đổi dù món hàng đó đến tan chợ không ai mua, rau quả có héo cũng không hạ giá, dù phải mang về cũng không phải bán tháo cho hết. Sở dĩ ở những chợ phiên vùng cao có cách bán một giá ở phiên chợ xuất phát từ phẩm chất thật thà, trung thực và thẳng thắn của đồng bào. Họ vốn là những con người sinh ra và lớn lên ở vùng cao nên không biết nói thách, cũng không thích quanh co. Đồng thời, sự kiên định của đồng bào cũng là phẩm chất đáng quý của người vùng cao trong cuộc mưu sinh nơi núi thẳm suối ngàn.

Theo nghệ nhân dân gian Ma Thanh Sợi (bản Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai): “Việc bán đôi ở chợ phiên có từ xa xưa, đây không phải là cách làm khó cho khách mua mà là xuất phát từ quan niệm nhân sinh được đồng bào gìn giữ từ bao đời nay. Đó là quan niệm về âm dương, về đôi lứa. Cái gì cũng phải đi đôi, có như vậy mới có sự phát triển một cách hài hòa”.

Tại các địa phương trong thời gian gần đây, trong lộ trình xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch cộng đồng, cấp ủy và chính quyền đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào vùng cao giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó, văn hóa chợ phiên được chú trọng bảo vệ và phát triển trong giai đoạn mới. Đặc biệt, việc gìn giữ bản sắc văn hóa chợ phiên sẽ tạo sức hút lớn đối với du khách trong phát triển du lịch.

Thế Lượng - Ngọc Ánh