Xây dựng lễ hội chùa Hương góp phần vào sự phát triển du lịch Thủ đô
UBND huyện Mỹ Đức cho thấy, địa phương đang trình UBND TP Hà Nội phê duyệt Đề án đổi mới tổ chức và phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương).
Đó là khẳng định của Sở Du lịch Hà Nội tại "Hội nghị tập huấn kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư năm 2024” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức chiều 5/1.
Phấn đấu thành khu du lịch quốc gia
Hội nghị nhằm tuyên truyền lợi ích du lịch đem lại, hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho nhân dân, người lái đò, người bán hàng, người phục vụ tại xã Hương Sơn. Qua đó, hướng tới mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu để đông đảo du khách trong nước và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu, góp phần vào sự phát triển chung của Ngành Du lịch Thủ đô.
Địa phương đặt mục tiêu từ năm 2024-2025, khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quần thể chùa Hương trở thành khu du lịch cấp thành phố. Đồng thời phấn đấu đến năm 2030, thành Khu du lịch quốc gia, là một trong những trung tâm du lịch của Thủ đô và cả nước, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Theo Phó Chánh Văn phòng Sở Du lịch Hà Nội Bùi Đức Thuận, những năm gần đây, du lịch văn hóa đền Trình (chùa Hương) tâm linh đã trở thành xu hướng phát triển của du lịch thế giới. TP Hà Nội hiện có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó chùa Hương là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo, gồm nhiều ngôi chùa, đền, đình... là 1 trong 11 di tích quốc gia đặc biệt, đây là những giá trị to lớn để phát triển du lịch văn hóa, tâm linh.
Trong những năm qua, để thu hút du khách khi di tích chùa Hương đã được đầu tư, đổi mới cơ chế quản lý, phát huy, bảo tồn, khai thác giá trị di tích, cảnh quan; tổ chức các hoạt động lễ hội và dịch vụ… Nhờ đó, năm 2023, chùa Hương đã đón hơn 1 triệu lượt du khách.
Trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức xác định nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý hoạt động du lịch để bảo đảm tính chuyên nghiệp, phù hợp với các tiêu chí của khu du lịch chất lượng cao, đáp ứng các điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia.
Trong đó, Sở tiếp tục định hướng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch để phát huy giá trị di tích và kết nối du lịch với các khu vực lân cận. Đồng thời phối hợp UBND huyện Mỹ Đức quảng bá, giới thiệu quần thể Hương Sơn tới du khách trong và ngoài nước; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng.
Đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách
Trong Lễ hội chùa Hương 2024 diễn ra từ ngày từ ngày 11/2 đến hết ngày 1/5/2024 (từ mùng 2 tháng Giêng đến hết ngày 23 tháng Ba năm Giáp Thìn), Sở Du lịch sẽ phối hợp với UBND huyện Mỹ Đức và các ngành chức năng của thành phố đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, giữ gìn môi trường du lịch; hướng dẫn, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh du lịch...
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mỹ Đức Đặng Văn Cảnh - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội, không gian cảnh quan từ suối Yến đến các khu vực hành lễ được trang hoàng sạch, đẹp, văn minh.
Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra Lễ hội, Ban Quản lý Khu Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử; nâng cao chất lượng quản lý xuồng đò, sắp xếp hàng quán, phân luồng giao thông, bốn bến xe có sức chứa 5.000 khách; nếu quá tải thì có những nơi tập trung, không để hiện tượng đỗ xe bừa bãi.
Huyện Mỹ Đức thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Du lịch Chùa Hương vận chuyển thuyền, đò phục vụ du khách tham quan lễ Phật đảm bảo an toàn, văn minh, lịch sự. Việc điều hành, vận chuyển khách đi thuyền, đò theo thời gian quy định xuất bến tại bến ngoài để đảm bảo an toàn cho du khách.
Ủy ban Nhân dân xã Hương Sơn chỉ đạo các hợp tác xã, thôn xóm rà soát, thống kê, đăng ký số lượng đò tham gia vận chuyển khách trong lễ hội Chùa Hương năm 2024.
Hiện có 3.800-4.500 thuyền đò đủ tiêu chuẩn phục vụ khách như: Lắp đủ ghế, có áo phao, wifi, ô che… Ban Tổ chức thường xuyên lập đoàn thanh kiểm tra, không để xảy ra tình trạng sử dụng xuồng máy, bán hàng rong, đánh bạc trên thuyền như những năm trước. Việc phát hành và in vé điện tử, thu giá trông giữ theo quy định.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Cảnh, điểm mới của Lễ hội Chùa Hương năm nay là đưa vào chạy xe điện phục vụ du khách theo lộ trình tuyến, với ba tuyến đường: Bến xe Hội Xá-Bến đò Yến Vỹ; Bến xe Đục Khê-Bến trượt Đồng Cừ; Bến xe Đường số 1-Bến đò Chùa Tuyết Sơn.
Tại buổi tập huấn, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học KHXHNV- Đại học Quốc gia Hà Nội) đã hướng dẫn người nhân dân trực tiếp tham gia phục vụ lễ hội (cung cấp dịch vụ chèo thuyền, lưu trú...) tác phong ứng xử du lịch văn minh với du khách cũng như ý thức trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ khách để Lễ hội chùa Hương 2024 diễn ra văn minh, an toàn, góp phần vào sự phát triển chung của ngành du lịch Thủ đô.